Hiện nay, nhiều nhà vườn tại “thủ phủ điều” Bình Phước đang trong thời kỳ ra bông, đậu trái và nuôi trái. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, thời tiết bất lợi xuất hiện nhiều sâu bệnh “tấn công” khiến nhiều nhà vườn đối mặt với nguy cơ mất mùa.
![Trái điều non bị sâu đục trái gây hại. Ảnh: K GỬIH - TTXVN potal-nhieu-vuon-o-thu-phu-dieu-binh-phuoc-bi-kho-bong-rung-trai-non-do-thoi-tiet-bat-loi-7860473.jpg](https://media.dantocmiennui.vn/images/71db2c24f08203bd7bb8270edceea74e36ce30da71bbd52831d8ed1469015988564f4ba458db5b12545c0a60a4a3e26393048f4cd7a81d964fe5e75087cf6931f268d364195744dcec63fd414c615659fcf54eea4a558c5309ae4b4778269a53e8fd8e5d877083738d10cf817bff2dd6ddc92797171705e8d18a84325905b6709848b468e03dd0bf44fc57c0d1cf6090/potal-nhieu-vuon-o-thu-phu-dieu-binh-phuoc-bi-kho-bong-rung-trai-non-do-thoi-tiet-bat-loi-7860473.jpg)
Ghi nhận tại huyện biên giới Bù Gia Mập, là một trong những địa phương có diện tích trồng điều lớn của tỉnh Bình Phước. Sau Tết Nguyên đán, hầu hết vườn điều đang trong giai đoạn ra hoa đậu trái. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, nhiều nhà vườn đã “méo mặt” khi vườn bị khô bông, rụng trái non do ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh hại.
Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Nam ở xã Đức Hạnh có vườn rộng hơn 6 ha trồng điều tại thôn Thác Dài (xã Phú Văn) đã bị bọ xít muỗi "tấn công" gây khô bông, tỷ lệ đậu trái rất thấp. Ông Nam cho biết, sau kỳ nghỉ Tết, đến nay, gia đình ông đã tiến hành phun thuốc bảo vệ thực vật hai lần để phòng trừ sâu bệnh. Trước kỳ nghỉ Tết, gia đình cũng đã phun xịt thuốc trừ sâu bệnh, bổ sung dinh dưỡng cho cây. Tuy nhiên, đến thời điểm bây giờ, hầu hết trên cây đã không còn trái non do bị bọ xít muỗi và sương muối gây ra. Hiện nay, toàn bộ diên tích vườn chỉ trông chờ những cây còn sót lại ra bông đợt cuối cùng.
![Bệnh thán thư, sương muối làm khô bông điều. Ảnh: K GỬIH - TTXVN potal-nhieu-vuon-o-thu-phu-dieu-binh-phuoc-bi-kho-bong-rung-trai-non-do-thoi-tiet-bat-loi-7860471.jpg](https://media.dantocmiennui.vn/images/71db2c24f08203bd7bb8270edceea74e36ce30da71bbd52831d8ed1469015988564f4ba458db5b12545c0a60a4a3e26393048f4cd7a81d964fe5e75087cf6931f268d364195744dcec63fd414c615659fcf54eea4a558c5309ae4b4778269a53e8fd8e5d877083738d10cf817bff2dd6ddc92797171705e8d18a84325905b6706983f916428a722c98d0cef581336004/potal-nhieu-vuon-o-thu-phu-dieu-binh-phuoc-bi-kho-bong-rung-trai-non-do-thoi-tiet-bat-loi-7860471.jpg)
Theo ông Nguyễn Văn Nam, vừa qua nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm khá cao. Về đêm, sáng sớm có mưa và sương mù trưa nắng gắt nên nhiều loại sâu, bệnh hại xuất hiện khá nhiều. Ngoài ra, biên độ nhiệt tăng cao và kéo dài trong ngày dẫn đến hiện tượng khô bông và rụng trái non khá lớn.
Còn gia đình anh Điểu Hồng Khanh có diện tích trồng điều hơn 5 ha ở xã Đức Hạnh bị khô bông, rụng trái non với số lượng khá lớn sau hai cơn mưa trái mùa đầu tiên vào gần giữa tháng 2. Dù những trái điều ra bông trước Tết đến nay đã lớn hơn ngón tay cái không bị rụng, nhưng trái non nhỏ hơn hạt đậu đen đều khô và rụng. Anh Điểu Hồng Khanh cho biết, đầu tuần vừa qua, trên địa bàn đã xuất hiện cơn mưa trái mùa, sương muối đã khiến vườn điều bông khô, trái non bằng hạt đậu bị đen và rụng. Trời mưa đã xuất hiện sâu bệnh tăng nhanh nhất là bọ xít muỗi. Gia đình anh cũng đã phun xịt hai đợt thuốc trừ sâu ăn trái, trị bọ xít muỗi, bệnh thán thư để bảo vệ bông và quả.
Cũng theo anh Hồng Khanh, việc phun xịt thuốc bảo vệ thực vật phòng chống sâu bệnh là giải pháp để hạn chế thiệt hại về bông và quả. Các vườn phun xịt không cùng thời điểm khiến sâu bọ lẫn tránh và quay lại gây hại. Hiện nay, thời tiết tiếp tục thất thường khiến người trồng điều lo lắng, kém vui, đối mặt với một vụ mùa giảm năng suất lớn.
![Bọ xít muỗi chích đọt non, trái làm trái non héo và rụng. Ảnh: K GỬIH - TTXVN potal-nhieu-vuon-o-thu-phu-dieu-binh-phuoc-bi-kho-bong-rung-trai-non-do-thoi-tiet-bat-loi-7860469.jpg](https://media.dantocmiennui.vn/images/71db2c24f08203bd7bb8270edceea74e36ce30da71bbd52831d8ed1469015988564f4ba458db5b12545c0a60a4a3e26393048f4cd7a81d964fe5e75087cf6931f268d364195744dcec63fd414c615659fcf54eea4a558c5309ae4b4778269a53e8fd8e5d877083738d10cf817bff2dd6ddc92797171705e8d18a84325905b6703c321afbdcb0f0583134345cf76e5114/potal-nhieu-vuon-o-thu-phu-dieu-binh-phuoc-bi-kho-bong-rung-trai-non-do-thoi-tiet-bat-loi-7860469.jpg)
Trước ảnh hưởng của thời tiết bất thường cũng như sâu bệnh hại, sau Tết Nguyên đán, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước đã có nhiều khuyến cáo cho người dân trồng điều cần chủ động tham vườn để phát hiện sâu, bệnh và có biệp pháp phòng trừ sớm.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Gia Mập Phan Văn Hà cho biết, hiện nay, sâu bệnh hại chủ yếu do bọ xít muỗi, rầy mềm, bọ trĩ, sâu đục trái, bệnh thán thư. Để hạn chế hiện tượng khô bông rụng trái non, bà con cần thường xuyên thăm vườn, điều tra phát hiện đúng đối tượng sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời đạt hiệu quả cao nhất. Thực hiện các biện pháp phòng là chính; hoặc sau khi phát hiện các đối tượng sâu bệnh hại đang ở mức độ thấp, việc phun thuốc nên tiến hành đồng loạt và phun ít nhất 2-3 lần trong thời kỳ bông, đậu trái.
Theo ông Phan Văn Hà, đối với bọ xít muỗi, nhà nông cần kiểm tra vào sáng sớm và chiều mát khi chúng bay ra gây hại. Quan sát trong vườn khi xuất hiện bọ xít muỗi thì cuống bông có vết chích làm chảy mủ. Lúc này, bà con nên tiến hành phun xịt bằng các loại thuốc có hoạt chất Acetamiprid, Fenobucarb, lmidacloprid, Isoprocarb như thuốc: Chavet, Rầy xanh, Topgold, Chesone, Spadan... Đối với bọ trĩ, khi cây có hiện tượng khô bông, trái non bị rụng hoặc méo mó, dị dạng. Để phát hiện, nhà vườn cần tiến hành kiểm tra bằng cách dùng tờ giấy trắng kê ở dưới chùm hoa (quả non), sau đó rung nhẹ cho bọ trĩ rơi xuống. Nếu quan sát thấy bọ trĩ thì tiến hành phun các loại thuốc có hoạt chất 4cetamiprid, Fenobucarb, Imidacloprid như: Chavet, Rầy xanh, Topgold, Chesone, ...
Còn đối với sâu đục trái thì con cái hoạt động vào ban đêm, đẻ trứng rãi rác quanh khu vực cuống của trái non. Sâu khi nở sâu non đục vỏ trái, chui vào bên trong ăn phá phần thịt trái. Đặc biệt, sâu đục trái rất thích ăn phần hột. Sâu tấn công và gây hại từ lúc trái còn rất nhỏ đến khi trái lớn cho thu hoạch. Nhà nông nên sử dụng thuốc đẻ phòng trừ có hoạt chất Abamectin, Emamectin... như thuốc Bakari, Bác sĩ điều, DT Aba, Redsuper, Voi tuyệt vời…
Riêng với bệnh thán thư khi bà con phát hiện thấy cuống, bông điều có hiện tượng thâm đen, trái non bị héo đen và rụng. Các loại thuốc khuyến cáo dùng để phòng trị như có hoạt chất như: Propineb (Antracol 70 WP); Hexaconazole (Hexa Kẽm, Mekongvil 5SC, Grandgold 80SC). Người dân nên tiến hành phun thuốc vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, có thể kết hợp với phân bón lá như: 10-5-45, Canxi bokem, Canxibo... để tăng cường khả năng ra hoa, đậu trái, hạn chế hiện tượng rụng bông và trái non.
Ngoài ra, ông Phan Văn Hà khuyến cáo người dân trồng điều cần lưu ý trong thời điểm này nắng gắt vì vậy khả năng cháy rất cao, không nên đốt lá, hun khói, chú ý đến việc cháy lan trên vườn điều.
Bình Phước được xem là thủ phủ điều cả nước với diện tích hơn 148.000 ha, chiếm gần 50% tổng diện tích điều cả nước. Diện tích trồng lớn chủ yếu tập trung ở các huyện như: Bù Đăng, Bù Gia Mập, Đồng Phú, Phú Riềng…
K GỬIH