Bình Định xây dựng 23 mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn

UBND tỉnh Bình Định vừa phê duyệt Đề án tưới tiên tiến, tiết kiệm nước theo hướng tự động hóa cho cây trồng cạn trên địa bàn tỉnh với mục tiêu tổng quát là cụ thể hóa chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025; đồng thời, góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nâng cao hiệu quả khai thác các công trình thủy lợi, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Một trong những nội dung quan trọng của Đề án là xây dựng 23 mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn kết hợp với tổ chức tập huấn chuyển giao các tiến bộ, khoa học kỹ thuật cho một số địa phương trong tỉnh.

Theo Đề án, tổng diện tích cây trồng cạn áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh là hơn 10.500 ha; trong đó, đến năm 2025, diện tích tưới là hơn 5.900 ha (tưới cho cây hàng năm hơn 5.100 ha, tưới cho cây lâu năm hơn 812 ha). Đến năm 2030, tổng diện tích vẫn giữ nguyên nhưng diện tích tưới cho cây hàng năm giảm xuống còn hơn 7.700 ha, tưới cho cây lâu năm tăng lên hơn 2.780 ha.

Đề án cũng nêu rõ, đối với cây hàng năm sẽ tưới bằng béc phun sương, béc phun xoay, ống tưới phun mưa và tưới nhỏ giọt. Đối với cây lâu năm (chủ yếu là cây ăn quả như bưởi da xanh, quýt đường, mít thái, bơ, xoài, tiêu…) sẽ áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới béc phun xoay theo hướng bán tự động và tự động có điều hòa chất dinh dưỡng.

Đối với hoa và cây cảnh, tùy theo đối tượng mà áp dụng công nghệ tưới cho phù hợp (phun mưa, phun sương, nhỏ giọt…) và theo hướng tự động hóa.

Đối với cây hàng năm, tưới bằng béc phun sương, béc phun xoay, ống tưới phun mưa và tưới nhỏ giọt. Đối với cây lâu năm, chủ yếu là cây ăn quả (bưởi da xanh, quýt đường, mít thái, bơ, xoài, tiêu...) nên áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới béc phun xoay theo hướng bán tự động và tự động có điều hòa chất dinh dưỡng. Đối với hoa, cây cảnh, tùy theo đối tượng hoa, cây cảnh áp dụng công nghệ tưới cho phù hợp (công nghệ tưới phun mưa, phun sương, nhỏ giọt…) và theo hướng tự động hóa.

Để thực hiện đạt các mục tiêu trên, tỉnh Bình Định sẽ đề ra những cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn như tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách của Trung ương và tỉnh liên quan tới lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Cùng đó, tỉnh chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng cho vùng sản xuất cây trồng cạn áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước từ các nguồn vốn như Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…

Tỉnh cũng ứng dụng, tích hợp công nghệ, thiết bị trong và ngoài nước để giảm giá thành đầu tư hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; khuyến khích các doanh nghiệp nông nghiệp, doanh nghiệp cung ứng thiết bị tưới đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ tưới phù hợp với điều kiện của tỉnh; tiếp nhận chuyển giao và nhân rộng, ứng dụng các giải pháp tạo nguồn; ứng dụng công nghệ vật liệu, kết cấu mới để thu giữ nước tại chỗ, phân tán quy mô nhỏ kết hợp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn cho vùng đất dốc, chưa có hoặc xa công trình thủy lợi…

Lê Phước Ngọc

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm