Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam đánh giá, Dự án “Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng năm 2025” được triển khai trên địa bàn đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn, góp phần ứng dụng rộng rãi khoa học công nghệ nhằm tăng năng suất, sản lượng lúa, tăng thêm giá trị gia tăng và thu nhập cho nông dân so với sản xuất truyền thống, đồng thời nâng cao sức cạn h tranh của ngành hàng lúa gạo, thích ứng biến đổi khí hậu vừa bảo vệ môi sinh, môi trường.
Theo đó, từ 4 điểm trình diễn với qui mô 36 ha tại 4 huyện trồng lúa trọng điểm của tỉnh gồm huyện Cái Bè, Cai Lậy, Gò Công Tây, Gò Công Đông ban đầu vào năm 2018, qua hơn 6 năm triển khai dự án, Tiền Giang đã mở rộng diện tích vùng lúa ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa lên gần 14.000 ha. Địa phương đang phấn đấu trong năm 2025, mở rộng diện tích lúa ứng dụng công nghệ cao lên khoảng 15.400 ha.
Trong vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao, đồng ruộng được điều tiết nước tự động thông qua hệ thống cảm biến và hệ điều hành thông minh trong quản lý nước, phân bón, thiết kế và sử dụng phần mềm quản lý ứng dụng trên điện thoại thông minh… Mặt khác, áp dụng sạ hoăc cấy bằng máy 3 trong 1 với 3 chức năng: cấy lúa, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật; sử dụng phân bón thông minh (bón phân 1 lần cho cả vụ lúa); đồng thời áp dụng đồng bộ giải pháp về giống lúa và bảo vệ thực vật để nâng cao chất lượng lúa gạo và đảm bảo an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Quá trình thâm canh, nông dân được hướng dẫn áp dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến: 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm; quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng phân bón và vật tư nông nghiệp có nguồn gốc sinh học, hữu cơ…
Để hỗ trợ nông dân áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, Tiền Giang đầu tư trên 112 tỷ đồng vốn ngân sách trang bị các máy cấy 3 trong 1; mua sắm hệ thống công nghệ cao gồm thiết bị cảm biến đo mực nước trên kênh rạch, bộ cảm biến canh tác ướt khô xen kẽ, phần mềm quản lý trung tâm cho các hợp tác xã trong vùng dự án; chi phí tập huấn, đào tạo cán bộ, hội thảo đầu bờ và xây dựng các điểm trình diễn…Ngoài ra, từ nguồn vốn đối ứng của các tổ chức tập thể, cá nhân, nông hộ hưởng lợi trong vùng đóng góp thêm trên 2.220 tỷ đồng thực hiện dự án.
Theo ông Trần Hoàng Nhật Nam, qua theo dõi và đánh giá thực tế, lúa trong mô hình ứng dụng công nghệ cao đạt năng suất tăng thêm bình quân từ 3 đến 4 tạ/ha, lợi nhuận tăng thêm bình quân 4 triệu đồng/ha nhờ giảm chi phí về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Tính chung, nông dân áp dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa gạo đạt lợi nhuận bình quân trên 40 triệu đồng/ha/năm, tăng gần 10 triệu đồng so với sản xuất truyền thống.
Ngoài ra, dự án còn mang lại những hiệu quả lớn về xã hội và môi trường, cụ thể là góp phần thúc đẩy nông dân sản xuất lúa theo hướng nông nghiệp tiên tiến, hiệu quả và bền vững, nâng cao trình độ canh tác cho bà con, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống người trồng lúa, nông sản hàng hóa đảm bảo an toàn về chất lượng, vệ sinh thực phẩm.
Mô hình ứng dụng công nghệ cao giúp giảm ô nhiễm, cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng vừa thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai từ đó, từng bước hình thành nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt là trên lĩnh vực sản xuất lúa gạo vốn thế mạnh của tỉnh Tiền Giang hiện nay. Đây cũng là tiền đề thuận lợi, là cơ sở khoa học để tỉnh Tiền Giang tiếp tục triển khai thực hiện vùng trồng lúa chất lượng cao, giảm phát thải quy mô 29.500 ha theo Đề án 1 triệu ha lúa đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.
Minh Trí