Bình Phước đang đẩy mạnh phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông hiện đại, rộng khắp, đồng bộ, phù hợp với xu hướng hội tụ của công nghệ thông tin trong cuộc cách mạng 4.0, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, xây dựng Chính quyền số và đô thị thông minh hướng đến nâng cao quyền tiếp cận thông tin, nâng cao chất lượng kết nối thông tin cho người dân, du khách, doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế số, xã hội số và bảo đảm an ninh quốc phòng.

Theo đó, đối với bưu chính, năm 2025, tốc độ tăng trưởng các dịch vụ thương mại điện tử và logistics đạt 20 – 25%; trên địa bàn tỉnh đã xây dựng Trung tâm bưu chính với quy mô 11 điểm, trung bình đạt 4.000m2/huyện; phát triển tối thiểu 2 sàn thương mại điện tử do doanh nghiệp bưu chính Việt Nam sở hữu để đưa hộ sản xuất nông nghiệp tham gia giao dịch.
Về viễn thông, tỷ lệ ngầm hóa hạ tầng mạng cáp viễn thông theo tuyến đường (chỉ tính các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện và đường đô thị) đạt 10 – 15%; phát triển mới khoảng 2.080 trạm thu phát sóng 5G tại các khu trung tâm và các khu công nghiệp; tỷ lệ phủ sóng 5G đạt 100% tại các khu trung tâm và khu công nghiệp. Bảo đảm bán kính phục vụ có một trạm truy nhập thông tin di động (bao gồm cả small cells 5G) tối thiểu đạt 0,8 km/cột.
Đạt được mục tiêu này, theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, tỉnh nâng cấp dung tuyến truyền dẫn viễn thông dùng riêng kết nối từ Bình Phước tới thiết bị định tuyến của Cục Bưu điện Trung ương, xây dựng các tuyến dự phòng. Đồng thời, địa phương xây dựng và nâng cấp tuyến truyền dẫn quang liên tỉnh (bao gồm cả tuyến truyền dẫn dự phòng) thuộc các tuyến: Bình Phước – Bình Dương, Bình Phước – Đắk Nông, Bình Phước – Đồng Nai, Bình Phước – Lâm Đồng. Xây dựng tuyến truyền dẫn quang nội tỉnh bảo đảm dung lượng cao, kết nối liên huyện, liên vùng, đặc biệt trục Đồng Phú – Đồng Xoài – Chơn Thành, phục vụ nhu cầu phát triển các dịch vụ băng rộng và đô thị thông minh
Cùng đó, tỉnh phát triển hạ tầng số toàn diện bao gồm hạ tầng băng rộng và các nền tảng như: IoT, AI, Big Data, an ninh mạng, định danh số và thanh toán điện tử. Trong đó, hạ tầng di động băng rộng 5G và hạ tầng băng rộng cố định sẽ đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của Bình Phước; thúc đẩy sử dụng điện thoại thông minh, hỗ trợ người dân chuyển đổi sang sử dụng điện thoại thông minh; cung cấp dịch vụ băng rộng cố định đến trên 95% hộ gia đình; triển khai mạng 5G, cung cấp dịch vụ thanh toán di động (mobile money), thanh toán dịch vụ công, dịch vụ công cộng.
Mặt khác, Bình Phước phủ sóng thông tin di động đến các khu sóng yếu, lõm sóng, chưa đáp ứng lưu thoại thực tế, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới: xã Phú Văn, Bù Gia Mập, Đắk Ơ (huyện Bù Gia Mập); xã Lộc Quang, Lộc Phú (huyện Lộc Ninh); xã Tân Lợi (huyện Đồng Phú); xã Đường 10 (huyện Bù Đăng)… Tỉnh ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường phủ sóng thông tin di động tại các tuyến đường biên giới, đặc biệt là các tuyến tuần tra (thuộc các huyện Lộc Ninh, huyện Bù Đốp và huyện Bù Gia Mập) nhằm đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng – an ninh và phục vụ cho nhiệm vụ công ích của tỉnh
Vừa qua, UBND tỉnh Bình Phước phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông (Viettel, VNPT, MobiFone) tổ chức khánh thành công trình “Xây dựng và lắp đặt các trạm thu, phát sóng di động khu vực biên giới” tại huyện Lộc Ninh. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh, Bình Phước có đường biên giới giáp Campuchia dài gần 260 km, đi qua 3 huyện Lộc Ninh, Bù Đốp và Bù Gia Mập với 15 xã biên giới, địa hình, thời tiết phức tạp. Khi các công trình hoàn thành và đi vào hoạt động không những mang lại lợi ích thiết thực cho người dân mà còn góp phần phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân vùng biên. Các cấp cần tiếp tục cập nhật để triển khai đáp ứng nhu cầu về đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt ở khu vực biên giới. Sở Khoa học và Công nghệ khảo sát khu vực nào ở khu dân cư đang trong vùng lõm sóng thông tin di động, đặc biệt những nơi dù có trạm nhưng cũng chỉ phủ sóng trong giới hạn nghiên cứu báo cáo đề xuất, kêu gọi xã hội hóa.
Cùng với sự quyết tâm của các cấp chính quyền và sự vào cuộc của doanh nghiệp viễn thông, đến hết năm 2024, tỉnh Bình Phước đầu tư được 39 trạm BTS dọc tuyến tuần tra biên giới của các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp và Bù Gia Mập. Từ đầu năm đến nay, các đơn vị xây dựng và lắp đặt đã hoàn thành thêm 11 trạm, nâng tổng số lên 50 trạm BTS. Tổng kinh phí xây dựng khoảng 60 tỷ đồng (nguồn xã hội hóa của các doanh nghiệp), đảm bảo phủ sóng 96% các Đồn Biên phòng và các chốt dân quân, phủ sóng 85% khu vực có dân và có hoạt động sản xuất kinh doanh dọc theo tuyến đường tuần tra biên giới.
Nhật Bình