Nhằm góp phần nâng cao chuỗi giá trị và đưa trái thanh long Tiền Giang thâm nhập vào những thị trường có yêu cầu cao trên thế giới, tỉnh Tiền Giang đang đẩy nhanh tiến độ cấp mã vùng trồng cây thanh long, đặc biệt tại vùng chuyên canh trái cây đặc sản này.

Thanh long được xác định là một trong những chủng loại trái cây đặc sản, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Tiền Giang, mang lại giá trị xuất khẩu cao. Đến nay, tỉnh đã xây dựng được vùng chuyên canh thanh long xuất khẩu gần 8.600 ha tập trung ở các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông…, với sản lượng thu hoạch hàng năm gần 272.000 tấn.
Là vùng chuyên canh thanh long lớn nhất của tỉnh Tiền Giang, huyện Chợ Gạo có 6.600 ha, diện tích thanh long đang cho trái là 5.545 ha, với sản lượng thu hoạch 180.000 tấn/năm. Trong số đó, diện tích thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 2.200 ha, theo tiêu chuẩn GlobalGAP trên 300 ha. Thanh long Chợ Gạo đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ nhãn hiệu tập thể.
Bà Nguyễn Thị Kim Hằng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết, việc cấp mã số vùng trồng thanh long có vai trò quan trọng trong phục vụ xuất khẩu. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã triển khai rộng rãi đến người dân trong vùng chuyên canh cây thanh long cũng như các cơ sở để đăng ký cấp mã vùng trồng theo yêu cầu các nước nhập khẩu trái thanh long.
Cán bộ kỹ thuật đã tích cực hướng dẫn cũng như khuyến cáo nhà vườn trồng thanh long tuân thủ nghiêm nhặt các quy trình trong sản xuất để đáp ứng các yêu cầu của việc cấp mã số vùng trồng nhằm tạo điều kiện cho trái thanh long được xuất khẩu đi các nước thuận lợi hơn.
Vùng chuyên canh thanh long Chợ Gạo hiện đã được cấp 101 mã số vùng trồng xuất khẩu cùng diện tích 5.923,94 ha, xuất đi các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ và New Zealand cùng 5 mã số cơ sở đóng gói thanh long. Đây được coi là giấy thông hành quan trọng để thanh long Chợ Gạo nói riêng cũng như của tỉnh Tiền Giang có thể thâm nhập mạnh mẽ vào các thị trường đòi hỏi yêu cầu cao trên thế giới.
Tại xã Qươn Long, vùng chuyên canh thanh long của huyện Chợ Gạo, nhà vườn trồng thanh long đã nhận thức đầy đủ về hiệu quả của việc cấp mã số vùng trồng trong việc giúp sản phẩm trái thanh long xuất khẩu nên đồng tình, ủng hộ, tham gia. Xã Qươn Long hiện có 1.042 ha trồng thanh long; trong đó, có 710 ha thanh long ruột đỏ cùng 332 ha thanh long ruột trắng.
Ông Lê Văn Kiệt ở xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết, chính quyền xã phối hợp với cán bộ kỹ thuật của phòng nông nghiệp huyện tập trung phối hợp với ngành nông nghiệp huyện để vận động tuyên truyền người dân tham gia cấp mã số vùng trồng cây thanh long đạt chất lượng cao; đồng thời khuyến khích người dân tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác trồng thanh long để tổ chức sản xuất trái thanh long đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Đến tháng 1/2025, xã Qươn Long, huyện Chợ Gạo hiện có 883 hộ dân trồng thanh long thực hiện tái chứng nhận và nâng chuẩn VietGAP lên GlobalGAP cùng tổng diện tích là 484,57 ha, đạt 46,5% tổng diện tích trồng trên địa bàn xã. Đặc biệt, địa phương có Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Hưng Thịnh Phát xây dựng được vùng trồng cây thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP với 39 thành viên tham gia sản xuất ở 8 tổ hợp tác cùng diện tích 132 ha.
Ông Nguyễn Trung Quý, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Hưng Thịnh Phát cho biết, đến nay, hợp tác xã đã được cấp 6 mã số vùng trồng để xuất khẩu trái thanh long đi các nước Mỹ, Trung Quốc, Australia và New Zealand; trong đó, có 5 mã số vùng trồng thanh long ruột đỏ cùng 1 mã số vùng trồng thanh long ruột trắng. Riêng đối với thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản, hợp tác xã đang hoàn tất hồ sơ xin cấp mã số vùng trồng.
Sau khi được cấp mã số vùng trồng, hợp tác xã đã gặp thuận lợi hơn trong việc liên hệ với các khách hàng trong, ngoài nước để tìm đầu ra cho trái thanh long theo chuỗi cung cấp an toàn, bền vững, góp phần đảm bảo đầu ra ổn định cho các xã viên cũng như nhà vườn trồng thanh long ở địa phương.
Trái thanh long của Hợp tác xã Hưng Thịnh Phát đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang phê duyệt cấp chứng nhận OCOP 4 sao. Trung bình mỗi tháng, hợp tác xã sơ chế gần 150 tấn thanh long cùng các loại trái cây khác để đưa vào các siêu thị, trung tâm thương mại trong cả nước cũng như cung ứng cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Tỉnh Tiền Giang đang đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 3.600 ha thanh long đạt tiêu chí GAP. Diện tích thu hoạch đến năm 2025 là 7.900 ha, sản lượng trên 235.000 tấn trái. Địa phương đã thành lập được 11 hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ thanh long. Các hợp tác xã đang đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, tiêu thụ và xúc tiến thương mại cho trái thanh long góp phần đảm bảo xuất khẩu chính ngạch trái thanh long của tỉnh Tiền Giang sang nhiều thị trường nước ngoài khó tính, góp phần đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thanh long trong năm 2025 đạt 150 triệu USD, gấp 1,5 lần hiện nay, chưa kể xuất tiểu ngạch.
Ông Trần Hoàng Nhật Nam, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, từ năm 2017, tỉnh Tiền Giang đã thực hiện Đề án "Phát triển cây thanh long tỉnh Tiền Giang đến năm 2025" với một trong những trọng tâm là ứng dụng khoa học - công nghệ nâng cao chất lượng cùng sức cạnh tranh của trái thanh long trên thị trường xuất khẩu. Để phát triển bền vững vùng chuyên canh thanh long xuất khẩu, việc phát triển kinh tế hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, đẩy nhanh tiến độ cấp mã vùng trồng góp phần giải quyết đầu ra bền vững cho sản phẩm trái thanh long là vấn đề cấp thiết.
Đồng thời, tỉnh Tiền Giang cũng kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp chế biến đầu tư xây dựng những nhà máy sản xuất các sản phẩm chế biến đa dạng từ trái thanh long để góp phần giải quyết phần nào sản lượng trái thanh long khi vào mùa thu hoạch rộ.
Hữu Chí