Kiến trúc nhà ở của người Pu Péo

Kiến trúc nhà ở của người Pu Péo
Từ xa xưa, người Pu Péo đã có quan niệm rằng, sự thành bại trong cuộc sống của mỗi gia đình, mỗi cá nhân phụ thuộc rất nhiều vào điền trạch. Vì vậy, có rất nhiều tín ngưỡng xung quanh ngôi nhà của họ, từ việc chọn đất đến quá trình chọn cây, cột và xây cất, nghi thức vào nhà mới… Nhà trình tường vốn là một nét độc đáo của đồng bào dân tộc vùng cao Hà Giang.
Theo hồi ức của những người già, trước kia, người Pu Péo ở nhà sàn nhưng do rừng bị tàn phá nhiều nên việc tìm kiếm nguyên vật liệu trở nên khó khăn; vì vậy, họ đã phải chuyển sang ở nhà đất. Kiến trúc nhà ở của người Pu Péo có nhiều nét tương đồng với nhà ở của người Hoangười Mông. Song so với kiến trúc nhà của người Mông thì nhà của người Pu Péo có nhiều nét nổi trội và khoa học hơn. Thường họ làm nhà năm gian, những hộ khó khăn thì cất tạm ba gian cũng thành tổ ấm.

Cũng có thời kỳ, người Pu Péo học theo người Hoa làm nhà hai tầng, sau này, họ tự hoàn thiện cho mình một lối kiến trúc chuyên biệt, phân bố không gian sinh hoạt trong một tầng nhà duy nhất một cách rất khoa học. Ngôi nhà trổ một cửa chính ở gian giữa, phía trên cao có thêm năm cửa sổ để hứng ánh sáng nên nhà ở của dân tộc này thường sáng sủa, phong quang hơn những ngôi nhà trình tường của người Mông.
 


Các ngôi nhà được làm bề thế và trổ 2 cửa, 1 cửa ở chính gian giữa, một cửa ở gian bên phải. Trên gác xép được trổ từ 3 đến 5 cửa sổ nhỏ để lấy ánh sáng trời. Kết cấu khung nhà dựa trên các vì kèo gỗ 3 đến 5 hàng chân. Độc đáo và kỳ công nhất có lẽ phải kể đến bức tường trình dày gần 50cm. Loại đất này được lấy từ những vạt đồi hoàng thổ, được sàng lọc kỹ đất tạp rồi pha lẫn sỏi hoặc đá răm để đạt được độ bền cao và chịu được lực tác động lớn như gió bão hoặc bị xe cộ đâm phải. Ngoài ra, còn cần có một lớp đá cao gần nửa mét xếp bao quanh chân tường để tránh sụt lún do nước mưa xói mòn hoặc làm rã đất. Năm người đàn ông khoẻ mạnh lầm lũi cõng từng gùi đất, leo lên chiếc thang tre mỏng mảnh để lên đỉnh tường. Họ đổ gùi đất vào máng rồi lụi hụi leo xuống. Những người khác dùng vồ nện đất săn lại, kết dính với tầng đất phía dưới. Người nào khéo tay hơn sẽ đứng trên dàn giáo dựng bằng cây gỗ tạp, lấy vồ hoặc tay không đập vào thành tường để đất tường mịn dẻo, ánh lên tinh đất và cũng là để bức tường thêm phần chắc chắn. Dưới chân tường thường được xếp một lớp đá cao khoảng 40 đến 50 cm để tránh lún tường do mưa gây ra. Mái nhà thường được lợp bằng cỏ gianh, nhà nào khá giả lợp bằng ngói máng (ngói âm dương). Ngoài 2 mái chính còn có thêm mái phụ làm thấp hơn so với mái chính nhằm tránh mưa gió hắt vào nhà và làm cho ngôi nhà ấm cúng hơn về mùa đông.

Không gian sinh hoạt thường khép kín. Chuồng gia súc gần gian bên trái. Các gian được phân biệt khá rõ ràng và có ý nghĩa riêng biệt. Gian giữa là gian khách. Nếu gia đình nào hành nghề gia truyền thống như thầy lang, nghề mộc, nghề rèn… thì có kê ban thờ Tổ nghề. Gian này được kê giường ngủ giành cho khách. Gian bên trái là gian linh thiêng, chính giữa gian là kê bếp kiềng; trên bếp kiềng có treo một chiếc ấm đồng để đun nước thờ cúng tổ tiên. Bếp này mỗi ngày ít nhất một lần nổi lửa, nơi giữ hồn của chủ nhà. Bên cạnh bếp kiềng kê dãy phản là nơi để bày các đồ cúng tổ tiên và cũng là chỗ ngủ cho con trai chưa xây dựng gia đình. Trên tường có đóng ban thờ. Trên ban thờ chỉ để bát hương, sau bát hương là chiếc hũ; mỗi chiếc hũ tượng trưng cho một đời người, nhưng nhiều nhất cũng chỉ để đến 5 hũ (tương đương 5 đời). Gian bên phải được giành cho phụ nữ và bếp lò (bếp phụ) để nấu ăn hằng ngày. Phía sau ngăn thành gian buồng nhỏ giành cho các con gái.
 


Tầng hai (gác xép), có cầu thang đi lên ngay phía sau, gian giữa. Cầu thang làm một nhịp từ thường là 21 bậc (không làm số chẵn). Tầng hai được coi là không gian phụ. Ở nửa phía bếp lò lát bằng tre, vầu và cất giữ lương thực, dụng cụ lao động. Trên gác xép chất đầy ngô, thóc như thể một cái kho. Nhưng, đó cũng là nơi để ở nếu gia đình có thêm người, hoặc có khách. Tuy nhiên, cũng có những nguyên tắc bất di bất dịch là chỉ con trai và người già được ở, con gái, con dâu không được bén mảng.

Về nhà mới là lễ thức quan trọng nhất trong hệ thống tín ngưỡng liên quan đến ngôi nhà của người Pu Péo. Bao giờ lễ cũng được tổ chức vào gần sáng, từ khi gà mới gáy lần thứ nhất.

Trước khi vào nhà mới, thầy cúng phải thắp hương cúng tổ tiên ở nhà cũ (nếu tách hộ thì phải cúng ở nhà bố mẹ đẻ của chủ nhà) để xin về nhà mới, sau đó cúng các vị thần linh chung quanh nhà rồi thắp hương ở bếp sưởi, bếp lò và cửa ra vào. Tiếp đó thầy cúng và chủ nhà mỗi người đốt một bó đuốc ở bếp sưởi của nhà cũ rồi cả nhà dẫn nhau đến nhà mới, mang theo một nia gạo, một chiếc nồi, ba ông đầu rau và một con gà trống.

Ðến nhà mới, thầy cúng vào trước, vung đuốc khắp nhà để đuổi tà ma, rồi ném đuốc ra ngoài cửa. Tiếp đến chủ nhà dùng bó đuốc nhóm đống lửa ở gian Thoang Plu cạnh nơi đặt bếp sưởi và đào một hố hình vuông (sâu 20 cm rộng mỗi chiều 50 cm) ở giữa nhà, chiếu thẳng với ban thờ tổ tiên và cắm ba nén hương vào đó. Tiếp theo là nghi thức lễ giết gà cúng thần bếp. Sau khi cắt tiết, vặt lông và mổ gà, người ta đổ cả tiết, lông và nước làm lông vào hố bếp.
 


Lúc này, ông cậu (cậu em mẹ hoặc em vợ chủ nhà) mới lấp hố bếp, lấy ba hòn đá kê làm ba ông đầu rau và châm lửa vào bếp. Vì tục này mà người Pu Péo gọi các ông đầu rau nhà mình là Peo Chau (hòn đá của cậu). Sau đó, ông cậu treo một miếng vải đỏ ở giữa cửa để xua tà ma, vừa làm ông ta vừa nói to những lời chúc phúc cho gia chủ.

Chỉ sau khi thực hiện xong nghi thức ở bếp thiêng và cửa ra vào mới được nhóm lửa bếp lò để đun nấu lễ vật cúng ở bàn thờ tổ tiên.
Người Pu Péo thờ đến ba đời (Pệ - đời bố mẹ; Tế ngân - đời ông bà; Tế gạo - đời các cụ), ứng với mỗi đời là một chiếc hũ (loog ten) đặt trên bàn thờ. Lễ vật cúng tổ tiên trong ngày vào nhà mới được tính theo số hũ thờ, thường thì mỗi hũ một con gà, năm nắm cơm nhỏ và một ít thịt. Sau khi cúng và đưa các hũ lên ban thờ mới, người ta lại phải cúng một lần nữa.

Mọi nghi thức phải hoàn tất vào lúc trời hửng sáng. Ðến khi trời sáng, họ hàng, làng xóm sẽ sang mừng tân gia, người con gà, người chai rượu hoặc ít tiền chúc phúc cho gia chủ.

Mặc dù số dân không đông, nhưng người Pu Péo ở ở Đồng Văn vẫn còn lưu giữ trong ký ức cộng đồng nhiều nghi lễ và cả một kho tàng văn nghệ giân dân phong phú. Cùng với nghi thức về nhà mới còn Lễ cúng Thần Rừng vào ngày 6-6 Âm lịch hằng năm. Cũng chính từ nghi lễ này lên khu vực nào có người Pu Péo sinh sống rừng được bảo vệ rất tốt, nhất là khu rừng thiêng.
Theo thegioidisan.vn 
Dân tộc Pu Péo Dân tộc Pu Péo

Tên tự gọi: Kabeo.

Tên gọi khác: La Quả, Penti Lô Lô.

Dân số: 687 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm Ka Ðai (ngữ hệ Thái - Ka Ðai). Người Pu Péo nói giỏi tiếng Mông, Quan hoả.

Lịch sử: Họ đã từng sinh sống lâu đời ở miền cực bắc Việt Nam. Các dân tộc láng giềng đều thừa nhận người Pu Péo là một trong những cư dân khai khẩn ruộng nương đầu tiên ở vùng cực bắc.

Hoạt động sản xuất: Người Pu Péo chuyên trồng ngô, đậu trên nương với kỹ thuật cao, như cày nương, bón phân và trồng xen canh gối vụ. Một số trồng lúa trên ruộng bậc thang. Họ sử dụng trâu bò làm sức kéo. Có người làm nghề ngói máng, mộc.

Ăn: Bột ngô đồ, canh là 2 món ăn chính của người Pu Péo. Họ dùng thìa để húp canh.

Mặc: Váy và áo phụ nữ rất đặc sắc, chỉ sử dụng kỹ thuật đắp vải màu. áo mặc hai lớp. áo ngoài xẻ ngực, không khuy cài, xung quanh gấu và hò áo được trang trí bằng cách đắp những miếng vải khác màu xếp thành hình tam giác, hình vuông hay hình quả trám; cổ tay áo viền những khoanh vải khác màu. áo ngắn mặc trong, cài khuy bên nách phải cũng được trang trí bằng vải màu như áo trong. Tóc của phụ nữ vấn trước trán gài lại bằng chiếc lược gỗ, phủ khăn vuông.

: Người Pu Péo định cư ở huyện Ðồng Văn, tỉnh Hà Giang. Xưa kia họ ở nhà sàn, nay ở nhà trệt. Nhà trình tường hay chỉ là ván bưng, lợp ngói máng hoặc cỏ gianh.

Phương tiện vận chuyển: Phổ biến dùng gùi đeo lưng.

Các quan hệ xã hội: Người Pu Péo tồn tại song song hai loại dòng họ. Một loại gọi theo tên bằng chữ Hán, đọc theo cách phiên âm của địa phương như Củng, Tráng, Phù... được sử dụng chính thức trong các giấy tờ. Một loại họ khác cổ hơn, thể hiện mối dây liên lạc máu mủ giữa các thành viên của dòng họ, mỗi dòng họ như thế thường gồm một cặp như Kacung - Kacăm, Karảm - Kachâm, Karu - Karựa, Ka bu - Ka bởng.

Cưới xin: Cưới xin có nhiều bước. Hôm đón dâu, phù dâu phải cõng cô dâu ra khỏi cổng để theo đoàn nhà trai về. Trong bữa cơm cúng tổ tiên, thức ăn để trên nong, cả nhà cùng dâu rể phải ăn bốc. Lễ lại mặt tiến hành nhiều lần, sau ngày cưới 3,7, 13, 30 ngày.

Sinh đẻ: Quan niệm phổ biến về ảnh hưởng to lớn của bà mụ tới con trẻ từ thai nhi cho đến tuổi 13. Sản phụ đẻ trong căn buồng riêng của mình. Nhau đẻ chôn trong ống tre dưới gầm giường hoặc bọc vào chiếu cũ để lên cành cây trên rừng. Con trai đặt tên sau 5 ngày. Trong thời gian chưa đặt tên cho con, bố chỉ được quanh quẩn trong nhà, ra khỏi nhà phải đội nón. Tên này được dùng cho đến 13 tuổi, sau đó đặt tên theo tiếng Quan hoả cùng với tên đệm chung, như họ Củng có 18 tên đệm, họ Tráng 7 tên.

Ma chay: Có lễ làm ma và lễ làm chay hay còn gọi là ma khô. Khi bố mẹ chết, người ta đặt nghiêng hũ thờ trên bàn thờ tổ tiên biết cho tổ tiên biết có người chết và chậm nhất 13 ngày sau khi chôn phải làm lễ dựng lại hũ thờ này. Trong những ngày còn quàn trong nhà, cơm nước không được nấu ở bếp chính mà kê đá làm bếp ở gian giữa nhà. Mỗi bài cúng của thầy cúng đều có nội dung riêng liên quan đến nhiều truyền thuyết lịch sử của người Pu Péo, đưa hồn về quê cũ. Người ta cắm Ta leo trước cửa ngăn ma vào nhà, sau khi khiêng quan tài ra khỏi cửa và đốt lửa ngoài sân đun nước rửa chân tay trước khi vào nhà, sau lễ đưa đám.

Tin vào sự tái sinh của người chết, sáng hôm sau khi chôn người chết, gia đình xem vết chân trên lớp tro rắc rối trước cửa nhà.

Vài năm sau, gia đình sẽ tổ chức làm chay để cúng đưa hồn người chết về quê cũ. Trong lễ này người Pu Péo còn bảo lưu hai phong tục cổ là uống rượu cần và đánh trống đồng.

Thờ cúng: Họ tin mỗi người có 8 hồn, chín vía. Ðêm 30 tết Nguyên đán các gia đình đều làm lễ gọi hồn cho từng thành viên trong nhà. Thờ tổ tiên 3 đời. Trên bàn thờ có những hũ sành nhỏ tượng trưng cho đối tượng thờ, ít nhất 3 hũ cho 3 đời. Mỗi khi thành viên nào đó trong gia đình ốm đau thầy bói sẽ bói và cho biết cần phải thờ ai để có thêm một hũ thờ nữa đặt lên bàn thờ.

Lễ tết: Tết Nguyên đán, đêm 29 gói và nấu bánh chưng đen tiễn năm cũ và đêm 30 gói và nấu bánh chưng trắng mừng năm mới, cúng tổ tiên. Sáng mồng một tết nam nữ đi gánh nước vàng nước bạc lấy lộc. Trong 3 ngày tết sau bữa cơm không được rửa bát, mỗi lần đến bữa chỉ dùng giấy lau sạch với mong muốn không có mưa quá to sẽ trôi hết đất mầu.

Lịch: Sử dụng lịch 12 con vật, khớp với âm lịch.

Văn nghệ: Hát đám cưới xin dâu giữa nhà trai và nhà gái suốt 3-4 giờ trở thành một sinh hoạt văn nghệ rất độc đáo. Ðám cưới là dịp để trai gái ca hát, vui chơi.

Theo cema.gov.vn

Có thể bạn quan tâm