Xác định việc chăm lo, hỗ trợ cho hội viên phụ nữ hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang hướng về cơ sở và triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả. Từ đây, hàng nghìn hộ gia đình có điều kiện tham gia lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo có cuộc sống ấm no, tiến bộ hơn. .
Phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ
Bà Thị Chươl (42 tuổi), ấp Tà Teng, xã Phú Lợi, huyện biên giới Giang Thành là một hội viên phụ nữ năng nổ, tích cực tham gia hoạt động ở địa phương và tiêu biểu về tinh thần siêng năng, nhạy bén trong lao động, sản xuất. Bà Chươl cho biết, từ năm 2021 trở về trước, gia đình rất khó khăn do vợ chồng bà không có công ăn việc làm ổn định. Căn nhà cây lợp lá cũng xuống cấp, xiêu vẹo, nguy hiểm thường trực. Đến năm 2021, gia đình bà được tặng nhà Đại đoàn kết, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Lợi nhận ủy thác vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội 100 triệu đồng cải tạo 0,6 ha đất vườn tạp trồng lúa, đồng thời mua 4 con bò giống để nuôi và mua nguyên liệu cỏ bàng để đan đệm bán. Nhờ đó, từ năm 2023 đến nay, các mô hình phát huy hiệu quả, tạo nguồn thu nhập ổn định từ 8 -10 triệu đồng/tháng đảm bảo cuộc sống cho gia đình với 5 thành viên.
“Vợ chồng tôi trân trọng nguồn vốn vay và luôn ý thức chăm chỉ làm lụng để vươn lên thoát nghèo và trả tiền gốc, lãi cho ngân hàng đúng hạn. Hiện tại, vợ chồng tôi bên cạnh làm ruộng, cắt cỏ và chăm sóc 6 con bò còn tranh thủ thời gian đan cỏ bàng, đi làm thợ hồ, dặm lúa, cắt lúa, phun xịt thuốc, bón phân thuê ở xóm để có nguồn thu nhập nuôi 2 con đang học trung học cơ sở và lo cho mẹ già hơn 70 tuổi. Gia đình tôi được thoát nghèo năm 2024 và cố gắng làm lụng để cuối năm 2025 thoát khỏi hộ cận nghèo”, bà Chươl nói.
Cũng là hộ mới thoát nghèo vào cuối năm 2024, chị Thị Ngọc Mai (31 tuổi), ở xã Phú Lợi, huyện Giang Thành cho biết, cuộc sống gia đình gần đây đã ổn định hơn nhờ Hội Liên hiệp Phụ nữ tư vấn mô hình nuôi bò thịt, bò sinh sản và nhận ủy thác vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách để chăn nuôi bò, đồng thời mua chiếc xe máy phục vụ cho việc đi làm thuê của hai vợ chồng. Ngoài ra, đầu năm 2025, hộ chị Mai còn được Ban Tổ chức Tết quân - dân tỉnh Kiên Giang hỗ trợ 50 triệu đồng xây dựng căn nhà “Đại đoàn kết” giúp gia đình an cư lạc nghiệp.
Theo chị Mai, gia đình ở địa bàn khá khó khăn, khu vực biên giới, ít có nhà máy, xí nghiệp, chị có 2 con nhỏ nên không thể xa quê lên các tỉnh, thành phố làm công nhân. Vì thế, vợ chồng chị quyết định bám trụ ở quê làm lao động tự do (ai thuê gì làm nấy) với các công việc như: phụ hồ, dặm lúa, cắt lúa, đan đệm bằng cỏ bàng… Đến năm 2023, gia đình được hỗ trợ vốn, trao tặng bò giống để tạo nguồn thu nhập ổn định và hiện nay, thu nhập gia đình hơn 6 triệu đồng/tháng.
Nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững
Bà Tạ Thị Kim Phấn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Giang Thành cho biết, hằng năm, các cấp Hội trong huyện nhận ủy thác vay vốn cho hơn 600 lượt cán bộ, hội viên vay vốn khoảng 300 tỷ đồng để có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, lo chi phí cho con em học cao đẳng, đại học.
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện phối hợp với chính quyền địa phương rà soát điều kiện, tìm hiểu hoàn cảnh và nguyện vọng phát triển sản xuất, kinh doanh; chú trọng hoạt động tư vấn các mô hình, ngành nghề phù hợp cho từng hộ. Đồng thời, các cấp Hội phối hợp với ngành chuyên môn tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, phương pháp chăm sóc cây trồng, vật nuôi và tìm kiếm đầu ra ổn định để nâng cao giá trị sản xuất.
Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang, tỉnh hiện có hơn 3.000 hội viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; trong đó có khoảng 1.500 hộ dân tộc Khmer. Những năm qua, việc tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ dân tộc Khmer tham gia phát triển kinh tế gắn với giải pháp hỗ trợ nguồn vốn được các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trong tỉnh chú trọng và mỗi năm có hơn 1. 000 hộ vượt qua nghèo khó.
Bà Lý Anh Thư, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang cho biết, năm 2025, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trong tỉnh triển khai các chương trình, dự án và phối hợp hoạt động ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số vốn trên 2.300 tỷ đồng, khoảng 60.000 lượt hộ còn dư nợ. Đồng thời phát động hội viên phụ nữ tham gia các mô hình tiết kiệm (gửi tiết kiệm chung tay vì người nghèo, góp vốn xoay vòng không lãi suất) để hỗ trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh.
Các cấp Hội giới thiệu việc làm và tư vấn học nghề cho hơn 20.000 lượt lao động nữ; củng cố và tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các mô hình tạo việc làm hiện có như: Tổ hợp tác đan lục bình xuất khẩu, may công nghiệp, làm nhang, may túi xách, đan ghế mây, làm cá khô. Qua đó, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hội viên phụ nữ; thực hiện chỉ tiêu mỗi cơ sở giúp ít nhất 1 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh với hơn 300 hộ được giúp đỡ; hỗ trợ hơn 50 căn nhà cho cán bộ, hội viên phụ nữ thuộc hộ nghèo, khó khăn và tặng hơn 1.200 thẻ Bảo hiểm Y tế cho hội viên phụ nữ thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
“Chúng tôi thực hiện tốt công tác rà soát, tư vấn, định hướng hội viên phụ nữ các mô hình sản xuất, phương thức làm ăn phù hợp gắn với nhận ủy thác vay vốn tín dụng ưu đãi; thường xuyên tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Hội duy trì thực hiện chương trình tiếp sức đến trường, tặng quà cho hội viên phụ nữ Khmer, nhất là các hộ ở vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững”, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang Lý Anh Thư nhấn mạnh.
Văn Sĩ