Tỉnh Bình Định đang có những giải pháp thúc đẩy phát triển ngành dừa nhằm hướng tới nâng cao giá trị, thương hiệu cho “đặc sản” này. Nổi bật là thị xã Hoài Nhơn - nơi được mệnh danh là một trong những vựa dừa lớn nhất của cả nước.
Toàn thị xã hiện có khoảng 2.850 ha diện tích trồng dừa, chiếm tới hơn 30% diện tích trồng dừa toàn tỉnh; trong đó, tập trung chủ yếu ở các phường như Hoài Thanh Tây, Tam Quan Nam, Hoài Xuân, Hoài Châu. Thị xã đặt mục tiêu đến năm 2030, sẽ mở rộng diện tích trồng dừa lên 3.050 ha (2.537 ha dừa ta và 513 ha dừa lấy nước).
Ngoài việc tiêu thụ giống dừa lùn lấy nước Tam Quan - loại được nhiều chuyên gia đánh giá cao về chất lượng, thị xã cũng tập trung vào các sản phẩm chế biến từ dừa như sản xuất bánh dừa nướng, dừa sấy giòn, dầu dừa tinh khiết, chổi cọng dừa, cước chỉ sơ dừa, mục dừa, bánh tráng nước dừa… Đáng chú ý là sản phẩm bánh tráng dừa truyền thống với sản lượng cung cấp ra thị trường lớn nhất cả nước.
Cây dừa đã cho người trồng việc làm và thu nhập ổn định. Từ thực tế đó, UBND thị xã đã ban hành Kế hoạch bảo tồn và phát triển cây dừa giai đoạn 2025 - 2030. Ông Nguyễn Chí Công - Phó chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn cho hay, theo kế hoạch, địa phương sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như chú trọng cải tạo vườn tạp, thâm canh cây dừa; ứng dụng mô hình sản xuất hữu cơ theo hướng VietGAP để đảm bảo chất lượng dừa trồng và chất lượng sản phẩm sau chế biến.
Ngoài ra, Hoài Nhơn hướng đến việc bảo vệ môi trường sinh thái, áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh (đặc biệt là bọ cánh cứng - loài gây hại chủ yếu) cho cây dừa một cách nghiêm ngặt, an toàn. Đồng thời, thị xã nỗ lực xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm từ dừa, phát triển sản phẩm OCOP để tăng tính cạnh tranh trên thị trường; tích cực tìm kiếm đối tác tiêu thụ, nhất là đối tác nước ngoài.
Du lịch sinh thái gắn với cây dừa là một trong những chiến lược quan trọng mà thị xã hướng đến bởi qua đó sẽ góp phần nâng cao giá trị bền vững cho cây dừa, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân và góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế chung của địa phương…
Tại Bình Định, dừa là một trong những cây trồng chủ lực. Toàn tỉnh hiện có hơn 9.350 ha dừa; trong đó, diện tích kinh doanh chiếm phần lớn, tới hơn 9.330 ha. Năng suất dừa trung bình đạt hơn 119 tạ/ha và sản lượng bình quân hằng năm đạt hơn 111.300 tấn.
Việc tiêu thụ dừa tại Bình Định được phân chia theo 2 hướng chính. Đối với dừa lấy dầu, trái dừa khô sau khi lột vỏ thường được tiêu thụ ở thị trường phía Bắc, thị trường Trung Quốc. Còn đối với dừa xiêm lấy nước chủ yếu được tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
Ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho hay, dừa tươi uống nước của Bình Định thường có vỏ mỏng, trái to với trọng lượng trung bình từ 1,6 - 2 kg/trái, nhiều nước. Nước có vị ngọt thanh, đạt độ brix từ 8 - 10%... rất phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng xứ sở tỷ dân.
Cùng đó, Bình Định có lợi thế về khoảng cách với Trung Quốc, quãng đường vận chuyển ngắn hơn 730 km so với Bến Tre, giúp tiết kiệm tối đa chi phí và việc bảo quản. Chính vì thế, tỉnh đang hướng đến thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng này, đặc biệt là khi Nghị định thư xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc vừa được ký kết giúp việc tiêu thụ dừa ổn định hơn, tăng thu nhập cho người trồng, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo chỗ đứng cho dừa Bình Định trên thị trường quốc tế.
Theo ông Kiều Văn Cang, thời gian tới, tỉnh có định hướng mở rộng diện tích trồng dừa. Cụ thể, đạt 9.520 ha vào năm 2025 và 10.000 ha vào năm 2030; trong đó, diện tích dừa xiêm sẽ chiếm hơn 35% tổng diện tích. Đồng thời, khuyến khích người nông dân tập trung vào hai dòng chính là dừa ta và dừa xiêm dùng để uống nước vì nó phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của tỉnh. Tỉnh cũng quy hoạch các vùng trồng dừa tập trung ở các huyện như Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân và thị xã Hoài Nhơn.
Ngành nông nghiệp cũng chỉ đạo các vùng trồng tập trung cần áp dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ và VietGAP để đảm bảo cho ngành dừa phát triển bền vững, nâng cao giá trị.
“Chúng tôi cũng tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các doanh nghiệp để xây dựng chuỗi liên kết - tiêu thụ sản phẩm từ dừa; hỗ trợ đăng ký mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, xúc tiến, kêu gọi doanh nghiệp về Bình Định đầu tư xây dựng nhà máy sơ chế, làm đầu mối thu mua và tham gia chuỗi liên kết trồng, tiêu thụ sản phẩm dừa để xuất sang thị trường tỷ dân Trung Quốc”- Chi cục trưởng Kiều Văn Cang nói.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh thông tin, địa phương đang xây dựng các chương trình khuyến nông về canh tác tiên tiến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; trong đó ưu tiên chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây trồng chủ lực và cây ăn quả trồng tập trung theo hướng VietGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.
Đặc biệt, tỉnh cũng chú trọng hỗ trợ thành lập mới và nâng cao năng lực cho các thành viên hợp tác xã để xây dựng mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp với hộ sản xuất. Đối với thị trường xuất khẩu, các sản phẩm có khả năng xuất khẩu của tỉnh như dưa hấu, ớt, dừa tươi sẽ được tổ chức sản xuất, xúc tiến xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu…
Lê Phước Ngọc