Dọc tuyến biên giới dài gần 100 km của tỉnh An Giang, luôn có hình ảnh gần gũi của các mẹ, các chị sát cánh cùng những người lính Biên phòng gìn giữ biên cương. Đóng góp thầm lặng của những “bóng hồng”, “giỏi việc nước, đảm việc nhà” trên tuyến biên giới An Giang đã góp phần tích cực cùng cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Giữ bình yên biên giới
Những ngày tháng 3/2025, miền Tây Nam Bộ đang vào cao điểm mùa gặt vụ Đông Xuân 2024-2025. Những cánh đồng lúa chín vàng chờ thu hoạch ở vùng biên giới thuộc phường An Phú, thị xã Tịnh Biên (tỉnh An Giang) đang khoe sắc trên tuyến biên giới dài gần 11km do Đồn Biên phòng Nhơn Hưng (Bộ đội Biên phòng An Giang) quản lý. Xa xa là cột mốc quốc giới 273 sừng sững hiên ngang giữa biển lúa vàng.
Mặc dù bận rộn với công việc đồng áng, thế nhưng hàng tuần, các mẹ, các chị là thành viên trong “Tổ phụ nữ giữ gìn đường biên, cột mốc biên giới” phường An Phú đều tự giác tập hợp, cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhơn Hưng đi thăm đường biên, cột mốc và tham gia tuyên truyền cho người dân khu vực biên giới.
Theo chân Tổ phụ nữ giữ gìn đường biên, cột mốc biên giới phường An Phú và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhơn Hưng, chúng tôi phần nào thấy được những cống hiến, đóng góp thầm lặng của các mẹ, các chị trong những năm qua. Cái nắng hanh hao vùng biên giới khiến mồ hôi ướt đầm lưng áo, xung quanh là cánh đồng lúa chín vàng, trĩu hạt đang chờ ngày gặt, nhưng gương mặt ai cũng vui tươi, hạnh phúc khi được cùng Bộ đội Biên phòng tuần tra dọc biên giới và kiểm tra vị trí các cột mốc trên địa bàn.
Chị Nèang Vượt (khóm Phú Tâm, phường An Phú), thành viên Tổ phụ nữ giữ gìn đường biên, cột mốc biên giới phường An Phú cho biết, mỗi lần đứng nghiêm chào cột mốc chủ quyền quốc gia, chị luôn cảm thấy rất tự hào, xúc động.
Dù gia đình chỉ thuộc diện bình thường, bản thân phải chạy "xe ôm" trang trải cuộc sống, nhưng chị Nèang Vượt vẫn rất năng nổ và tích cực tham gia cùng chị em trong Tổ phụ nữ giữ gìn đường biên, cột mốc biên giới của phường.
Theo chị Nèang Vượt, hầu hết chị em trong tổ không mấy dư dả, nhưng luôn muốn đóng góp một chút công sức nhỏ bé của mình cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, mang lại cuộc sống bình yên cho mọi người. Dù bận rộn với cuộc sống mưu sinh, nhưng khi Bộ đội Biên phòng yêu cầu, các chị sẵn sàng tham gia bất cứ khi nào.
Không những thế, các thành viên trong Tổ còn tích cực vận động, tuyên truyền người dân sống, canh tác đất nông nghiệp gần khu vực biên giới chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt, không được tiếp tay cho các loại tội phạm qua biên giới, kịp thời báo tin cho lực lượng bộ đội biên phòng khi phát hiện đối tượng khả nghi xuất hiện.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường An Phú Nguyễn Thị Thu Hồng cho biết, Tổ phụ nữ giữ gìn đường biên, cột mốc biên giới phường An Phú được thành lập từ tháng 6/2014, với 25 thành viên đầu tiên, đến nay, Tổ có 40 thành viên, trong đó có 39 chị em là người dân tộc Khmer.
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường An Phú, hơn 10 năm qua, mô hình được Hội Liên hiệp Phụ nữ phường phối hợp với Đồn Biên phòng Nhơn Hưng duy trì, phát triển và trở thành “điểm sáng” trong hoạt động bảo vệ bình yên biên giới của phụ nữ An Giang.

Những “cột mốc sống”
Bà Nèang My, dân tộc Khmer, ở khóm Phú Tâm, phường An Phú (thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang), hơn 70 tuổi, đã gắn bó với Tổ phụ nữ giữ gìn đường biên, cột mốc biên giới phường An Phú hơn 10 năm nay. Mỗi chuyến tuần tra đường biên, cột mốc và tham gia tuyên truyền cho người dân khu vực biên giới cùng Bộ đội Biên phòng đều mang đến cho bà những cảm xúc tự hào, khó tả.
“Mỗi chuyến tuần tra biên giới, tự tay phát quang cây cỏ ở xung quanh vị trí cột mốc và lau sạch cột mốc quốc giới, tôi cảm thấy rất tự hào. Sau những chuyến đi, tôi thường kể lại với chị em, bạn bè, hàng xóm và con cháu của mình về những câu chuyện thực tế bản thân đã trải nghiệm để họ hiểu về ý nghĩa, niềm thiêng liêng trong việc bảo vệ mốc quốc giới. Có người nghe kể, sau đó cũng tình nguyện tham gia tuần tra biên giới cùng bộ đội biên phòng để góp phần bảo vệ biên cương Tổ quốc”, bà Nèang My chia sẻ.
Còn chị Neàng Nhương (ở khóm Phú Tâm, phường An Phú) khẳng định, những chuyến tuần tra biên giới giúp chị thấu hiểu sự vất vả, hy sinh của chiến sĩ biên phòng, hiểu rõ hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ của một công dân đang sinh sống nơi miền biên cương để đóng góp công sức, chung tay bảo vệ Tổ quốc.
“Được tham gia cùng các chị em và Bộ đội Biên phòng tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc và đứng nghiêm trang giơ tay chào cột mốc quốc giới, mình thấy tự hào lắm. Nếu cây cối mọc che cột mốc, mình cùng mọi người chặt bỏ cho cho quang sáng. Không những vậy, trong quá trình đi làm đồng, nếu phát hiện người lạ đi vào khu vực biên giới, mình sẽ báo ngay cho Bộ đội Biên phòng biết”, chị Neàng Nhương nói.
Thiếu tá Mã Vũ Lâm, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhơn Hưng cho biết, Đồn quản lý đoạn biên giới với chiều dài khoảng 10,7km. Đường tuần tra mốc quốc giới nằm xen giữa cánh đồng lúa, đâu đâu cũng có thể qua lại biên giới. Kẻ xấu dễ trà trộn là người dân đi làm đồng nên rất khó kiểm soát. Còn vào mùa mưa, cả cánh đồng ngập trong biển nước, việc tuần tra, kiểm soát biên giới lại càng thêm khó khăn.
“Chị em trong Tổ phụ nữ giữ gìn đường biên, cột mốc biên giới phường An Phú rất nhiệt tình tham gia cùng bộ đội biên phòng trong công tác giữ gìn, đường biên, cột mốc, bảo vệ bình yên vùng biên giới. Nhân dân đã cung cấp nhiều thông tin kịp thời, để chúng tôi xử lý vấn đề phát sinh trên biên giới”, Thiếu tá Mã Vũ Lâm cho biết.
Thượng tá Nguyễn Văn Hiệp, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cho biết, An Giang có đường biên giới dài gần 100km, với 2 cửa khẩu quốc tế (Tịnh Biên, Vĩnh Xương); 2 cửa khẩu chính (Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông); 1 cửa khẩu phụ Bắc Đại. Ngoài ra, dọc trên biên giới còn có nhiều đường mòn qua lại, gây khó khăn cho việc kiểm soát, phát hiện xuất nhập cảnh trái phép, vận chuyển ma túy, hàng hóa trái phép và các hoạt động vi phạm pháp luật khác.
Thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh xóm ấp khu vực biên giới”, Bộ Chỉ huy Bộ độ Biên phòng tỉnh và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp, đồng thời đẩy mạnh “Vận động phụ nữ tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới”. Đến nay, UBND các huyện, thị xã, thành phố biên giới trong tỉnh đã công nhận 74/771 hộ gia đình tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới; 23 “Tổ Phụ nữ tự quản đường biên, mốc quốc giới” với 308 hội viên nòng cốt.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Hiệp, việc thành lập các tổ phụ nữ tham gia tự quản đường biên, mốc giới và giữ gìn an ninh trật tự xóm, ấp khu vực biên giới giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; đồng thời, phát huy vai trò của phụ nữ trong việc tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm, phòng, chống các hành vi vi phạm chủ quyền lãnh thổ, các hoạt động buôn lậu, mua bán người qua biên giới, tội phạm ma túy, các tệ nạn xã hội, bảo vệ đường biên, cột mốc, góp phần giữ vững an ninh xóm, ấp khu vực biên giới...
Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2019 - 2025, quần chúng nhân dân đã cung cấp cho Bộ đội Biên phòng An Giang trên 3.197 tin, trong đó có 1.617 tin có giá trị, 1.580 tin tham khảo. Đây là minh chứng rõ nét cho sự chung tay của nhân dân, cùng Bộ đội Biên phòng thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trên tuyến biên giới. Họ như những “cột mốc sống” được trao truyền, tiếp nối để bảo vệ bình yên miền biên viễn Tổ quốc.
Công Mạo