Kon Tum ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm gần 17.000 ha cây trồng

Kon Tum ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm gần 17.000 ha cây trồng

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam đang chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhất là hạn hán, gây ra tình trạng thiếu nước cho cây trồng cạn. Vì vậy, việc áp dụng mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đang là một trong những giải pháp khắc phục nhằm nâng cao giá trị sản xuất và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tại tỉnh Kon Tum, việc ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm gần 17.000 ha cây trồng đã giúp người nông dân giảm được đáng kể chi phí sản xuất, giảm tình trạng thiếu nước cho cây trồng trong mùa khô, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị sản xuất cho bà con nông dân.

Kon Tum ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm gần 17.000 ha cây trồng ảnh 1Diện tích cây sầu riêng của Hợp tác xã Nông nghiệp, Thương mại và Dịch vụ Ia Chim (Kon Tum) được ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm giúp giảm chi phí. Ảnh: Dư Toán -TTXVN

Ia H’Drai là địa phương có nguy cơ xuất hiện nắng nóng, hạn hán lớn nhất của tỉnh Kon Tum. Do vị trí địa lý gần biên giới, cùng điều kiện thổ nhưỡng chủ yếu là đất cát, cát pha sét nên không giữ được nước, khi nắng nóng dễ gây thoát nước, cây trồng thiếu nước tưới. Chính vì vậy, việc ứng dụng tưới tiết kiệm vào sản xuất là giải pháp mang tính căn cơ giúp người dân ngăn chặn tình trạng thiếu nước xảy ra cho cây trồng.

Ông Đỗ Văn Tuấn Anh, thôn 8, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai là một trong số những hộ nông dân đầu tiên của huyện Ia H’Drai ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm vào sản xuất nông nghiệp. Nhận thấy tiềm năng lớn của Ia H’Drai về phát triển cây ăn quả, năm 2017, ông Tuấn Anh quyết định đầu tư, trồng 12 ha sầu riêng với các giống như Thái, Musang King, Ri6… Toàn bộ diện tích sầu riêng, ông đều áp dụng biện pháp tưới tiên tiến, tưới béc. Nhờ đó, nước được tưới đều hơn, năng suất, chất lượng sầu riêng cũng tăng cao, chi phí nhân công giảm đi đáng kể.

“Tôi đầu tư béc tưới này khoảng 25 triệu đồng/ha. Tưới tự động giúp tôi giảm được khoảng 50% chi phí nhân công. Ngoài ra, tôi cũng trồng thêm cỏ thảm để giữ nước, cứ 4 ngày tôi tưới một lần, không cần tốn quá nhiều công sức, chỉ cần thao tác cầu dao là xong. Năm ngoái tôi thu bói được hơn 7 tấn sầu riêng, năm nay dự kiến thu được khoảng 50 tấn. Với giá sầu riêng như năm ngoái là 45.000 đồng/kg thì tôi cũng có lợi nhuận khoảng 2/3 tổng doanh thu”, ông Tuấn Anh chia sẻ.

Kon Tum ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm gần 17.000 ha cây trồng ảnh 2Diện tích cây sầu riêng của Hợp tác xã Nông nghiệp, Thương mại và Dịch vụ Ia Chim (Kon Tum) được ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm giúp giảm chi phí. Ảnh: Dư Toán - TTXVN

Ông Bùi Văn Nhàng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ia H’Drai cho biết, hiện toàn huyện có khoảng 200 ha cây trồng được ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm vào sản xuất. Trong số đó, chủ yếu là diện tích của các doanh nghiệp, số diện tích được ứng dụng trong nhân dân vẫn còn khá manh mún, nhỏ lẻ, chỉ khoảng 30 ha. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các công trình cấp nước tưới tiêu tập trung của huyện còn khá ít; đồng thời người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng, lợi ích mà công nghệ tưới tiết kiệm mang lại cho sản xuất nông nghiệp.

“Trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân huyện sẽ chỉ đạo cho ngành nông nghiệp thực hiện các công trình thủy lợi để cấp nước tưới cho người dân. Cùng với đó, nâng cao trình độ, nhận thức cho người dân về công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm để nhân rộng diện tích được ứng dụng công nghệ này vào sản xuất”, ông Bùi Văn Nhàng cho biết thêm.

Tại thành phố Kon Tum, Hợp tác xã Nông nghiệp, Thương mại và Dịch vụ Ia Chim, xã Ia Chim cũng đã ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm trên diện tích gần 70 ha cây ăn quả, bao gồm sầu riêng, quýt, chôm chôm, bưởi, ổi,…

Ông Bùi Trung Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp, Thương mại và Dịch vụ Ia Chim cho biết, năm 2017, nhận thấy những lợi ích của việc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, nên đơn vị đã thí điểm. Sau đó đơn vị thực hiện đại trà trong giai đoạn 2018 – 2020. Mỗi một hecta, hợp tác xã đầu tư từ 30 – 35 triệu đồng cho hệ thống tưới.

“Lợi ích của hệ thống này là tưới nhanh, chỉ khoảng 3 tiếng/ha, còn nếu tưới thủ công thì phải mất 10 – 12 tiếng mới xong. Nhân công cũng giảm, lượng nước thì giảm được 70%. Trước tôi cần gần 1m3 nước để tưới một cây, thì nay chỉ cần 0,3 m3 nước là đảm bảo rồi. Từ khi hợp tác xã ứng dụng công nghệ tưới này thì không bị thiếu nước trong mùa khô nữa”, ông Sơn chia sẻ.

Ông Nguyễn Hoài Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum cho biết, đến nay, diện tích cây trồng cạn được ứng dụng tưới nước tiết kiệm của tỉnh đạt gần 17.000 ha; trong đó, chủ yếu là cây công nghiệp, cây ăn quả và rau màu. Công nghệ chủ yếu là tưới bằng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel gắn với việc lắp đặt hệ thống nông nghiệp thông minh, sử dụng cảm biến đo nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và tự động điều khiển máy bơm hoạt động theo nhu cầu sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Ngoài ra, còn có các công nghệ tưới quấn quanh gốc, tưới cục bộ, phun mưa...

“Việc ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp tăng năng suất cây trồng trung bình từ 10 đến 30%, giảm 20 đến 50% chi phí công lao động, tiết kiệm từ 20 đến 40% lượng nước so với phương thức tưới truyền thống. Ngoài tưới nước, việc bón phân qua hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel còn giúp giảm từ 10 đến 30% lượng phân bón, hạn chế nguy cơ ô nhiễm môi trường trong quá trình canh tác”, ông Nguyễn Hoài Tâm phân tích.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum cũng khẳng định, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ đẩy mạnh thông tin tuyên truyền cho người dân về tầm quan trọng của việc áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; cụ thể hóa các chương trình, chính sách, chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, lồng ghép để hỗ trợ nguồn vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật ứng dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước nâng cao năng suất sản lượng cây trồng và thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Ngành nông nghiệp cũng sẽ tiến tới quy hoạch vùng sản xuất tập trung, công nghệ cao và xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu để kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất nông nghiệp, hình thành vùng chuyên canh cây trồng áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm. Dần từng bước hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi, tập trung xây dựng các công trình thuỷ lợi tạo nguồn cung cấp nước tưới cho cây trồng cạn ở những nơi khó khăn về nguồn nước, để phát triển áp dụng tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm cho cây trồng chủ lực có quy mô sản xuất tập trung. Qua đó, mở rộng hơn nữa diện tích cây trồng được ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, gia tăng giá trị sản xuất cho người nông dân”, ông Nguyễn Hoài Tâm nhấn mạnh.

Dư Toán

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm