Tại Bình Phước, qua rà soát, thống kê hiện trạng các khu dân cư, hệ thống công trình giao thông, thủy lợi, các khu vực xung yếu, trọng điểm trên địa bàn tỉnh thường xảy ra thiên tai phân chia thành 4 vùng nguy cơ.

Cụ thể, khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán; khu vực thường xuyên bị ngập lụt do mưa lũ cục bộ; khu vực có khả năng sạt lở đất và sạt lở bờ sông (khu vực sạt lở bờ sông chủ yếu do khai thác cát); khu vực thường xảy ra lốc xoáy.Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp; trong đó, đối với các giải pháp công trình, tỉnh đầu tư nâng cấp, sửa chữa và nạo vét lòng hồ, vừa đảm bảo an toàn hồ, đập, vừa tăng dung tích hiệu dụng cho từng hồ; bổ sung, nâng cấp hệ thống trữ nước, tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng do mưa lớn, lũ, xả lũ từ các hồ thủy điện Thác Mơ, Cần Đơn và Srok Phu Miêng.
Số hồ chứa cần sửa chữa, nâng cấp đến năm 2030 là 16 công trình, với kinh phí khoảng 436 tỷ đồng. Đầu tư xây dựng mới 60 công trình thủy lợi đến năm 2030 để đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt với tổng số vốn dự kiến khoảng 5.414 tỷ đồng.
Tỉnh hoàn thiện hệ thống kênh mương các cấp nhằm đưa nước đến từng mặt ruộng, nâng cao hiệu quả sử dụng nước; xây dựng và hoàn thiện hệ thống cấp nước dân sinh lấy nước từ hồ chứa; nghiên cứu bổ sung hệ thống kết nối hồ theo cụm để bổ trợ nhau trong cấp nước, tiến đến liên kết các cụm hồ và các hồ trong từng huyện, sau đó là hình thành hệ thống kết nối liên hồ ở từng khu vực mang tính liên huyện như cụm Đồng Xoài - Đồng Phú - Phú Riềng; cụm Bù Đốp - Lộc Ninh; cụm Lộc Ninh - Bình Long; cụm Hớn Quản- Chơn Thành... trong quá trình xây dựng hồ chứa mới.Đối với các giải pháp phi công trình, Bình Phước tăng cường và hoàn thiện hệ thống dự báo hạn dài (3 tháng, 6 tháng) và cảnh báo hạn hán, vừa phục vụ điều chỉnh các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, vừa giúp người dân chủ động chuyển đổi cây trồng và linh hoạt giảm diện tích mùa vụ; điều tra, khảo sát và xây dựng bộ bản đồ khô hạn, cạn kiệt nguồn nước và nguy cơ sa mạc hóa đất tỉnh Bình Phước; hỗ trợ người dân thực hiện giải pháp trữ nước quy mô hộ/liên hộ phục vụ sinh hoạt và sản xuất; kiểm soát việc khai thác nước dưới đất, đồng thời thực hiện các giải pháp bổ sung lượng nước dưới đất trong mùa mưa; phân vùng sản xuất nông nghiệp và lựa chọn cây trồng hợp lý trong mùa mưa lũ nhằm giảm nhẹ thiệt hại do lũ/lũ quét và ngập úng lâu ngày.
Mặt khác, tỉnh bố trí quỹ đất trong các dự án phòng chống thiên tai và ổn định dân cư: dự án ổn định dân cư tự do tại chỗ: xã Tân Tiến (huyện Bù Đốp), sắp xếp khoảng 800 hộ; xã Lộc Thành (huyện Lộc Ninh) sắp xếp khoảng 900 hộ; xã Phước Thiện, (huyện Bù Đốp) sắp xếp khoảng 800 hộ; xã Lộc An (huyện Lộc Ninh, sắp xếp khoảng 600 hộ.
Ngoài ra, Bình Phước còn tận dụng triệt để quỹ đất còn trống để trồng cây phân tán và trồng rừng tập trung trong các khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ đầu nguồn, ưu tiên cho những khu vực có nguy cơ sạt lở thuộc huyện Bù Đăng và các hồ thủy điện lớn như hồ Thác Mơ nhằm nâng cao chất lượng và tăng độ che phủ, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nhật Bình