Tỉnh Thái Nguyên hiện có 120 hợp tác xã do phụ nữ làm quản lý, chiếm 16% tổng số hợp tác xã toàn tỉnh, cao hơn bình quân chung cả nước là 7,6%. Kinh tế tập thể, đặc biệt là mô hình hợp tác xã đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Ở đó, phụ nữ không chỉ là lực lượng lao động chủ chốt mà còn là những người dẫn dắt, sáng tạo và mang lại những giá trị to lớn.

Chắp cánh cho nông sản vươn xa
Hợp tác xã chè Hảo Đạt (xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên) được thành lập từ năm 2016 với 7 thành viên, đến nay hợp tác xã đã có 50 thành viên chính thức và hàng trăm hộ dân liên kết. Đây là hợp tác xã chè đầu tiên của tỉnh do phụ nữ làm quản lý có 2 sản phẩm đạt OCOP 5 sao cấp Quốc gia là sản phẩm chè Tôm nõn và chè Đinh Tân Cương.
Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc hợp tác xã chia sẻ: “Gắn bó tâm huyết với cây chè Tân Cương, tôi luôn kiên định dẫn dắt Hợp tác xã phát triển theo hướng bền vững; trong đó, đặc biệt chú trọng sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu đạt chất lượng cao, cũng như các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, hợp tác xã cũng luôn quan tâm đổi mới quy trình chế biến và chú trọng đầu tư mẫu mã bao bì sản phẩm, có tem và mã vạch truy xuất nguồn gốc để tạo ấn tượng với khách hàng”.
Hiện nay, Hợp tác xã chè Hảo Đạt cũng là doanh nghiệp tiên phong trong áp dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số từ khâu chăm sóc, chế biến, đóng gói sản phẩm… đều sử dụng máy móc, thiết bị hiện đại như: hệ thống giám sát tưới chè tự động, hệ thống sao sấy bằng gas, máy đóng ấm tự động, áp dụng phần mềm quản lý vùng trồng, máy chấm công tự động, chữ ký số…
Các sản phẩm của Hợp tác xã đều được dán mã QR để quản lý chất lượng. Đơn vị cũng tích cực phát triển kênh bán hàng trực tuyến, qua mạng xã hội để quảng bá, đưa sản phẩm đến tay khách hàng nhanh chóng và thuận tiện. Hợp tác xã đặt mục tiêu trở thành thương hiệu chè cao cấp số 1 Việt Nam, đi đầu trong lĩnh vực sản xuất và thương mại cây chè, trở thành món quà tặng ý nghĩa tại nhiều nước trên thế giới.
“Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với tiềm năng thế mạnh của địa phương” là con đường mà doanh nhân nữ Bùi Thị Hải Yến, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và thương mại, dịch vụ Bản Việt (xã Bảo Lý, huyện Phú Bình) lựa chọn. Từ nguyên liệu gạo Nếp Thầu Dầu nổi tiếng của quê hương Phú Bình đã được chứng nhận VietGAP và được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ khoa học - Công nghệ) công nhận Nhãn hiệu tập thể “Lúa nếp Thầu Dầu”, Hợp tác xã Bản Việt đã lựa chọn sản xuất và kinh doanh cơm cháy là sản phẩm chủ lực trong giai đoạn đầu. Hiện tại, doanh nghiệp kinh doanh ở 3 ngành nghề chính gồm: sản xuất, chế biến và kinh doanh cơm cháy có tên thương hiệu là “Cơm cháy Én Vàng”; sản xuất, kinh doanh các loại bánh tươi; sản xuất kinh doanh thức ăn chế biến sẵn.
Hợp tác xã đã giải quyết việc làm tại chỗ cho hơn 10 lao động với thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 8 triệu đồng/tháng. Hiện nay, sản phẩm cơm cháy của Hợp tác xã Bản Việt đã được phân phối rộng rãi tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hợp tác xã cũng đang trong quá trình đưa sản phẩm xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang một số thị trường nước ngoài.
Chị Bùi Thị Hải Yến chia sẻ, để khẳng định vai trò của phụ nữ trong khởi nghiệp, phát triển hợp tác xã, giải pháp tuyên truyền, học tập các mô hình khởi nghiệp đại diện cho mỗi vùng miền để triển khai nhân rộng là điều cần thiết. Ngoài ra, một yếu tố rất quan trọng để phụ nữ khởi nghiệp thành công đó chính là bản thân phải vượt lên chính mình, tự tin, bản lĩnh bước qua rào cản xã hội để bắt tay khởi nghiệp. Đặc biệt, cần cái nhìn rộng mở và những chia sẽ tiếp sức của nam giới từ gia đình đến xã hội nhằm giúp người phụ nữ nuôi lớn khác vọng, tự tin khởi nghiệp, cống hiến, sáng tạo để khẳng định vai trò, vị thế của mình.
Có thể thấy, nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên do phụ nữ làm quản lý không chỉ tạo sinh kế cho người dân địa phương mà còn góp phần xây dựng thương hiệu, quảng bá, chắp cánh cho các nông sản bay cao, bay xa.
Nhiều chính sách đồng hành, hỗ trợ
Trong những năm qua, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Nguyên luôn tích cực, chủ trì, phối hợp với các cấp, ngành, địa phương triển khai hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ của Trung ương, của địa phương đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; trong đó, có khoảng 40% hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý với nhiều nội dung cụ thể đã được triển khai như: hỗ trợ thành lập mới; hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại hợp tác xã; hỗ trợ thuê và vận hành điểm giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ xúc tiến thương mại; chính sách tín dụng cho vay ưu đãi; đào tạo kỹ năng; tập huấn cung cấp thông tin, tư vấn thành lập hợp tác xã; liên kết sản xuất, chương trình OCOP, hàng hóa chủ lực, phát triển du lịch...
Ngoài ra, các hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý cũng tích cực tham gia đóng góp ý kiến, xây dựng chính sách pháp luật trong các lĩnh vực liên quan của Trung ương cũng như của tỉnh Thái Nguyên như Luật Hợp tác xã, Nghị quyết số 10- Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển kinh tế tập thể tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017-2020 và giai đoạn 2021-2025; Đề án Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019-2025 (OCOP); Đề án Phát triển sản phẩm chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030… Trong chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), toàn tỉnh đã có 273 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên với 170 chủ thể OCOP, trong đó có trên 100 sản phẩm thuộc chủ thể Hợp tác xã do phụ nữ làm quản lý.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh cho biết, nhiều hợp tác xã do phụ nữ lãnh đạo, quản lý đã phát huy hiệu quả tích cực, trở thành cầu nối liên kết nông dân với doanh nghiệp, nông dân với nông dân, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế tập thể.
Thời gian tới, Hợp tác xã tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án “Phát triển kinh tế tập thể tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025”, trọng tâm là các chính sách khuyến khích, hỗ trợ; trong đó, ưu tiên các mô hình do phụ nữ thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Trong thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, vận động phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đa ngành nghề, mô hình hợp tác xã điển hình tiên tiến; nhân rộng kinh nghiệm của các hợp tác xã sản xuất, kinh doanh giỏi; phát triển kinh tế tập thể với hạt nhân là hợp tác xã kiểu mới giữ vai trò liên kết các hộ thành viên; đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách liên quan đến hỗ trợ phụ nữ tham gia quản lý, điều hành hợp tác xã. Từ đó tạo bước đệm để các nữ “thủ lĩnh” hợp tác xã nâng chất cho các sản phẩm, nông sản của địa phương, tạo sinh kế lâu dài cho người dân nói chung và chị em phụ nữ nói riêng.
Thu Hằng