Tiền Giang có 75% diện tích rau màu lắp hệ thống tưới tự động tiết kiệm nước

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam, Tiền Giang phát triển tiềm năng và thế mạnh ngành hàng trồng rau màu thực phẩm theo hướng quy hoạch các vùng sản xuất tập trung cho sản lượng hàng hóa lớn, phát triển kinh tế hợp tác trên lĩnh vực trồng rau màu, tập hợp nông dân và liên kết theo mô hình chuỗi giá trị, giải quyết đầu ra cho nông sản đồng thời với chuyển giao khoa học công nghệ giúp tăng năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản hàng hóa cũng như nhân rộng các mô hình trồng rau màu hiệu quả trong nông dân.

vna_potal_mo_hinh_tuoi_tiet_kiem_nuoc_giup_nong_dan_tien_giang_ung_pho_voi_han_man_7309081.jpg
Mô hình tưới phun sương, tiết kiệm nước ở vùng chuyên canh rau ăn lá ở xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Hữu Chí - TTXVN

Trong đó, các vùng sản xuất trọng tâm là vùng ngọt hóa Gò Công phía Đông tỉnh, vành đai rau xanh ven thành phố Mỹ Tho trung tâm tỉnh và vùng kiểm soát lũ phía Tây.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 75% diện tích rau màu lắp đặt hệ thống tưới tự động tiết kiệm nước, hàng trăm nhà màng với diện tích bình quân từ 500 m2 đến 1.000 m3/nhà màng trồng rau an toàn chuyên trồng dưa lưới, rau ăn quả, rau thủy canh với chế độ nước và dinh dưỡng hồi lưu, trên 120 nhà lưới tổng diện tích khoảng 10 ha chuyên trồng các loại rau màu thực phẩm theo tiêu chí VietGAP hoặc an toàn. Ngoài ra, địa phương cũng xây dựng được vùng trồng rau an toàn 500 ha với diện tích gieo trồng cả năm đạt 4.000 ha.

Trong nỗ lực chuyển giao khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả thâm canh rau màu, trong giai đoạn 2022 - 2023, Tiền Giang triển khai Dự án “Ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp nhà màng trong sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố Gò Công” mang lại kết quả khả quan, góp phần đa dạng chủng loại cây trồng trong nhà màng, nâng cao hiệu quả kinh tế vừa phát triển bền vững ngành trồng rau màu theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu tại địa phương.

Toàn tỉnh đã thành lập được hàng chục hợp tác xã chuyên canh rau tại các địa bàn trọng điểm như: vùng ngọt hóa Gò Công, vùng trung tâm tỉnh, vùng kiểm soát lũ phía Tây,… thu hút hàng ngàn thành viên các vùng chuyên canh rau. Điển hình như: Hợp tác xã rau an toàn Thạnh Hưng (Gò Công Tây), Hợp tác xã nông nghiệp thương mại dịch vụ Phú Quới (Gò Công Tây), Hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp Hòa Thạnh (Gò Công Tây), Hợp tác xã rau an toàn Bình Nghị (Gò Công Đông), Hợp tác xã rau an toàn Tân Đông (Gò Công Đông)…

Mạng lưới các hợp tác xã đã tăng cường ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các siêu thị, các chợ đầu mối trong ngoài tỉnh như: Metro, Mega Market, Bách hóa Xanh, … nhằm liên kết sản xuất, giải quyết đầu ra cho sản phẩm của nông dân Trung bình, mỗi hợp tác xã cung cấp cho các đầu mối liên kết tiêu thụ từ 5 đến 7 tấn rau/ ngày. Nhờ vậy, nông dân an tâm tổ chức sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Huyện Cai Lậy nằm trong vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh quan tâm đưa cây màu xuống chân ruộng trong các mô hình luân canh, xen canh theo hướng “chung sống với lũ” và thích ứng biến đổi khí hậu. Trong 10 tháng qua, nông dân trong huyện Cai Lậy đã trồng được trên 2.000 ha rau màu các loại, đạt gần 97% chỉ tiêu cả năm. Bà con đã thu hoạch đạt sản lượng gần 40.000 tấn rau màu thương phẩm.

Gò Công Tây là một trong những địa bàn trọng điểm về trồng rau màu tại khu vực phía Đông tỉnh Tiền Giang. Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Huỳnh Thanh Bình cho biết, trong nỗ lực phát huy tiềm năng và thế mạnh ngành hàng rau màu theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, huyện quy hoạch các vùng sản xuất rau tập trung tại các xã Bình Tân, Yên Luông, Thạnh Trị, Long Bình, Vĩnh Hựu, Bình Nhì…. Đồng thời còn thành lập được nhiều hợp tác xã chuyên canh rau màu theo ngưỡng an toàn tập hợp nông dân như: Hợp tác xã nông nghiệp – dịch vụ Thạnh Hưng (Thạnh Tri), Hợp tác xã nông nghiệp thương mại dịch vụ Phú Quới (Yên Luông), Hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp Hòa Thạnh (Bình Tân).

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2024, nông dân địa phương trồng được gần 52.000 ha rau màu các loại, đạt gần 95% chỉ tiêu cả năm. Trước mắt, bà con đã thu hoạch được gần 49.000 ha với sản lượng cung ứng cho nhu cầu thị trường trên 1.057.000 tấn sản phẩm, đạt trên 88% chỉ tiêu cả năm.

Thực tế cho thấy, với vòng quay từ 8 – 10 vòng/năm, trung bình mỗi năm, nông dân trồng rau màu ở Tiền Giang đạt lợi nhuận từ 120 triệu đồng đến 150 triệu đồng/ha, cao gấp 2 – 3 lần trồng lúa năng suất cao. Nhờ trồng rau màu, nhiều hộ nông dân đã vượt khó, thoát nghèo và tạo dựng cơ nghiệp vững bền. Do vậy, rau màu đang dần trở thành một trong những cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế, thiết thực mở ra hướng phát triển bền vững tại những địa bàn canh tác khó khăn, thường xuyên đối mặt thiên tai hạn – mặn, lũ lụt ở tỉnh Tiền Giang hôm nay.

Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm