Với quyết tâm từng bước kéo Mường Lát gần hơn với miền xuôi, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết 11 đặc thù về "Xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Qua 2 năm triển khai Nghị quyết, đến nay Mường Lát đã chuyển mình mạnh mẽ, đạt được những thành quả nhất định, nhiều mục tiêu đề ra đã đạt và vượt kế hoạch.
Ngay sau khi Nghị quyết ban hành, huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, cả hệ thống chính trị vào cuộc để tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các chính sách ưu tiên phát triển nông – lâm nghiệp, phát triển chăn nuôi. Đầu tiên, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân với nhiều hình thức phong phú, qua đó giúp đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nhận thức, cách thức, chuyển từ sản xuất "tự cung, tự cấp" sang sản xuất "hàng hóa". Người dân chủ động, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ, vươn lên thoát nghèo bền vững, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Năm 2012, UBND tỉnh Thanh Hóa thành lập Ban Chỉ đạo phát triển Kinh tế xã hội huyện Mường Lát để thực hiện dự án trồng rừng 147 với mục đích chuyển đổi đất nương rẫy sang trồng rừng sản xuất để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Thời điểm này, cây xoan, lát là cây được lựa chọn để thực hiện dự án. Xã Mường Lý là địa phương được lựa chọn thực hiện thí điểm dự án. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, thổ nhưỡng khô cằn, khí hậu khắc nghiệt... nên dự án trồng xoan không phát huy được hiệu quả.
Để người dân tiếp cận với cách sản xuất mới, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện phối hợp triển khai xây dựng các mô hình đưa các loại cây, giống mới vào trồng. Được sự hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cấp ủy, chính quyền xã Mường Lý đã tuyên truyền và hướng dẫn cho người dân đưa cây sắn vào trồng trên địa bàn. Qua hai năm triển khai đến nay Mường Lý đã có trên 500ha trồng sắn, với sản lượng trung bình 1ha sắn thu hoạch khoảng 18 - 20 tấn, cho thu nhập gần 50 triệu đồng/ha.
Trước đây gia đình anh Thào A Pao, bản Xa Lung, xã Mường Lý trồng cây xoan theo Dự án 147 nhưng không hiệu quả. Năm 2023, anh chuyển đổi sang trồng sắn trên đồi đất dốc, qua hơn 1 năm triển khai, cây sắn sinh trưởng và phát triển khá tốt và có đầu ra, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Theo ông Quách Văn Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lý, cùng với cây sắn, hiện xã đang vận động bà con đăng ký tham gia mô hình trồng tre Bát độ để lấy măng. Đến thời điểm này, đã có hơn 100 hộ dân ở các bản Nàng 1, Muống 2 và Tài Chánh đăng ký, với diện tích trồng khoảng 80 ha. Cùng với đó, UBND xã phối hợp với một doanh nghiệp ký hợp đồng trồng cây sả, để chiết xuất tinh dầu và mô hình trồng cây lá giang xuất khẩu.
“Với mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng này, địa phương cũng đang rất kỳ vọng khi dự án thành công, sẽ giúp bà con có thu nhập ổn định và là cơ hội để người dân Mường Lý thoát nghèo”, ông Tùng chia sẻ thêm.
Theo UBND huyện Mường Lát, cùng với từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện Nghị quyết 11, huyện đã phát huy hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025. Năm 2024, huyện đã huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 968,5 tỷ đồng. Trong phát triển kinh tế, huyện xác định vấn đề quan trọng nhất là thay đổi tư duy, nhận thức, nếp nghĩ, cách làm của bà con. Đến nay, đa phần người dân đã thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm, tự lực vươn lên phát triển kinh tế.
Trên địa bàn huyện xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả mang lại kinh tế cao cho người dân, như: Mô hình trồng sắn gắn liên kết bao tiêu sản phẩm, tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản, vịt siêu trứng, nuôi ếch thương phẩm, chăn nuôi bò sinh sản giống địa phương, trồng cây trẩu, trồng dưa hấu... Hội Phụ nữ huyện Mường Lát phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện hiệu quả 17 mô hình phát triển kinh tế; các mô hình đã tạo sinh kế, hỗ trợ cho các gia đình phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.
Theo ông Triệu Minh Xiết, Bí thư Huyện ủy Mường Lát, Nghị quyết 11 xác định: Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 10,2% trở lên; huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 3.500 tỉ đồng; tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 7%. Đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng... Mục tiêu đến năm 2045, kinh tế - xã hội, thu nhập bình quân đầu người của huyện Mường Lát đạt mức bình quân các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Mường Lát có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện ước đạt 28,9 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 25,85%; huyện không còn tình trạng trắng xã nông thôn mới khi xã Mường Chanh được công nhận xã nông thôn mới.
Có thể khẳng định Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy Thanh Hóa như một "luồng gió mới", tạo cú hích tinh thần rất lớn để địa phương phát huy hết tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển, quyết tâm tới năm 2030 đưa Mường Lát thoát nghèo"./.
Khiếu Tư - Việt Hoàng