Ngày 13/1, tọa đàm với chủ để “Phát thải khí mê-tan từ đồng lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long” đã diễn ra tại tỉnh Trà Vinh, thu hút gần 100 đại biểu là lãnh đạo ngành nông nghiệp, tài nguyên - môi trường, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngành hàng lúa gạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các viện, trường trong và ngoài nước tham dự.
Tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học đã giới thiệu đến đại biểu các nghiên cứu về giảm thiểu phát thải khí mê-tan từ những cánh đồng lúa, công cụ giám sát lúa gạo, thiết kế bản đồ phát thải khí mê - tan, cách đo mực nước và khí mê- tan phát thải…
Tiến sĩ Lê Toàn Thủy (Nhà khoa học Việt Nam sống tại Pháp) cho biết, khí mê - tan làm nóng lên khoảng 30 lần so với khí CO2 nên việc làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu, giảm thiểu phát thải khí mê - tan từ các hoạt động của con người được xem là chiến lược ngắn hạn, hiệu quả và ít tốn kém nhất. Bà Lê Toàn Thủy đã giới thiệu đến đại biểu các nghiên cứu viễn thám để mở rộng thông tin thu thập từ quan sát hiện trường và các thiết bị đo lường bằng công nghệ IoT trên vùng Đồng bằng sông Cửu Long; việc sử dụng dữ liệu quan sát Trái Đất bằng radar cho cây trồng nông nghiệp, vai trò của chúng trong việc giảm lượng carbon, mê - tan toàn cầu và ứng phó với biến đổi khí hậu…
Theo các nhà khoa học, với phương pháp canh tác truyền thống, cây lúa được tưới ngập nước liên tục trong suốt chu kỳ sinh trưởng. Điều này tạo môi trường yếm khí tăng cường quá trình phân huỷ chất hữu cơ, làm hình thành và giải phóng khí mê-tan. Tuy nhiên, phương pháp canh tác ngập nước không liên tục được chứng minh có thể làm giảm 40-50% lượng khí mê-tan phát thải và ít nhất 30% lượng nước sử dụng mà không làm ảnh hưởng đến năng suất lúa.
Để ước tính lượng khí mê-tan phát thải từ cánh đồng lúa và lập kế hoạch hành động tiếp theo nhằm giảm phát thải trên quy mô rộng lớn, nhu cầu về giải pháp có khả năng giám sát tình trạng ngập nước của quá trình canh tác lúa ở từng giai đoạn sinh trưởng là hết sức cần thiết.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Rynam Technologies VietNam giới thiệu hệ thống giám sát phát thải khí mê - tan trên ruộng lúa do đơn vị nghiên cứu. Đến nay, hệ thống này đã được đưa vào sử dụng tại 2 mô hình điểm thuộc Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến 2030” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai tại 2 Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài (xã Thanh Mỹ) và Hợp tác xã nông nghiệp Phước Hảo (xã Phước Hảo), huyện Châu Thành từ vụ Thu Đông 2024.
Ngoài 2 hệ thống được lắp đặt tại Trà Vinh, hệ thống cũng đã được lắp đặt tại cánh đồng lúa của tỉnh Kiên Giang và Tiền Giang. Đây là hệ thống sử dụng công nghệ đo và giám sát hoàn toàn tự động, theo dõi bằng điện thoại thông minh hoặc phần mềm trên máy tính. Sản phẩm cũng vừa đoạt giải top 10 sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Tất Đạt cho rằng, hiện nay, các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long đang nhân rộng mô hình theo Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến 2030”, hướng đến tham gia thị trường carbon ngành hàng này. Hầu hết nông dân đều mong muốn sản xuất lúa chất lượng cao để nâng cao chất lượng lúa hàng hóa, tăng thu nhập. Tuy nhiên khi bắt đầu triển khai, nhiều địa phương rất lúng túng về việc đánh giá, đo đạc tín chỉ carbon, lượng khí phát thải mê- tan…
Vì vậy, cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về đầu tư hạ tầng, cải thiện các giống lúa, hướng dẫn quy trình canh tác… thì việc nghiên cứu về phát thải khí mê-tan, cách đo đạc, giảm thiểu phát thải khí mê- tan từ những cánh đồng lúa đang rất cần thiết và cấp bách, đặc biệt là phải đảm bảo tính chính xác và ít tốn kém.
Thanh Hòa