Trong những ngày qua, cùng với băng giá, sương muối cường độ mạnh diễn ra liên tục tại Lào Cai gây nhiều bất lợi cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là với cây trồng vụ Đông Xuân và cây hoa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Nông dân Lào Cai đang tích cực triển khai các giải pháp phòng, chống rét và sương muối giúp cây sinh trưởng phát triển khỏe mạnh nhằm giảm thiểu thiệt hại do rét hại gây ra, để đảm bảo nguồn cung phục vụ Tết.
Bám đồng, chăm sóc cây trồng
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã trồng cấy được trên 5.470 ha diện tích cây trồng vụ Đông Xuân. Các địa phương đã tăng cường các biện pháp chăm sóc để cây trồng sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, tăng sức chống chịu với điều kiện thời tiết rét hại và sương muối.
Bất chấp thời tiết rét đậm, rét hại, nhiệt độ xuống sâu chỉ còn 8-10 độ C, nông dân Lào Cai vẫn tích cực bám đồng chăm sóc, theo dõi cây trồng nhằm có biện pháp khắc phục kịp thời. Những ngày này, ông Lương Văn Sơn, thôn Luổng Láo, xã Cốc San, thành phố Lào Cai thường thăm ruộng từ sớm để kiểm tra tình hình sương muối. Nhà ông có khoảng 2 ha rau màu gồm: cải kale, cải bó xôi, hành lá, rau múi, su hào, bắp cải... Ông cho biết, sương muối xuất hiện với cường độ nhẹ như hôm nay (13/1) thì chỉ cần đợi nắng lên tan giá sau đó kịp thời phun nước rửa trôi là sẽ không ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Nếu sương muối dày đặc, gia đình phải dựng giàn lưới phòng, chống rét cho hoa màu.
Nắng vừa lên, bà Hoàng Thị Thủy, thôn Luống Láo đã nhanh chóng xịt nước tưới trên mặt lá cho ruộng rau của gia đình để hạn chế tác hại của sương muối thời, đồng thời bón phân kali giúp cây rau màu tăng khả năng chống rét. Bà Thủy cho biết, cây trồng trong vụ Đông chủ yếu là nhóm cây ưa lạnh nên nền nhiệt xuống thấp ít gây ảnh hưởng đến cây trồng. Tuy nhiên, với nhóm cây có sức chống chịu kém hơn ở điều kiện thời tiết khắc nghiệt như các loại cây họ bí, cà chua... đòi hỏi người dân phải tưới đủ ẩm theo nhu cầu dinh dưỡng của từng loại cây trong những ngày rét đậm. Bón thêm kali, phân lân hoặc tưới một số chế phẩm sinh học để cây khỏe mạnh tăng cường khả năng chống rét.
Trong đợt rét này, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường đã có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh tới người dân về diễn biến của thời tiết, khí hậu để chủ động phòng, chống rét cho cây trồng.
Theo đó, đối với rau màu đã đến kỳ thu hoạch cần khẩn trương thu hoạch dứt điểm; tưới nước đủ cho cây trồng trong những ngày rét đậm, rét hại, sương muối; tuyệt đối không gieo hạt vào những ngày nhiệt độ dưới 13 độ C. Cơ quan chức năng khuyến khích sử dụng nilon phủ luống, rơm rạ tủ gốc; làm vòm che, nhà màng, nhà lưới cho sản xuất rau. Đồng thời, tăng cường các biện pháp chăm sóc, bón phân đầy đủ, cân đối để cây phát triển khỏe mạnh, tăng cường khả năng chống rét cho cây trồng. Các địa phương chủ động phương án gieo trồng, chuẩn bị nguồn giống dự trữ, điều chỉnh mùa vụ, tăng vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp; chuyển đổi cây trồng thích ứng với tình hình thiên tai nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do rét hại, sương muối gây ra.
Cây trồng vụ Đông những năm qua đem lại nhiều giá trị kinh tế, mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân nhờ tích cực sử dụng giống cây trồng phù hợp, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, đưa máy móc, thiết bị vào sản xuất và công tác phòng, chống rét hại được thực hiện tích cực, hiệu quả. Giá trị sản xuất bình quân đạt 130,5 triệu đồng/ha canh tác. Một số cây trồng có giá trị sản xuất cao có thể kể đến như: các loại hoa cắt cành, bình quân đạt trên 799 triệu đồng/ha (riêng hoa ly 1,1 tỷ đồng/ha); khoai tây đạt hơn 176 triệu đồng/ha; rau đạt gần 146 triệu đồng/ha…
Chợ địa lan lớn nhất Tây Bắc
Đối với những hộ dân trồng địa lan Trần Mộng Sa Pa phục vụ thị trường Tết, công tác phòng chống rét cho loại cây có giá trị kinh tế cao này luôn được ưu tiên hàng đầu. Giống địa lan Trần Mộng Sa Pa nếu chăm sóc, bảo vệ không tốt, khi gặp sương muối, băng tuyết kéo dài thì sẽ bị thối nõn, sun hoa không thể bán được. Do đó, người Sa Pa đã có sáng kiến đưa lan xuống vùng thấp Lào Cai nơi có thời tiết ấm hơn để tránh rét.
Dọc Quốc lộ 4D đoạn từ thành phố Lào Cai đi thị xã Sa Pa thời điểm này có tới gần trăm vườn địa lan lớn nhỏ của các nhà vườn Sa Pa thuê mặt bằng đưa lan "hạ sơn" biến nơi đây thành chợ hoa địa lan lớn nhất vùng Tây Bắc. Nơi được bà con chọn sơ tán hàng vạn chậu hoa địa lan Trần Mộng có giá trị kinh tế cao xuống tránh rét hại là các xã Cốc San, Đồng Tuyển (thành phố Lào Cai) và xã Tòng Sành (huyện Bát Xát).
Trước Tết nguyên đán 2 tháng, gia đình anh Vàng Văn Sinh, xã Tả Phìn tất bật với việc đưa các chậu lan đi tránh rét. Năm nay, để di chuyển 200 chậu lan xuống xã Cốc San, cách nhà chừng 40 cây số, anh Sinh phải thuê thêm nhân công phụ giúp. Tuy có vất vả và chi phí tăng lên nhưng cách làm này sẽ giúp giảm thiệt hại cây trồng do sương muối và đảm bảo hoa lan nở đúng dịp Tết.
Để đảm bảo cho cây trồng thích nghi với điều kiện khí hậu tại khu vực được di chuyển tới, anh Sinh đã chủ động đảm bảo dinh dưỡng, nguồn nước cũng như quây bạt chống sương muối, băng giá và các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho cây trồng. Bản thân anh cũng dựng lán ngay tại vườn để tiện cho việc trông coi và chăm sóc cây. Anh Sinh chia sẻ: "Ở Tả Phìn rét quá, nên hoa co lại, nở xấu. Xuống đây thời tiết ấm, hoa nở sáng hơn, đẹp hơn".
Anh Giàng A Tráng, ở thôn Can Ngài, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa cho biết: "Băng giá sẽ làm hỏng hết hoa, vì vậy tôi phải chuyển cây lan xuống vùng thấp. Hôm nào trời sương mù thì 1 ngày xịt nước 2 lần cho lá và hoa xanh. Khi hoa nở thì chặt hết lá vàng, củ già đi cho cây đẹp khách mới mua".
Theo ông Trần Mạnh Hùng, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sa Pa, việc di chuyển địa lan tránh rét nhằm là điều tiết hoa nở đúng dịp tết Nguyên đán. Ngành khuyến cáo người dân trong thời tiết rét đậm, rét hại thì sẽ dùng các loại nilon để che chắn tránh sương muối và tăng cường bón các loại phân vi sinh, phân hữu cơ".
Thị xã Sa Pa hiện có khoảng 100.000 chậu địa lan, chủ yếu là giống Trần Mộng. Ngoài ra, một số hộ bắt đầu đưa các giống mới như địa lan vàng hoàng hậu, địa lan Sato… vào trồng. Dự kiến dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Sa Pa có khoảng 40.000 chậu lan đủ điều kiện cung cấp ra thị trường. Nếu giá bán ổn định và sức tiêu thụ tốt, người trồng lan Sa Pa có thể thu về vài chục tỷ đồng từ vụ hoa Tết.
Hương Thu