Liên kết tạo vùng nguyên liệu cho ngành chế biến điều ở Bình Phước

Bình Phước nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thế mạnh của tỉnh là các loại cây công nghiệp có giá trị xuất khẩu cao như điều, cao su, hồ tiêu... Tính đến thời điểm hiện tại, diện tích canh tác điều trên toàn tỉnh gần 150.000 ha, chiếm hơn 30% tổng diện tích cây lâu năm và trên 33% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh; trong đó, diện tích trồng điều của các hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số khoảng 50.000 ha.

vna_potal_binh_phuoc_gia_thu_mua_hat_dieu_tuoi_dau_vu_thap_6593906.jpg
Ông Trần Quang Hưng thu hoạch điều tại xã Đức Hạnh, Bù Gia Mập, Bình Phước. Ảnh: K GỬIH -TTXVN

Diện tích trồng điều của tỉnh Bình Phước chiếm gần 50% tổng diện tích trồng điều của cả nước nên Bình Phước được xem là thủ phủ điều của Việt Nam. Không chỉ đứng đầu về diện tích mà Bình Phước còn dẫn đầu cả nước về số lượng cơ sở chế biến hạt điều với hơn 1.400 cơ sở quy mô nhỏ và vừa, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 50.000 lao động. Tuy nhiên, hiện nay việc sản xuất điều đạt hiệu quả thấp, thu nhập từ điều chưa cao, giá trị gia tăng thấp, nhiều diện tích điều bị thoái hóa; chuyển đổi sang trồng các loại cây khác như cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái... hoặc chuyển sang mục đích sử dụng phi nông nghiệp. Cùng với đó, rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu khiến năng suất điều sụt giảm. Từ đó, nguyên liệu hiện là một trong những vấn đề thách thức đối với ngành điều Bình Phước.

Huyện Bù Đăng là một trong những địa phương có diện tích trồng điều lớn nhất của Bình Phước với trên 59.200 ha, chiếm gần 45% trong tổng diện tích đất nông nghiệp của huyện. Trước thực trạng khó khăn về vùng nguyên liệu, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Trần Văn Phương cho biết, địa phương đã phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác để người nông dân thực sự tham gia vào liên kết chuỗi giá trị hạt điều từ khâu trồng trọt, chăm sóc, thu mua và chế biến xuất khẩu.

Hiện nay, Bù Đăng có khoảng 2.000 ha điều sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, Organic...; trong đó, có 4 hợp tác xã tham gia chuỗi điều liên kết với diện tích khoảng 1.500 ha, sản xuất theo quy trình hữu cơ. Từ năm 2022, huyện Bù Đăng được phê duyệt 7 dự án chuỗi giá trị, trong đó, có 1 dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hạt điều theo tiêu chuẩn hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA)/hữu cơ châu Âu (EU) tại xã Đăk Nhau. Bên cạnh đó, một số địa phương khác cả Bù Đăng cũng đang tích cực đẩy mạnh liên kết tạo vùng nguyên liệu điều phục vụ cho ngành chế biến tại chỗ của tỉnh Bình Phước. Huyện đã trình diễn 48 mô hình điều hiệu quả.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước Trần Văn Phương cho biết, địa phương đã hình thành các vùng nguyên liệu tập trung có sự liên kết theo chuỗi với tổng diện tích trên 7.600 ha cho 45 hợp tác xã hoạt động sản xuất điều điển hình. Cùng đó, Bình Phước còn hỗ trợ vùng nguyên liệu cho 10 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều tham gia liên kết với 38 đơn vị là các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại với diện tích liên kết khoảng 4.500 ha; trong đó, chuỗi liên kết điều được chứng nhận hữu cơ Mỹ/hữu cơ châu Âu (EU) khoảng 3.500 ha; 4 hợp tác xã được nhà nước hỗ trợ theo chính sách của Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 05/07/2019 của HĐND tỉnh quy định về Chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Bình Phước với diện tích gần 1.400 ha.

Bình Phước cũng đã hoàn thành việc lập Bản đồ vùng chuyên canh điều của tỉnh đến năm 2030. Các giống điều năng suất cao đang sản xuất khoảng 35.000 ha, gồm giống PN1 khoảng 20.000 ha; các giống AB0508, AB29 và 6 giống địa phương: BP18, BP27, BP43, BP68, BP89, BP102 khoảng 15.000 ha.

Cũng theo ông Trần Văn Phương, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đồng hành cùng nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong việc phát triển cây điều và tiêu thụ sản phẩm tại địa phương; tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân trồng điều, nhà sản xuất, chế biển, kinh doanh trong ngành điều. Sở đề nghị Hội điều Bình Phước đẩy mạnh liên kết giữa các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân trong phát triển vùng nguyên liệu, phát huy vai trò đầu mối của ngành và xây dựng chuỗi liên kết, chuỗi giá trị xuất khẩu điều.

Ngoài ra, tỉnh chú trọng quản lý chất lượng giống điều, hướng dẫn các tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh giống điều theo đúng quy định pháp luật; sử dụng giống điều ghép có năng suất, chất lượng cao để trồng tái canh, trồng mới. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình canh tác và thâm canh điều, cải tạo vườn điều tạp, tái canh, trồng mới bằng giống có năng suất đạt từ 2,5 tấn/ha trở lên.

Nhật Bình

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm