Nông nghiệp An Giang với tư duy phát triển xanh được biết đến với những cánh đồng lúa đạt chuẩn SRP (tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững) xuất khẩu đi châu Âu ở Thoại Sơn, Châu Thành hay lúa hữu cơ ở Tri Tôn, An Phú, Tân Châu, Long Xuyên… đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân. Chuyển đổi tư duy "sản xuất nông nghiệp" sang "kinh tế nông nghiệp" thích ứng với biến đổi khí hậu và xu thế thị trường là tiền đề giúp An Giang hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Với mục tiêu sản xuất lúa hữu cơ, hướng đến nền nông nghiệp xanh, bền vững, năm 2016, có 15 nông dân ở xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn (An Giang) liên kết thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Vọng Đông với vốn điều lệ 300 triệu đồng. Đến nay, hợp tác xã đã phát triển với gần 100 thành viên.
Ông Nguyễn Phú Cường - Giám đốc điều hành Hợp tác xã Nông nghiệp Vọng Đông cho biết, trước đây, nông dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm bán cho các thương lái với giá bấp bênh. Từ khi thành lập hợp tác xã và canh tác lúa theo chuẩn SRP, nông dân đã dần bỏ cách làm cũ, chủ động đưa khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, hướng đến sản phẩm chất lượng, đạt tiêu chuẩn cao.
Quy chuẩn SRP là mô hình canh tác lúa đạt hiệu quả kinh tế cao, mang tính bền vững, đáp ứng xu thế "tiêu dùng xanh", vì sản phẩm sạch, an toàn, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe con người… Áp dụng theo quy chuẩn này giúp nông dân giảm chi phí sản xuất từ 1,1 - 2,4 triệu đồng/ha, năng suất trung bình đạt 8,4 tấn/ha, tăng hơn 0,3 tấn/ha so với mô hình đối chứng (sản xuất theo tập quán cũ). Nhờ đó, nông dân giảm chi phí đầu vào từ 15-20%, trong khi thu nhập tăng trên 30% so canh tác bình thường - ông Cường phân tích.
Cũng từ sự đổi mới trong suy nghĩ và cách làm của nông dân, những năm gần đây, các thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Bình (huyện Châu Thành) đã mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ, liên kết sản xuất với doanh nghiệp, nên thu nhập của thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Bình luôn cao hơn các hộ sản xuất lúa bên ngoài từ 5-10%.
Trong 1.000 ha canh tác của hợp tác xã, có 100 ha sản xuất lúa theo VietGAP được cấp mã số vùng trồng, 50 ha sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP, lúa gặt xong có doanh nghiệp bao tiêu với giá ổn định và cao hơn thị trường.
Giai đoạn hội nhập quốc tế, làm nông nghiệp phải thông minh và biết thích ứng với biến đổi khí hậu mới có lợi nhuận - ôngNguyễn Văn Tắc, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Bình nhận xét. Hiện Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Bình hướng đến mục tiêu 1.000 ha canh tác lúa của 112 thành viên đều được ứng dụng công nghệ 4.0.
Nông dân chỉ ngồi ở nhà nhưng có thể điều khiển máy bơm nước, kiểm tra độ mặn, tình hình sâu bệnh, sự thay đổi của thời tiết… từ xa qua điện thoại thông minh để chủ động xử lý kịp thời. Ngoài ra, các công đoạn trước đây cần nhiều sức người như phun thuốc, bón phân, sạ lúa… thì giờ chỉ cần điều khiển bằng máy bay không người lái…
Đặc biệt, trong vụ Thu Đông 2024, Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Bình có 4 thành viên được chọn tham gia thí điểm mô hình sản xuất ứng dụng đồng bộ quy trình 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao theo Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” tại An Giang với quy mô 10 ha. Sau thời gian thực hiện, mới đây 4 nông dân này đã nhận được trên 14 triệu đồng tiền thưởng từ mô hình Canh tác lúa giảm phát thải.
Tự hào khi là một trong 4 nông dân đầu tiên của huyện Châu Thành (An Giang) nhận được tiền thưởng từ chương trình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính, anh Hồ Minh Tuấn cho biết, khi tham gia mô hình sản xuất ứng dụng đồng bộ quy trình 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, lợi nhuận trong canh tác lúa hơn hẳn cách làm truyền thống.
Mặt khác, mô hình canh tác này còn mang lại nhiều lợi ích khác như không đốt rơm rạ, ứng dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ ngay tại đồng ruộng, tái tạo nguồn dinh dưỡng cho đất; giảm lượng giống gieo sạ còn 80 kg/ha; sử dụng phân bón chuyên dụng với liều lượng 400 kg/ha; áp dụng quy trình nước tưới ngập khô xen kẽ kết hợp lấy khí thải…
Ông Nguyễn Thành Hưởng - đại diện Công ty CP Net Zero Carbon và Công ty BSB Nanotech cho biết, kết quả giảm phát thải khí nhà kính tại mô hình thí điểm của 4 nông dân thuộc Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Bình đạt 29,03 tấn CO2 quy đổi, tương đương với số tiền thưởng 14,350 triệu đồng.
Vụ Đông Xuân 2024 - 2025, Công ty CP Net Zero Carbon và Công ty BSB Nanotech tiếp tục nhân rộng mô hình trên địa bàn huyện Châu Thành với diện tích 27 ha.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Hiệp cho biết, chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh An Giang đặt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, dựa trên nền tảng sản xuất nông, thủy sản hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số.
Để hoàn thành mục tiêu này, ngành nông nghiệp sẽ tập trung thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nghị quyết, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển theo định hướng “nông nghiệp bền vững, minh bạch và có trách nhiệm”; chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông - lâm - thủy sản; từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển chuỗi ngành hàng.
Trong đó, tỉnh ưu tiên hỗ trợ, bố trí vốn đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, khép kín, theo chuỗi liên kết nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác,… gắn với công nghiệp chế biến sâu, phát triển dịch vụ trong nông nghiệp; hình thành trung tâm logistics phục vụ cho nhu cầu sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.
Bên cạnh đó, An Giang tích cực mời gọi, thu hút các doanh nghiệp “đầu tàu”, có đủ năng lực về vốn, khoa học - công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị hiệu quả; chuyển mạnh từ xây dựng “chuỗi cung ứng nông sản” sang phát triển “chuỗi giá trị ngành hàng”.
Ngoài ra, An Giang quan tâm phát triển khu, cụm công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn, thu hút ngành sử dụng nhiều lao động, đảm bảo “ly nông bất ly hương”, giảm tải di cư đến các thành phố chính. Thông qua tổ chức chính thức (hợp tác xã, doanh nghiệp, hội nghề nghiệp có đăng ký, tổ chức của hội nông dân...), lao động nông thôn được ký hợp đồng làm việc, được đào tạo, hỗ trợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Qua đó, từng bước hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, có trình độ, tay nghề, tạo ra sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và yêu cầu mới của thị trường trong nước, xuất khẩu.
Ông Hồ Văn Mừng, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, thời gian tới An Giang sẽ tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, tăng trưởng hợp lý. Tỉnh cũng thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn; nâng cao công tác dự báo để kịp thời ứng phó, giảm thiểu tác động do thiên tai gây ra, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, tích cực triển khai Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại An Giang đúng lộ trình. Đến cuối năm 2025, tỉnh phấn đấu đạt trên 44.000 ha và đến năm 2030 đạt 152.000 ha lúa chất lượng cao phát thải thấp.
Công Mạo