Từ lâu, bưởi Đại Minh hay còn gọi bưởi “tiến vua” đã trở thành đặc sản và niềm tự hào của người dân huyện Yên Bình (Yên Bái). Những năm qua, chính quyền và người dân nơi đây nỗ lực đưa bưởi Đại Minh vươn xa và xây dựng thương hiệu trên thị trường.

Xây dựng thương hiệu
Xã Đại Minh, huyện Yên Bình (Yên Bái) nơi có giống bưởi “tiến vua” nức tiếng. Những ngày cuối tháng Ba không khó để bắt gặp hình ảnh người dân đang miệt mài thụ phấn cho những chùm hoa bưởi trắng muốt, ngào ngạt tỏa hương trong gió.
Những ngày này, gia đình chị Dương Thị Liên, ở thôn Minh Thân, xã Đại Minh miệt mài thụ phấn cho từng chùm hoa trên những cây bưởi cổ thụ. Chị Liên chia sẻ, gia đình chị có trên 200 gốc bưởi, trong đó có gần 100 gốc có tuổi đời từ 30 - 70 năm tuổi. Từ kinh nghiệm cha ông để lại, gia đình chị tiếp tục chăm sóc cây và áp dụng kỹ thuật mới để cho những lứa quả chất lượng, có tiếng trên thị trường.
Tương tự, tại vườn bưởi của gia đình chị Hoàng Thị Yên, ở thôn Khả Lĩnh, xã Đại Minh có nhiều cây bưởi cổ thụ từ 60 năm đến trên 100 tuổi. Để có được lứa quả chất lượng, gia đình chị Yên trồng, chăm sóc, thu hái bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ. Điều này giúp rễ cây khỏe hơn, quả đẹp, chất lượng hơn và để được lâu hơn.

Để xây dựng thương hiệu cho bưởi Đại Minh, các hộ dân nơi đây đã chủ động áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật phát triển cây bưởi theo hướng VietGAP, sản phẩm hữu cơ và chủ động liên kết sản xuất theo hình thức hợp tác xã như: Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp, Hợp tác xã Bưởi đặc sản Đại Minh, Hợp tác xã Bưởi VietGAP. Cả 3 Hợp tác xã này đang góp phần lớn tiêu thụ sản phẩm bưởi của địa phương.
Anh Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Hợp tác xã Bưởi đặc sản Đại Minh cho hay: "Chúng tôi luôn nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc liên kết theo chuỗi giá trị, sản xuất theo hướng hữu cơ. Trước khi xuất bán cho các siêu thị, thương lái, chúng tôi kiểm tra từng trái về mẫu mã, độ đường, cân nặng rồi phân loại A, B, C và dán nhãn".
Hợp tác xã còn liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, cung ứng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các hộ liên kết. Mỗi năm Hợp tác xã tiêu thụ khoảng 300 tấn quả cho các hộ liên kết. Toàn bộ sản phẩm được tiêu thụ trong cả nước. Tuy nhiên, năm 2024 do ảnh hưởng của bão lũ nên sản lượng bị giảm.

Duy trì và nâng cao chất lượng
Toàn huyện Yên Bình hiện có trên 1.000 ha bưởi; trong đó, vùng bưởi Đại Minh có hơn 700 ha, tập trung ở hai xã Đại Minh (trên 450 ha) và Hán Đà (300 ha). Bưởi cho thu hoạch từ tháng 10 đến khoảng tháng 1 âm lịch năm sau, giá bán dao động từ 8.000 đến 25.000 đồng/quả, tùy vào chất lượng. Mỗi năm, bưởi Đại Minh cho sản lượng khoảng 50.000 tấn với thu nhập trên 60 tỷ đồng.
Ông Lã Tuấn Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết, nhận thấy đây là giống bưởi quý, có giá trị kinh tế cao và là cây trồng chủ lực của địa phương, thời gian qua, huyện Yên Bình luôn quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua việc sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP; mời các viện nghiên cứu, trường đại học nghiên cứu, chuyển giao các biện pháp kỹ thuật để duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm bưởi Đại Minh. Đến nay, bưởi Đại Minh được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu cho huyện Yên Bình và chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi Khả Lĩnh. Tháng 1/2025, bưởi Đại Minh được UBND tỉnh Yên Bái chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh.
Đặc biệt, thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông (tên trước khi sáp nhập) và Sở Công Thương phối hợp với UBND huyện Yên Bình và Viettel Yên Bái triển khai giải pháp gắn nhãn truy xuất nguồn gốc đối với cây bưởi, quả bưởi Đại Minh, thuộc xã Đại Minh, huyện Yên Bình. Đến nay, huyện Yên Bình có gần 200 cây bưởi Đại Minh có gắn nhãn truy xuất nguồn gốc thông minh với 2 nhóm tuổi cây: trên 30 năm tuổi và từ 70 năm tuổi đến trên 100 năm tuổi bằng giải pháp Vmark. Qua đó, giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc và minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm. Việc gắn nhãn truy xuất nguồn gốc đối với cây bưởi Đại Minh nhằm mục tiêu bảo vệ thương hiệu, nâng cao giá trị vùng bưởi Đại Minh.

Bưởi Đại Minh là giống bưởi bản địa, có lịch sử trồng cách đây khoảng 300 năm. Do đặc thù của khí hậu, thổ nhưỡng nên bưởi Đại Minh được trồng ở vùng đất này cho chất lượng quả ngon, ngọt nhất so với các vùng đất khác. Khi bổ ra, bưởi có mùi thơm thoang thoảng, múi róc, mọng nước và được khách hàng ưa chuộng.
Tuy nhiên, sau bão số 3 vào tháng 9/2024, hơn 100 ha diện tích bưởi Đại Minh bị ảnh hưởng. Trước tình trạng này, huyện Yên Bình phối hợp với các cơ quan chức năng, ngành chuyên môn cùng nông dân xã Đại Minh triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi những diện tích bưởi bị ảnh hưởng. Nhờ vậy số diện tích thiệt hại hoàn toàn chỉ còn 1 - 2 ha, vùng bưởi đặc sản Đại Minh đã dần hồi phục, phát triển ổn định.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình Lã Tuấn Hưng, thời gian tới, huyện Yên Bình tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng bưởi Đại Minh thông qua các giải pháp như: khuyến khích người dân chủ động áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong trồng và chăm sóc bưởi theo hướng VietGAP; chủ động liên kết với các Hợp tác xã nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và có đầu ra ổn định; khuyến khích các hộ dân trồng xen canh dưới tán bưởi như cây gừng, địa liền nhằm tăng thu nhập trên cùng diện tích…
Những ngày này, vùng bưởi Đại Minh ngập tràn hương hoa bưởi, người dân nô nức ra vườn thụ phấn cho hoa nhằm tăng tỷ lệ đậu quả với niềm hy vọng về một vụ bưởi bội thu.
Đinh Thùy