Với hương vị thơm ngon đặc trưng và chất lượng vượt trội, cam giòn Thượng Lộc - đặc sản của vùng trà sơn huyện Can Lộc, Hà Tĩnh đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng. Dù giá thành cao, nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để sở hữu loại quả đặc sản này. Thời điểm Tết Nguyên Đán 2025 cũng là lúc cam Thượng Lộc vào độ ngọt đậm, các nhà vườn tất bật thu hoạch cam phục vụ thị trường Tết.
Xã Thượng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) từ lâu được biết đến là “thủ phủ” của giống cam giòn tại Hà Tĩnh. Thời điểm này, cam đã chín ửng, nhuộm vàng rực khắp các sườn đồi tại vùng Trà Sơn Can Lộc. Các nhà vườn đã bắt đầu cắt hái bán cho các thương lái trong và ngoại tỉnh.
Trang trại cam của gia đình bà Phan Thị Hiền ( Hợp tác xã cam Thanh Hiền, thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc) hiện có 2,5ha trồng cam, riêng diện tích cây cam giòn chiếm 2/3 với khoảng 1.000 gốc. Năm nay, cùng với sự chăm sóc chu đáo của gia đình cùng với thời tiết thuận lợi nên vườn cam của hợp tác xã Thanh Hiền cho năng suất cao, với khoảng 50 tấn cam; trong đó, sản lượng cam giòn ước tính đạt 30 tấn, còn lại là cam chanh. Với diện tích này, gia đình bà Hiền dự tính thu về khoảng hơn 2 tỷ đồng.
Bà Phan Thị Hiền, Chủ hợp tác xã cam Thanh Hiền cho biết, từ đầu vụ đến nay, gia đình bà đã cắt bán được khoảng 20 tấn cam các loại. Cam đang vào giai đoạn chính vụ, giá ổn định; trong đó, cam giòn có giá từ 60.000 đồng/kg còn cam chanh bán ra từ 35.000 đồng/kg. Thời điểm cận Tết giá cam giòn sẽ cao hơn, như Tết Nguyên đán 2024, giá cam giòn khoảng 150.000 đồng/kg nhưng vẫn không có bán. Tuy nhiên năm nay cam được mùa nên nguồn cung dồi dào hơn, giá cam giòn dự kiến sẽ giảm hơn so với năm ngoái.
Cam giòn Thượng Lộc được thu hoạch từ tháng 10 đến hết tháng 12 âm lịch. Khác với giống cam chanh, cam giòn quả nhỏ hơn, vỏ vàng ươm bắt mắt, tép giòn, mọng nước. Đặc biệt vị ngọt của giống cam giòn vượt trội hơn hẳn so với các dòng cam chanh, vì vậy, lâu nay cam giòn được biết đến nhiều hơn và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Cách vườn cam của bà Phan Thị Hiền không xa là vườn cam của gia đình chị Dương Thị Mai (thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc) cũng đang chín vàng chờ thu hoạch. Để những cây cam không bị gãy cành do “quá tải”, vợ chồng chị phải dùng những thân cây cứng cáp, cột dây chằng chống. Nhiều cây sai quả, phải cần đến chục cột chống làm giá đỡ.
“Trung bình một cây cam cho 2-2,5 tạ quả/năm, những gốc cam đầu dòng có khi lên đến 3 tạ quả/cây. Sản lượng cam năm nay sẽ cao hơn năm ngoái khoảng 10 tấn do những lứa cây bói đã cho chính vụ. Ngoài ra, thời tiết thuận lợi, nhiều nắng, ít mưa khiến cam cho năng suất, chất lượng cao và ít rụng hơn những năm trước”, chị Mai phấn khởi.
Trang trại trồng cam của gia đình chị có khoảng 2.000 gốc trên diện tích 4 ha. Ước tính vụ mùa này, trang trại cam của gia đình chị cho sản lượng khoảng 40 tấn, doanh thu hơn 1,2 tỷ đồng, lợi nhuận cao hơn khoảng 30% so với mùa vụ năm ngoái.
Ngoài bán tại vườn, những năm gần đây, các nhà vườn còn tận dụng các kênh bán hàng qua mạng xã hội như: Zalo, Facebook để quảng bá và giao dịch sản phẩm. Với giá bán cùng sản lượng đạt cao, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Thượng Lộc đang tiến hành chuyển đổi hoặc tăng thêm diện tích trồng cam giòn.
Theo ông Nguyễn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, cây cam được coi là cây trồng chủ lực tại xã Thượng Lộc. Toàn xã có 500 hộ trồng cam với diện tích khoảng 236 ha bao gồm cam chanh và cam giòn; trong đó, cam giòn chiếm diện tích hơn 50%, tập trung chủ yếu ở các thôn Anh Hùng, Thanh Mỹ, Nam Phong, Sơn Bình… Theo đánh giá, vụ cam năm nay ước tính, sản lượng cam của xã Thượng Lộc sẽ đạt trên 2.000 tấn, mang lại giá trị kinh tế gần khoảng 60 tỷ đồng.
Hoàng Ngà