Năm 2025 đánh dấu chặng đường quan trọng, là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Với quyết tâm vượt qua khó khăn, phát huy tiềm năng sẵn có, tỉnh Gia Lai đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân và phát triển bền vững.
Năm 2024, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và nhiều thách thức, Gia Lai đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Tổng ngân sách trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đạt 68,02 triệu đồng, tăng 12,3% so với năm trước; kim ngạch xuất khẩu đạt 820 triệu USD, vượt 109,33% kế hoạch. Với lợi thế về thổ nhưỡng và khí hậu, Gia Lai tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đạt 57.607 ha diện tích tưới tiết kiệm nước và chuyển đổi hàng nghìn ha cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây giá trị cao.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng đạt nhiều thành tựu quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,06%, vượt mục tiêu đề ra. Các chính sách an sinh xã hội, giáo dục và y tế được chú trọng, tạo nền tảng ổn định đời sống người dân. Đặc biệt, trong năm 2024 lĩnh vực du lịch của Gia Lai phát triển mạnh mẽ, nhiều chương trình văn hóa văn nghệ được đánh giá cao, thu hút du khách gần xa với tổng lượt khách đạt 1,34 triệu lượt, tăng 11,7% so với năm 2023. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn đối mặt với một số hạn chế. Tăng trưởng GRDP chỉ đạt 3,28%, chưa đạt kỳ vọng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội thấp hơn kế hoạch đề ra; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.
Để có những thay đổi mạnh mẽ hơn, năm 2025, Gia Lai đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 6,67% với cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực. Nông - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 30,46%, công nghiệp - xây dựng 27,57% và dịch vụ 38,1%. GRDP bình quân đầu người phấn đấu đạt 75,69 triệu đồng.
Trong số đó, tỉnh Gia Lai chú trọng phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo và công nghiệp chế biến. Kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 850 triệu USD, trong khi tổng vốn đầu tư toàn xã hội đặt mục tiêu 29.200 tỷ đồng. Gia Lai sẽ tập trung hoàn thiện quy hoạch đô thị thông minh và các dự án trọng điểm, bao gồm tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.
Năm 2025, Gia Lai cũng đặt mục tiêu tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4,04%, tạo việc làm cho hơn 27.000 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 65%. Các giải pháp cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh và chỉ số hiệu quả quản trị công cũng sẽ được đẩy mạnh.
Nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, tỉnh Gia Lai sẽ thực hiện đồng bộ kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh. Đồng thời, tỉnh tiếp tục triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phát triển vùng dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, sản xuất và dịch vụ, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ. Các địa phương cũng tập trung bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cao tỷ lệ che phủ rừng lên 47,5%. Mặt khác, công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt ở các vùng biên giới, sẽ được chú trọng thực hiện.
Với sự đồng thuận của chính quyền và nhân dân, Gia Lai quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng bền vững, tạo bước đột phá trong năm 2025. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để tỉnh hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, đưa Gia Lai trở thành điểm sáng trong khu vực Tây Nguyên.
Hồng Điệp