Ông Nguyễn Quang Thuân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, thời gian tới, ngành tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xây dựng thêm các chính sách hỗ trợ lao động, đặc biệt là về cho vay vốn để mở rộng sản xuất hoặc tái hòa nhập sau khi lao động về nước. Các doanh nghiệp đưa người đi lao động ở nước ngoài sẽ được giám sát chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Đồng thời, Sở phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh tại thị trường lao động nước ngoài, bảo vệ quyền lợi người lao động. Tỉnh tiếp tục trao đổi với các doanh nghiệp để khai thác thêm thị trường tiềm năng, phát triển ngành nghề chất lượng cao, phù hợp với xu hướng hiện đại.
Thị xã Buôn Hồ là một địa phương điển hình với việc ký kết chương trình phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh để thực hiện hiệu quả việc tư vấn, tuyên truyền, triển khai nhiệm vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, Sở đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức tư vấn sớm cho quân nhân sắp hoàn thành nghĩa vụ quân sự, giúp họ chuẩn bị tốt hơn để tham gia vào thị trường lao động ở nước ngoài.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số và các hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ như chi phí học nghề, học ngoại ngữ và hoàn thiện các thủ tục cần thiết. Mức hỗ trợ trung bình từ 12-16 triệu đồng/người này đã giúp giảm đáng kể gánh nặng tài chính cho các gia đình. Bên cạnh đó, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh thường xuyên phối hợp để đào tạo, cấp chứng chỉ nghề, giúp người lao động đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường lao động quốc tế.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, hiện nay, ngoài các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), tỉnh Đắk Lắk đã mở rộng sang các thị trường mới như Đức, Australia... với các ngành nghề đa dạng như nông nghiệp chất lượng cao, công nghiệp và chăm sóc sức khỏe. Đây là những lĩnh vực phù hợp với điều kiện và năng lực của lao động Đắk Lắk. Tỉnh xác định đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ giải quyết được hai vấn đề chính: Nâng cao trình độ, kỹ năng và tác phong làm việc của lao động; tích lũy được nguồn vốn để khi về nước, người lao động có thể tự tạo việc làm hoặc tham gia vào các ngành sản xuất tại địa phương.
Năm 2024, Đắk Lắk đã đạt được nhiều thành công trong việc đưa người đi lao động ở nước ngoài, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra và mở rộng thị trường việc làm ra nhiều quốc gia. Với sự đồng hành của các cấp, ngành và chính sách hỗ trợ thiết thực, tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng lao động, mở ra thêm nhiều cơ hội việc làm bền vững cho người dân. Trong năm 2024, tỉnh đã đưa hơn 1.710 lao động đi làm việc tại nước ngoài (chưa tính số lao động thời vụ), vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Con số này cho thấy sự khởi sắc trong bức tranh tổng thể về giải quyết việc làm của tỉnh. Đáng chú ý, công tác tuyên truyền và tư vấn được triển khai đồng bộ, từ các thôn, buôn đến các cấp huyện, thị xã.
Nguyên Dung