Năm 2025, tỉnh Trà Vinh tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm).
Cụ thể, tỉnh chọn 7 sản phẩm để hỗ trợ 100% kinh phí thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm và xây dựng câu chuyện sản phẩm với mức tối đa 10 triệu đồng/sản phẩm; hỗ trợ kinh phí thuê hoặc xây dựng mới 2 cửa hàng kinh doanh sản phẩm OCOP với mức hỗ trợ 50 triệu đồng/cửa hàng; đồng thời, hỗ trợ kinh phí mua máy móc và trang thiết bị, dây chuyền sản xuất cho 7 cơ sở ngành nghề nông thôn có sản phẩm đạt OCOP, với mức hỗ trợ 50% kinh phí, tối đa không quá 300 triệu đồng/cơ sở.
Ông Phạm Thanh Tiếng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh) cho biết, thông qua các chính sách, nhiều cơ sở, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; sản phẩm ngày càng đa dạng. Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển chương trình OCOP, tăng thu nhập cho người dân nông thôn, đưa sản phẩm OCOP vươn xa ở thị trường trong nước và quốc tế.
Tỉnh Trà Vinh hiện có 393 sản phẩm OCOP của 250 chủ thể đạt từ 3 sao trở lên; trong đó, có 3 sản phẩm đạt 5 sao, 7 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 46 sản phẩm đạt 4 sao, 337 sản phẩm đạt 3 sao. Năm 2025, tỉnh phấn đấu có thêm ít nhất 20 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên.
Năm 2024, tỉnh Trà Vinh đã giải ngân tổng số tiền gần 1,8 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP; trong đó, xây dựng 2 cửa hàng kinh doanh sản phẩm OCOP với tổng số tiền 100 triệu đồng; hỗ trợ gần 1,7 tỷ đồng cho 8 cơ sở ngành nghề nông thôn có sản phẩm OCOP đầu tư máy móc, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất.
Thanh Hòa