Những năm trước đây, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk từng là điểm nóng về bệnh sốt rét với hàng chục ca mắc mỗi năm, thậm chí đã có trường hợp tử vong. Tuy nhiên, trong hai năm 2023 và 2024, địa phương này không ghi nhận trường hợp mắc sốt rét nào. Thành công ấy là kết quả của sự vào cuộc quyết liệt của ngành Y tế, chính quyền và nhân dân, trong đó có sự đóng góp thầm lặng nhưng bền bỉ của y sỹ Y Bun Toản Niê - một người con của buôn làng luôn hết mình vì sức khỏe cộng đồng.

Sẵn sàng lên đường khi có bệnh nhân cần giúp đỡ
Sinh ra và lớn lên tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, anh Y Bun Toản Niê (sinh năm 1989, dân tộc M’nông) hiểu rõ phong tục, tập quán và những khó khăn trong đời sống của đồng bào nơi đây. Năm 2011, anh tốt nghiệp Trung cấp Y sỹ tại Trường Cao đẳng Phương Đông Đà Nẵng (thành phố Đà Nẵng). Tháng 1/2012, anh bắt đầu công tác tại Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn. Đến năm 2019, anh chuyển về Trạm Y tế xã Krông Na, đảm nhiệm công tác phòng, chống dịch.
Làm việc gần nhà giúp anh thuận lợi trong bám sát địa bàn, hiểu rõ từng bệnh nhân. Với lợi thế thông thạo ba ngôn ngữ Lào, Việt và M’nông, anh trở thành cầu nối y tế giữa chính quyền và người dân, giúp việc tuyên truyền phòng, chống dịch đạt hiệu quả hơn. “Trước đây, khi đau ốm, bà con thường tìm đến thầy bói, thầy cúng hoặc dùng các bài thuốc dân gian. Nhưng nay, nhờ công tác tuyên truyền, người dân đã có nhận thức đúng đắn hơn, ngay khi ốm đau họ đến trạm y tế và bệnh viện để khám, điều trị,” anh chia sẻ.

Trạm Y tế Krông Na hoạt động trên địa bàn rộng, dân cư phân bố rải rác, đường sá đi lại khó khăn. Nằm cách trung tâm huyện Buôn Đôn gần 40 km, cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 70 km, xã Krông Na có 14 dân tộc thiểu số sinh sống. Đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, việc tiếp cận y tế không dễ dàng. Nhưng bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, y sỹ Y Bun Toản Niê luôn sẵn sàng lên đường khi có bệnh nhân cần giúp đỡ.
Thời điểm COVID-19 bùng phát mạnh, anh gần như không có ngày nghỉ. Anh không quản ngại khó khăn, đến từng nhà bệnh nhân lấy mẫu, theo dõi tình trạng cách ly và hỗ trợ điều trị. Hầu như ca bệnh nào anh cũng trực tiếp điều tra, xác minh. Có những hôm thức trắng đêm, sáng hôm sau lại tiếp tục xuống địa bàn lấy mẫu, hướng dẫn bà con cách ly. Những ngày cao điểm, anh cùng đồng nghiệp bám sát từng thôn, buôn, không quản ngại nguy hiểm để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Đoạn đường vào buôn Đrăng Phốc khoảng 25 km trước đây là đường đất, mùa mưa trơn trượt, mùa khô bụi mù, khiến việc tiếp cận người dân không dễ dàng. Vì thế, cán bộ y tế phải chủ động đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, phát màn chống muỗi, hướng dẫn cách phòng bệnh. Anh cũng phối hợp chặt chẽ với đội ngũ y tế thôn, buôn tạo thành những “cánh tay nối dài” của trạm y tế xã. Nhờ sự chủ động này, hai năm qua, xã Krông Na không ghi nhận ca mắc sốt rét nào, giúp địa phương từng bước loại trừ căn bệnh nguy hiểm này.
Bền bỉ trên tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh
Dù chỉ có trình độ trung cấp y sỹ, nhưng với lòng yêu nghề, Y Bun Toản Niê luôn nỗ lực học hỏi, trau dồi kiến thức để nâng cao hiệu quả công tác. “Có những ngôn ngữ dân tộc tôi chỉ nghe được mà không nói được, nhưng tôi luôn tìm cách khắc phục, nhờ bà con trong buôn hỗ trợ. Tôi tin rằng nếu mình có tâm huyết, mọi khó khăn đều có thể vượt qua”, anh chia sẻ.
Tận tụy với công việc, gần gũi với nhân dân, Y Bun Toản Niê đã nhận được sự tin yêu của đồng bào các dân tộc. Ông Y Tê Bkrông, Bí thư Chi bộ buôn Đrăng Phốc đánh giá, y sỹ Y Bun Toản Niê rất nhiệt tình, luôn có mặt kịp thời khi bà con cần. Nhờ thông thạo tiếng địa phương, anh dễ dàng tuyên truyền, giúp bà con hiểu rõ cách phòng bệnh. Buôn Đrăng Phốc có 145 hộ dân, gồm 8 dân tộc thiểu số như M’nông, Ê Đê, Gia Rai..., đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Dẫu vậy, nhờ sự tận tâm, gần gũi của Y Bun Toản Niê, nhận thức về chăm sóc sức khỏe của người dân từng bước được cải thiện.

Bà Hồ Thị Tuyết Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn nhận xét, y sỹ Y Bun Toản Niê không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng, chống sốt rét mà còn tích cực trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh. Công tác tại xã Krông Na, anh hiểu được khó khăn nơi vùng biên nên rất nhiệt tình tham gia, tuyên truyền cách phòng, chống dịch để bà con hiểu biết được. Nhờ có những cán bộ tận tâm như anh, nhận thức của người dân ngày càng nâng cao, giúp kiểm soát tốt các dịch bệnh nguy hiểm.
Niềm vui lớn nhất của Y Bun Toản Niê chính là khi thấy người dân khỏe mạnh, khi những ca bệnh nguy hiểm được phát hiện và xử lý kịp thời. Anh vẫn đang tiếp tục hành trình của mình - một hành trình không chỉ chữa bệnh, còn lan tỏa ý thức chăm sóc sức khỏe đến từng người dân nơi vùng biên giới xa xôi này.
Bằng sự tận tâm và trách nhiệm, y sỹ Y Bun Toản Niê đã và đang góp phần quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe cộng đồng tại xã Krông Na. Anh là minh chứng cho hình ảnh những cán bộ y tế cơ sở hết lòng vì nhân dân, âm thầm nhưng bền bỉ trên tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh, vì một cộng đồng khỏe mạnh, bình yên.
Nguyên Dung