Để làm được một ngôi nhà sàn truyền thống đòi hỏi rất công phu và phải có điều kiện về kinh tế, do vậy khi ngôi nhà hoàn thành thì gia chủ thường tổ chức lễ cúng lên nhà mới.
Đây là nghi lễ quan trọng nên việc chuẩn bị cho lễ cúng được gia đình chủ nhà tiến hành kỹ lưỡng. Lễ vật gồm có: 1 con heo, 1 con gà, 5 ché rượu cần được buộc vào các cột Gơng đã được đẽo gọt và dựng lên từ trước, xếp thành hàng dọc ở gian chính của ngôi nhà sàn mới; 7 chiếc vòng bằng đồng được đeo vào tai của các ché rượu cần. Người ta dùng sơn đỏ, phẩm màu đỏ hoặc tiết heo bôi lên cột nhằm biểu trưng cho sự giàu có, yên vui, hạnh phúc.
Đây là nghi lễ quan trọng nên việc chuẩn bị cho lễ cúng được gia đình chủ nhà tiến hành kỹ lưỡng. Lễ vật gồm có: 1 con heo, 1 con gà, 5 ché rượu cần được buộc vào các cột Gơng đã được đẽo gọt và dựng lên từ trước, xếp thành hàng dọc ở gian chính của ngôi nhà sàn mới; 7 chiếc vòng bằng đồng được đeo vào tai của các ché rượu cần. Người ta dùng sơn đỏ, phẩm màu đỏ hoặc tiết heo bôi lên cột nhằm biểu trưng cho sự giàu có, yên vui, hạnh phúc.
Thầy cúng (bìa trái) đọc lời khấn mừng gia chủ có ngôi nhà mới. |
Theo thầy cúng, ngày xưa nghi lễ cúng trải qua 5 bước, trước nhất là cúng Yang (thần linh) báo cáo với thần linh về ngôi nhà mới, sau đó cúng cho ông bà tổ tiên, đến cúng rửa nhà, cúng mừng sức khỏe bố, mẹ, con cháu và chúc mừng gia chủ có ngôi nhà mới. Ngày nay, lễ cúng đã được đồng bào Êđê lược giản đi rất nhiều, tùy theo hoàn cảnh, điều kiện của từng gia đình mà tổ chức, tuy nhiên vẫn theo đúng nghi thức truyền thống và rất trang trọng.
Tại lễ cúng này, sau khi các lễ vật được chuẩn bị đầy đủ, dàn chiêng được tấu lên báo hiệu cho bà con gần xa biết gia đình có việc vui, mời mọi người đến dự lễ. Gia chủ cho đỏ lửa các bếp trong nhà, với mong muốn cầu mong sự ấm cúng, no đủ.
Thầy cúng đọc lời khấn mời thần linh về chứng giám thành ý của chủ nhà với ngụ ý: “Ơ Các Yang! Chúng tôi báo với ông bà, tổ tiên rằng con cháu đã về được nơi ở mới, đã dựng được làng, được nhà, mời ông bà tổ tiên về dự lễ, và phù hộ cho con cháu, cùng bà con trong buôn sức khỏe dồi dào, may mắn, buôn làng đoàn kết, ấm no. Ơ, Yang!”.Lần lượt các nghi lễ tiếp theo cũng được tiến hành; trong đó, nghi lễ cúng rửa nhà được người Êđê xem là quan trọng nhất. Ở nghi lễ này, chủ nhà ngồi trước ché rượu đối diện với thầy cúng, mọi người trong nhà cũng khơi bếp cho sáng lửa lên. Thầy cúng đọc lời khấn với ngụ ý: “Ơ các Yang! Hãy về đây chứng giám cho lễ nhà mới của vợ chồng người Êđê này, cầu thang đã làm, ghế K’pan đã bào láng, bếp đã sáng lửa, thần hãy trông coi con cháu, họ hàng người Êđê này, thấy cái chòi đã gãy, thấy nhà sắp đổ cột, nắng chiều, mưa dột, chúng tôi đã báo các thần. Nay, ngôi nhà đã làm xong, nhà chưa đẹp nhưng đã có công đẽo cột, có công cắt tranh, lễ vật đã có heo, gà, rượu đã đủ. Ơ Yang!”. Lời khấn xong, thầy cúng cầm rượu trao cho gia chủ uống và lấy chiếc vòng đồng đeo vào tay cho bố của chủ nhà, với ý nghĩa cầu chúc cho những người đàn ông trong gia đình được khỏe mạnh để gánh vác, giữ cho gia đình yên ấm, hạnh phúc. Sau nghi lễ, thầy cúng lấy cơm, thịt, rượu cho các thành viên trong gia đình ăn cùng các vị thần linh, đồng thời mời họ hàng hai bên cùng ăn và uống để hưởng lộc cúng Yang.
Ông Ama Krông (buôn Ea Sut, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk), một người họ hàng của gia chủ cho hay, lễ cúng này đã thực hiện theo đúng phong tục của người Êđê từ xa xưa. Là người lớn tuổi của dòng họ, ông cảm thấy rất vui vì còn giữ được nét truyền thống này. Nó không chỉ nhắc nhở con cháu phải nhớ đến tổ tiên mà còn phải biết quý trọng công sức để làm ra ngôi nhà.
Cảnh lễ cúng lên nhà mới. |
Trong suốt quá trình diễn ra lễ cúng, tiếng chiêng không ngừng ngân vang, đó là lời tâm sự, cầu lên các Yang, mong sự may mắn, sung túc, bình an trong cuộc sống. Âm vang của chiêng càng trở nên rộn rã hơn khi nghi lễ sắp kết thúc, bởi đó cũng là lúc chủ nhà thực hiện nghi thức mời rượu, bữa cơm thịnh soạn cũng được dọn ra để mời anh em họ hàng và khách quý cùng chung vui với gia đình.
Lễ lên nhà mới là một nét đẹp văn hóa của đồng bào Êđê, tuy nhiên hiện nay nghi lễ này đang bị mai một dần ở các buôn, làng ở Tây Nguyên, việc phục dựng lại là rất cần thiết. Đây không chỉ là dịp để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, mà còn là cơ hội để bà con được sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đoàn kết gắn bó với nhau.
Theo baodaklak.vn