Tìm hướng bảo tồn làng nghề se dây dừa hàng trăm năm tuổi

Công đoạn se dây dừa thủ công. Ảnh: TTXVN phát
Công đoạn se dây dừa thủ công. Ảnh: TTXVN phát

Nghề se dây dừa Chánh Khoan Đông (để làm dây thừng, thảm xuất khẩu, trang trí nội thất; tại xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) từng một thời nức tiếng thịnh vượng và là niềm tự hào của người dân khi được tỉnh công nhận là Làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Thế nhưng, giờ đây, làng nghề đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền để lại bao tiếc nuối.

Tìm hướng bảo tồn làng nghề se dây dừa hàng trăm năm tuổi ảnh 1Dăng se dây dừa. Ảnh: TTXVN phát

Trái ngược với cảnh nhộn nhịp, đông vui của mấy mươi năm về trước, làng nghề se dây dừa ở thôn Chánh Khoan Đông, xã Mỹ Lợi đã thưa hơn tiếng búa đập vỏ dừa, vắng hơn người làm. Hiện nay, làng chỉ còn những cụ ông, cụ bà ở cái tuổi "thất thập cổ lai hi" vẫn quyết tâm gắn bó với nghề dù thu nhập không cao. Họ không ngừng hy vọng một ngày nào đó nghề ăn vào máu thịt này sẽ hồi sinh.

Bà Huỳnh Thị Hảo, xã Mỹ Lợi bộc bạch "xưa kia, cứ 3-4 giờ sáng, tiếng búa đập vỏ dừa vang khắp cả làng. Nhà nhà, người người đều làm. Giờ đây, chỉ còn những người già như tôi là còn theo đuổi".

Dù lưng đã còng theo năm tháng, đi đứng khó khăn nhưng bà Viễn Thị Tâm vẫn miệt mài chế biến ra những đàn dừa (mỗi đàn gồm 3 dây dừa tầm 10 m quấn chặt lại với nhau) để bán. Bà kể rằng, hồi nào khỏe, bà làm được khá hơn chút, nếu mệt, ngày se được tầm 1 ký, bán được 20 ngàn đồng, cốt yếu lấy công làm lời. Nghề tuy vất vả nhưng lại ham, chứ không làm vài ngày là bà nhớ ghê lắm.

Làng nghề se dây dừa Chánh Khoan Đông từng được UBND tỉnh Bình Định công nhận là Làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống vào năm 2011. Thời điểm đó, làng có tới 169 hộ làm nghề. Sản phẩm làm ra bao nhiêu được thương lái thu mua hết bấy nhiêu. Trải qua thời gian, do nhiều nguyên nhân như thiếu nguyên liệu tại chỗ (vỏ dừa), giá thành thấp, sức cạnh tranh thị trường kém… một số hộ không bám trụ nữa mà chuyển sang nghề khác. Vì thế, làng nghề chỉ còn lại khoảng 15 hộ, nghề se dây dừa đứng trước nguy cơ mai một.

Ông Huỳnh Kim Thành, Trưởng thôn Chánh Khoan Đông cho hay, từ sau năm 2012, Mỹ Lợi dần “thay da đổi thịt”, kinh tế phát triển. Lớp trẻ không còn mặn mà với nghề cha ông nữa mà Nam tiến lập nghiệp hoặc xin vào làm việc ở các xí nghiệp, cụm công nghiệp tại địa phương, làng nghề mất đi thế hệ kế thừa. Mong rằng, các cấp, ngành chức năng có những giải pháp phù hợp, thiết thực nhằm hỗ trợ các nghệ nhân còn sót lại của làng để họ sống hết mình với cái nghề đã từng cho của ăn, của để.

Tìm hướng bảo tồn làng nghề se dây dừa hàng trăm năm tuổi ảnh 2Công đoạn se dây dừa thủ công. Ảnh: TTXVN phát

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đông Cường, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phù Mỹ thông tin, định hướng của huyện trong thời gian tới là sẽ rà soát, đánh giá thực trạng của làng nghề. Qua đó, có cơ sở kiến nghị, đề xuất tỉnh tiếp tục quan tâm, đầu tư để các hộ hành nghề se dây dừa thay đổi máy móc, công cụ lao động góp phần tăng năng suất, sức cạnh tranh, cải thiện về giá cả. Đặc biệt, huyện sẽ tính toán tới phương án lồng ghép làng nghề vào chương trình tham quan, trải nghiệm cộng đồng vì thôn Chánh Khoan Đông nằm sát đầm Trà Ổ - nơi sẽ được quy hoạch để phát triển du lịch.

“Về Mỹ Phú ăn dưa/ Lấy chồng Mỹ Lợi thì se dây dừa mỏi tay”. Hai câu ca dao trên đã lột tả hết sự tự hào của người dân Mỹ Lợi về nghề se dây dừa hàng trăm năm tuổi. Thế nhưng, để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề là điều rất khó, khi những nghệ nhân đã ở cái tuổi gần đất xa trời.

Lê Phước Ngọc

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm