Việc ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong quản lý và vận hành trang trại đã trở thành yếu tố then chốt giúp nâng cao năng suất, tối ưu chi phí và đảm bảo an toàn sinh học, nâng cao hiệu quả quản lý, giảm rủi ro dịch bệnh và tiết kiệm chi phí.
Có trụ sở tại thôn Cao Phong, xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, Công ty cổ phần chăn nuôi Công nghệ cao Thái Nguyên đang thực hiện chuyển đổi số trong trang trại chăn nuôi lợn quy mô 2.400 lợn nái và 15.000 lợn thịt với mục tiêu hướng tới mô hình “Trang trại xanh – Thân thiện môi trường – An toàn sinh học – Năng suất cao – Hiệu quả kinh tế”.
Theo đó, hàng loạt giải pháp công nghệ đã được doanh nghiệp áp dụng như lắp đặt hệ thống sát trùng tự động bằng cảm biến hồng ngoại, hệ thống camera giám sát toàn bộ trang trại, hệ thống silo chứa thức ăn có cân kiểm soát trọng lượng và phân phối tự động, hệ thống cấp nước và kiểm soát tự động, hệ thống điều khiển chiếu sáng thông minh, hệ thống xử lý môi trường, hệ thống phần mềm quản lý nhân sự và năng suất…
Khi bộ máy đi vào hoạt động, nhiều tiện ích được kích hoạt như: camera kết nối internet sẽ giúp quản lý có thể giám sát trang trại từ xa, phát hiện sớm các bất thường trong chăn nuôi; cảm biến hồng ngoại nhận diện người và phương tiện ra vào trang trại, kích hoạt hệ thống phun khử trùng tự động, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Bên cạnh đó, silo lưu trữ và kiểm soát lượng thức ăn hàng ngày, kết hợp với hệ thống tải cám tự động đến hộp định lượng của từng cá thể lợ, tránh tiếp xúc và giảm thiểu thức ăn bị nấm mốc, giảm ô nhiễm môi trường do không dùng bao tải; phần mềm quản lý giúp điều chỉnh lượng thức ăn theo trọng lượng và thể trạng từng con lợn nái, tối ưu dinh dưỡng, giảm lãng phí.
Ngoài ra, đồng hồ nước thông minh theo dõi lượng nước tiêu thụ, cảnh báo nếu có bất thường; tủ điều khiển ánh sáng tự động tắt/mở theo nhu cầu của từng lứa tuổi lợn, tối ưu sự phát triển, giúp giảm tiêu hao điện năng, cải thiện hiệu quả kinh tế; thông tin từng cá thể lợn về lịch tiêm phòng, năng suất sinh sản, tăng trọng, tình trạng sức khỏe được quản lý trên hệ thống...
Ông Nguyễn Đức Hiếu, Giám đốc điều hành trang trại chăn nuôi - Công ty cổ phần chăn nuôi công nghệ cao Thái Nguyên cho biết: Việc triển khai các giải pháp số hóa không chỉ giúp nâng cao hiệu quả chăn nuôi mà còn đảm bảo môi trường làm việc chuyên nghiệp, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh và ô nhiễm.
Theo tính toán của ông Nguyễn Đức Hiếu, khi áp dụng công nghệ chuyển đổi số, năng suất đã tăng từ 10-20%, chi phí sản xuất giảm từ 7-15%, trong khi doanh thu tăng thêm 18-20%. Tuy nhiên, để mô hình trang trại số phát triển bền vững, ông Nguyễn Đức Hiếu cho rằng, chính quyền địa phương cũng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý và chính sách hỗ trợ chuyển đổi số trong chăn nuôi. Ngoài ra, việc liên kết và tích hợp dữ liệu giữa các bên tham gia cũng phải được triển khai đồng bộ theo tiêu chuẩn chung. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có cơ chế hỗ trợ về tài chính và các chính sách khuyến khích, hoặc xây dựng mô hình hợp tác công - tư nhằm chia sẻ nguồn lực và tối ưu hóa hiệu quả đầu tư.
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có gần 1.260 trang trại chăn nuôi. Giá trị sản xuất chăn nuôi trong năm 2024 đạt trên 7.700 tỷ đồng, chiếm 47% giá trị sản xuất nội ngành nông nghiệp của tỉnh. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2024 đạt trên 230 nghìn tấn. Nhiều trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng một phần hoặc toàn phần công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động chăn nuôi; ứng dụng công nghệ cao trong xây dựng chuồng trại.
Các ứng dụng chăn nuôi thông minh đã giúp chủ cơ sở giám sát và phát hiện sớm nhiều vấn đề về sức khỏe vật nuôi, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh… Tuy nhiên, thách thức đặt ra đối với bài toán thực hiện chuyển đổi số trong chăn nuôi chính là chi phí đầu tư cao, đặc biệt là chi phí thiết bị và công nghệ, hạ tầng công nghệ…Ngoài ra, trình độ nhận thức của một số cơ sở chăn nuôi về ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong kiểm tra, giám sát quá trình chăn nuôi, chế biến, vận chuyển và phân phối sản phẩm cũng như giám sát khu vực chăn thả gia súc, phát hiện sớm nguy cơ bệnh tật còn hạn chế.
Ông Dương Văn Hào, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thái Nguyên cho biết, chuyển đổi số đã trở thành yếu tố quyết định cho sự phát triển bền vững trong thời đại công nghiệp 4.0, do vậy, ngành chăn nuôi cũng phải tiếp cận các công nghệ mới và định hình tư duy quản lý hiện đại, đây không chỉ là bước đi cần thiết để tăng cường năng lực cạnh tranh, mà còn là cách để ngành chăn nuôi thích nghi với những biến động từ thị trường và công nghệ.
Điều này đòi hỏi các cơ sở chăn nuôi cần nhìn nhận chuyển đổi số không chỉ là giải pháp mà còn là động lực để tối ưu chi phí, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Nhà nước sẽ đóng vai trò trung gian, kết nối với địa phương nhằm đưa công nghệ vào chăn nuôi, hướng đến sự phát triển bền vững cho toàn ngành.
“Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong ngành chăn nuôi để hướng đến phát triển chăn nuôi xanh, chăn nuôi tuần hoàn, nâng cao giá trị ngành chăn nuôi” là chỉ đạo của ông Nguyễn Huy Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên trong việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đối với lĩnh vực chăn nuôi.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, tỉnh sẽ rà soát, nghiên cứu và xây dựng các chiến lược phát triển phù hợp, đẩy mạnh giải pháp hỗ trợ chăn nuôi, tạo sinh kế bền vững cho người dân, góp phần phát triển Thái Nguyên trở thành trung tâm cung cấp thực phẩm lớn trong khu vực.
Thu Hằng