Dù đã nghỉ hưu nhưng ông Trần Phú Lộc, 71 tuổi, chủ cơ sở Hồng treo Phú Lộc, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng vẫn quyết tâm “du học” tự túc để tìm hiểu công nghệ làm hồng treo của người Nhật. Ông cũng là một trong những người đầu tiên thành công khi ứng dụng công nghệ này, góp phần nâng tầm cho quả hồng Đà Lạt.
"Du học" ở tuổi lục tuần
Những ngày cuối năm Âm lịch Giáp Thìn, vườn hồng tại khu vực đầu đèo Prenn (Phường 3, thành phố Đà Lạt) của gia đình ông Trần Phú Lộc vẫn tấp nập khách tham quan. Những cây hồng vuông Tám Hải cuối mùa vẫn trĩu quả, đổ màu vàng rực như sưởi ấm mùa đông Đà Lạt.
Vừa hướng dẫn khách xuống vườn, ông Lộc hồ hởi cho biết: Vườn hồng này ông để cho khách tự do vào tham quan chụp hình thoải mái trước khi lên xưởng làm hồng treo gió. “Khi sang Nhật Bản tôi mới biết là họ không để cây hồng phát triển quá cao, các cành chỉ thấp ngang tầm với để khi thu hoạch có thể dùng tay để hái. Do đó giúp quả hồng không bị trầy xước vỏ ngoài, hay dập nát so với hái bằng sào, từ đó làm hồng treo sẽ ngon hơn” – ông Lộc nói.
Đó là bài học kinh nghiệm đầu tiên khi ông Lộc vừa đặt chân đến "Đất nước mặt trời mọc" để học hỏi công nghệ làm hồng treo gió vào năm 2013 – thời điểm ông vừa nghỉ hưu theo chế độ. Trong thời gian “du học” vỏn vẹn 15 ngày, ông cũng chăm chỉ ghi chép, quan sát từng công đoạn, bí quyết để người Nhật làm ra quả hồng vừa dẻo, vừa ngọt tự nhiên.
Để thể hiện quyết tâm “khởi nghiệp” ở tuổi hưu trí, ông Lộc còn thuê cả thông dịch viên đi cùng trong suốt những ngày lưu lại Nhật Bản. “Thời điểm tôi đi học làm hồng treo thì đã hết thời hạn hỗ trợ theo dự án nên mọi thứ đều phải tự túc. Rất may thông qua sự giới thiệu của một giảng viên Đại học Đà Lạt, tôi đã sang được Nhật Bản để học hỏi tường tận công nghệ làm hồng treo của họ” – ông Lộc kể lại.
“Tổng thiệt hại” cho chuyến du học tự túc gồm kinh phí đi lại, ăn ở, thông dịch viên hết khoảng 200 triệu đồng. Sau khi về nước, ông Lộc tiếp tục bỏ ra hàng tỷ đồng để đầu tư nhà xưởng, thiết bị kỹ thuật cho hành trình khởi nghiệp của mình. Do bắt đầu làm nên năm đầu tiên, ông Lộc chỉ đưa ra thị trường khoảng 1 tấn hồng treo gió thành phẩm. Tuy nhiên, tín hiệu rất vui là sản phẩm ông đưa ra đều được mọi người đón nhận, đánh giá cao.
Theo ông Lộc, do khác biệt về điều kiện khí hậu nên không thể áp dụng 100% “công thức” của người Nhật đối với quả hồng tại Đà Lạt. Do đó, dù tại Đà Lạt đã có nhiều người học làm theo kỹ thuật của Nhật nhưng số người thành công chưa nhiều, hoặc tỷ lệ hư hại còn rất cao. “Ngoài nhà màng nilon bọc kín để tránh côn trùng, tôi còn trang bị hệ thống quạt gió, máy hút ẩm công nghiệp để luôn duy trì độ ẩm dưới 70%, nhiệt độ từ 25 – 30 độ C. Đây là các chỉ số giống bên Nhật giúp cho quả hồng treo được ổn định chất lượng, hạn chế hư hại trong điều kiện tự nhiên của Đà Lạt” – ông Lộc chia sẻ.
Nâng tầm cho nông sản Đà Lạt
Trong mùa hồng năm nay, xưởng làm hồng treo gió Phú Lộc vẫn đều đặn các nhóm du khách đến tham quan, tìm mua đặc sản Đà Lạt, nhất là khi dịp Tết Nguyên đán đang cận kề. Vừa thích thú chụp ảnh cùng những cây hồng cuối mùa, bà Đoàn Tuyền (du khách Tiền Giang) cho biết: Bà biết vườn hồng Phú Lộc qua thông tin trên mạng nên tìm đến tận nơi để tham quan, chụp ảnh.
Khi được chứng kiến quy trình trồng, công nghệ làm hồng treo từ vườn đến nhà xưởng bà thấy rất thú vị và đảm bảo tiêu chuẩn. “Tôi dự định sẽ mua một ít hồng treo về làm quà cho người thân, bạn bè, nhất là dịp Tết sắp đến để mọi người có cơ hội thưởng thức đặc sản thơm ngọt của Đà Lạt” – bà Tuyền chia sẻ.
Với những thành công bước đầu, sản phẩm hồng treo gió của ông Trần Phú Lộc đã được thị trường ghi nhận, đồng thời giúp nâng tầm cho thương hiệu nông sản Đà Lạt. Sau khoảng 10 năm phát triển, sản phẩm hồng treo gió Phú Lộc của cơ sở cũng được xếp hạng OCOP 4 sao, là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia vào năm 2015.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND phường 3 (thành phố Đà Lạt), mô hình du lịch trải nghiệm vườn hồng của gia đình ông Lộc là một trong những mô hình nổi bật của địa phương. Thông qua mô hình đã góp phần quảng bá cho nông sản đặc sản của Đà Lạt, đồng thời mang lại giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với cách làm truyền thống như bán hồng tươi, hồng giòn và hồng sấy dẻo truyền thống.
Mùa hồng Đà Lạt chỉ kéo dài chừng nửa năm nên thời gian cao điểm sản xuất hồng sấy, hồng treo kéo dài khoảng 4 tháng, bắt đầu từ tháng 12 hàng năm đến khoảng tháng 3 năm sau. Hiện nay, hệ thống nhà xưởng của gia đình ông Lộc rộng gần 1.000 m2 với nhiều lao động làm việc từ việc phân loại quả đúng kích cỡ, độ cứng rồi sơ chế, gọt vỏ, khử trùng rồi treo lên giàn, đưa vào khu sấy gió đều đảm bảo theo quy trình tiêu chuẩn.
Sau khoảng 20 ngày, những mẻ hồng được thu hoạch, đóng gói, hút chân không để cung cấp cho người tiêu dùng ngay tại chỗ với mức giá từ 400.000 – 500.000 đồng mỗi kg (cao gấp đôi so với hồng sấy dẻo bằng than truyền thống của Đà Lạt). Đặc biệt mùa cận Tết như hiện nay thì nhiều khách hàng ở xa cũng đặt mua hồng treo gió về sử dụng hoặc biếu bạn bè, người thân, giúp cho đặc sản cao cấp Đà Lạt có cơ hội vươn đến những tỉnh, thành xa.
Nguyễn Dũng