Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đang khuyến cáo nhà vườn trồng cam sành tuyệt đối không tự ý mở rộng thêm diện tích, đồng thời chuyển đổi sang cây trồng khác để nâng cao hiệu quả sản xuất. Nguyên nhân là nhiều năm trở lại đây, người trồng cam liên tục bị thua lỗ do giá cam thường xuyên đứng ở mức thấp.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Trần Trường Giang cho rằng, qua khảo sát, diện tích trồng cam cả nước hiện nay rất lớn, trên 100.000 ha; trong đó, nhiều địa phương sản xuất quy mô lớn, tập trung nên giá thành sản xuất rất thấp. Cùng với đó, nhiều diện tích trồng ở các tỉnh, thành theo chuẩn hữu cơ, VietGAP nên cam sành Trà Vinh rất khó cạnh tranh được trên thị trường.
Ngành nông nghiệp Trà Vinh khuyến nghị người dân có thể chuyển đổi sang trồng dừa với những vùng đất phù hợp. Trường hợp chưa muốn chuyển đổi thì nên sản xuất theo quy trình hữu cơ, VietGAP gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh tiếp tục theo dõi, nghiên cứu, cung cấp thông tin định hướng sản xuất cho bà con; đồng thời hỗ trợ tìm kiếm thêm thị trường liên kết tìm đầu ra cho bà con trong thời gian tới.
Tỉnh Trà Vinh hiện tại có trên 3.400 ha trồng cam sành. Huyện Cầu Kè là địa phương có diện tích trồng cam nhiều nhất với trên 2.600 ha cam sành, tăng khoảng 1.200 ha so với năm 2018. Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè Diêu Hùng Thắng cho biết, trước đây, nhà vườn trồng cam sành đạt lợi nhuận rất cao. Nhiều năm liền giá cam sành ở mức từ 18.000 - 30.000 đồng/kg, mang lại lợi nhuận bình quân 1 tỷ đồng/ha/năm. Từ năm 2015-2019, tuy giá cam giảm nhưng cũng đứng ở mức từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, với năng suất trung bình khoảng 60 tấn/ha/năm, người trồng cam cũng đạt lợi nhuận từ 600 - 900 triệu đồng/ha/năm.
Do lợi nhuận hấp dẫn nên nhà vườn trong và ngoài tỉnh liên tục mở rộng diện tích trồng cam. Trong khi đó, quả cam sành ở Trà Vinh hiện chưa có thị trường xuất khẩu, chủ yếu bán tươi ở nội địa. Địa phương cũng không có doanh nghiệp thu mua cam sành để chế biến sâu. Vì vậy dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, giá cam thường xuyên ở mức thấp.
Khoảng 3 năm trở lại đây, giá cam sành ở Trà Vinh thường xuyên đứng ở mức 3.000 - 5.000 đồng/kg, trong khi chi phí sản xuất mỗi kg cam sành khoảng 8.000 đồng/kg. Với giá bán này, tính theo năng suất bình quân 60 tấn/ha/năm, sau một năm sản xuất nhà vườn thua lỗ trên 250 triệu đồng.
Đối với những nhà vườn thuê đất để trồng thì chi phí sản xuất còn phát sinh thêm từ 60 - 100 triệu đồng/ha/năm; kéo theo mức thua lỗ lên đến trên 300 triệu đồng/năm. Theo thống kê, hiện nay, toàn huyện có 255 hộ dân vay vốn để trồng cam sành, với tổng dư nợ khoảng 83 tỷ đồng; tập trung chủ yếu ở các xã Thạnh Phú, Thông Hòa, Tam Ngãi, Châu Điền…
Trước tình hình trên, chính quyền địa phương khuyến cáo người dân không chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cam; các vườn cam hiện tại nên sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ để nâng cao chất lượng quả cam sành, đủ điều kiện để tìm thị trường xuất khẩu. Huyện cũng tích cực kêu gọi đầu tư, kết nối giữa doanh nghiệp và nông dân từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững. Đồng thời, chú trọng việc dự báo thị trường về cung cầu hàng hóa; đây là cơ sở để giúp nông dân điều chỉnh hướng sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, địa phương đẩy mạnh tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, quy hoạch lại vùng sản xuất với quy mô lớn, sản xuất hàng hóa tập trung đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra.
Ông Thạch Rane, xã Phong Phú, huyện Cầu Kè chuyển đổi 4 ha đất trồng cam sành sang trồng dừa sáp cấy phôi 3 năm nay. Theo ông Rane, gia đình ông trồng cam từ năm 2013, đến năm 2015 cam bắt đầu cho trái. Giai đoạn 2015-2019, tuy giá cam giảm nhưng cũng dao động ở mức từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, nên vườn cam này cho lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/ha/năm.
Nhận thấy giá cam sành ngày càng giảm nên năm 2021, gia đình ông Rane mạnh dạn cải tạo đất, đầu tư chuyển đổi sang trồng dừa sáp cấy phôi. Ông mua 1.000 cây giống dừa sáp cấy phôi của Trường đại học Trà Vinh trồng sau 2,5 năm, dừa sáp cho thu hoạch. Hiện nay, mỗi tháng vườn dừa này cho thu hoạch 4 lần khoảng 1.500 quả, với giá bán từ 35.000 - 85.000 đồng/quả tùy loại sáp như hiện nay, gia đình ông có thu nhập khoảng 60 triệu đồng. Ông Rane tính toán, thêm 1 năm nữa vườn dừa sáp này sẽ cho năng suất ổn định, cao gấp 4 lần so với hiện nay; đồng nghĩa với thu nhập gia đình ông sẽ đạt hơn 200 triệu đồng/tháng từ vườn dừa sáp này.
Thanh Hòa