Với lợi thế 32 km bờ biển, tỉnh Tiền Giang đã hình thành và phát triển vùng chuyên canh nuôi nghêu trên địa bàn huyện Gò Công Đông có diện tích 2.200 ha, tập trung tại xã Tân Thành, sản lượng khai thác bình quân hàng năm đạt khoảng 20.000 tấn. Nghêu Gò Công có chất lượng tốt, được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Nghề nuôi nghêu tại ven biển Gò Công ở tỉnh Tiền Giang phát triển nhiều năm nay đã góp phần giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân khu vực biển cũng như tạo nguồn cung hàng hóa phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu. Mỗi năm, vùng nuôi nghêu ở vùng biển Gò Công giải quyết lao động cho khoảng 100.000 người. Vào mùa thu hoạch, vùng nuôi nghêu ở biển Gò Công thu hút từ 3.000-3.500 lao động với thu thu nhập bình quân từ 50.000-60.000 đồng/giờ cào nghêu.

Theo bà Phạm Thị Kim Ánh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Thành, tình hình nuôi nghêu trên địa bàn xã phát triển tốt. Ủy ban nhân dân xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Gò Công Đông cùng Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang thường xuyên tiến hành khảo sát và theo dõi tình hình nuôi nghêu ở các sân nghêu trên địa bàn xã, đặc biệt là trong mùa khô, nắng nóng hiện nay nhằm kịp thời phát hiện, hỗ trợ người nuôi khi xảy ra bệnh trên con nghêu.
Theo ghi nhận vào ngày 1/4 tại vùng chuyên canh nuôi nghêu ở biển Tân Thành, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, thương lái thu mua nghêu thương phẩm có giá từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, tùy theo kích cỡ thu hoạch (khoảng 50-60 con/kg). Với năng suất 15 tấn/héc ta mặt nước trong năm nay, người nuôi nghêu ở biển Tân Thành phấn khởi vì thu nhập từ 1 ha nuôi nghêu đạt từ 300 - 400 triệu đồng.
Nhằm nâng cao chuỗi giá trị nghêu thương phẩm hướng đến phát triển bền vững, tỉnh Tiền Giang Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), Tổ chức OXFAM và Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Đông xây dựng vùng quản lý khai thác nghêu tại Gò Công, theo tiêu chuẩn của Hội đồng Quản lý biển MSC. Vào ngày 15/11/2023, con nghêu Gò Công Đông được trao chứng nhận đạt tiêu chuẩn ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản). Đây được xem là giấy thông hành đưa nghêu Việt Nam đi vào nhiều thị trường khó tính như: châu Âu, Nhật Bản…
Với chứng nhận ASC, vùng nuôi nghêu huyện Gò Công Đông của Tiền Giang trở thành vùng nuôi nghêu thứ 4 của Việt Nam và cũng là vùng nuôi nghêu thứ 4 trên thế giới đạt chứng nhận này. Hiện vùng nuôi nghêu này có diện tích 350 ha, do Ban Quản lý cồn bãi huyện Gò Công Đông quản lý và khai thác.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tiền Giang Trần Thị Bé Bảy cho biết: Vùng nuôi nghêu huyện Gò Công Đông được chứng nhận đạt tiêu chuẩn ASC là điều kiện tốt để quảng bá thương hiệu, sản phẩm nghêu đến người tiêu dùng trong và ngoài nước, qua đó sẽ tạo thuận lợi hơn cho việc xuất khẩu sản phẩm nghêu, là đặc sản của địa phương. Người nuôi được áp dụng khoa học công nghệ trong quá trình sản xuất, nâng cao ý thức cộng đồng trong quản lý rác thải, phục hồi hệ sinh thái biển...
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Môi trường Tiền Giang tiếp tục hỗ trợ huyện Gò Công Đông triển khai thực hiện các nội dung của Dự án Khu bảo tồn nghêu giống và nghêu bố mẹ tại vùng nuôi nghêu xã Tân Thành nhằm góp phần phát triển nghề nuôi nghêu ổn định, bền vững, bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực các cơ sở giống chất lượng và sạch bệnh cho sản xuất.
Hữu Chí