Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Kiên Giang đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tận dụng, khai thác tốt tiềm năng đất đai, đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, đất trống xung quanh nhà, bờ bao, sân vườn để trồng các loại cây ăn quả, hoa màu, nuôi cá, gà, vịt… Qua đó, hình thành hàng chục mô hình sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần tích cực phát triển kinh tế địa phương.
Là một trong những hộ tiên phong cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả ở xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao (Kiên Giang), ông Nguyễn Văn Lên cho biết: Từ năm 2020 đến nay, cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá hơn với nguồn thu nhập từ 300-350 triệu đồng/năm.
Ông Lên bày tỏ, trước năm 2015, việc sản xuất nông nghiệp ở vùng này gặp nhiều khó khăn do bị nhiễm phèn, mặn nên chủ yếu nông dân trồng lúa 1 vụ/năm, hoặc trồng tràm, trồng mía, một phần đất vườn để cây tạp và bán củi. Vì thế, thu nhập chỉ đủ sinh hoạt cho gia đình chứ ít có dư giả.
Từ sau năm 2015, khi chính quyền địa phương đầu tư hệ thống thủy lợi đảm bảo cho việc tưới tiêu, đồng thời khuyến khích chuyển đổi đối với một số mô hình kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế, gia đình ông và nhiều nông dân trong xã đã cải tạo vườn mía và một phần ruộng lúa kém hiệu quả sang trồng xoài, măng cụt, bưởi, cam, sầu riêng kết hợp nuôi cá dưới ao cho đến nay.
“Với 8.000 m2 trồng xen canh 160 gốc sầu riêng, hơn 50 cây măng cụt và một số cây ăn quả ngắn ngày kết hợp với nuôi cá, trồng bông súng giúp gia đình thu nhập khoảng 350 triệu đồng/năm, lợi nhuận hơn 250 triệu đồng. Có được nguồn thu nhập ổn định, năm 2021 gia đình tôi cất được căn nhà tường khang trang để ổn định cuộc sống”, ông Lên cho hay.
Chị Nguyễn Thị Luyên trước đây công tác ở Hội Nông dân xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao. Từ năm 2020, chị Luyên xin nghỉ công tác để mua 2,4 ha đất vườn tạp để cải tạo trồng xen canh dứa, mít đỏ, mít Thái, bòn bon Thái, măng cụt, sầu riêng, dâu. Theo chị Luyên, trước đây khu vườn nằm trong vùng nhiễm phèn và có nguy cơ xâm nhập mặn vào các mùa khô hạn nên chủ cũ để mộc cây tạp bán củi. Vì vậy, trước khi cải tạo trồng các loại cây ăn quả, gia đình chị nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng và trồng thử nghiệm ban đầu với số lượng ít, sau đó thấy phù hợp mới mở rộng quy mô trồng cho đến nay.
“Từ năm 2022, vườn dứa đã cho thu hoạch trái đến nay, riêng mít đỏ, mít Thái bắt đầu thu hoạch từ giữa năm 2024 đến nay; trong đó, riêng dứa cho thu hoạch trung bình mỗi năm hơn 16.000 trái, lợi nhuận hơn 150 triệu đồng/năm; mít Thái, mít đỏ đến nay thu hoạch hơn 5 tấn, lãi hơn 120 triệu đồng. Các loài cây trồng đều thích nghi với vùng đất và khí hậu khá khắc nghiệt và nguồn thu nhập này giúp gia đình ổn định cuộc sống”, chị Luyên nói.
Xã Vĩnh phú, huyện Giồng Riềng cũng là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng do nhiễm phèn, mặn của tỉnh Kiên Giang nên đời sống, kinh tế của người dân trong nhiều năm trước đây gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã nông dân trồng dứa Vĩnh Phú cho biết: Từ năm 2018 trở về trước, đa số nông dân trong vùng phát triển kinh tế từ nghề trồng lúa từ một đến 2 vụ/năm, hoặc trồng tràm và một phần lớn diện tích người dân để cây tạp bán củi với nguồn thu nhập không đáng là bao.
Từ năm 2018 đến nay, sau khi một số nông dân trồng dứa đạt hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân khác cũng đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp, hoặc chuyển đổi mô hình trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dứa, trồng mít Thái và một số cây ăn quả, rau màu ngắn ngày như: trồng bầu, bí đỏ, dưa leo, khổ qua... Riêng gia đình ông Minh trồng dứa với diện tích 6ha.
“Đến nay hệ thống kênh rạch khá thông thoáng, đảm bảo cho việc tưới tiêu, tuy nhiên vùng đất ở ấp Lương Trực, xã Vĩnh Phú vẫn còn nhiễm mặn nên hầu hết nông dân trồng dứa để thích ứng. Dứa trồng trên vùng đất này phát triển tốt, trái to, ngọt và mọng nước, tuy nhiên trước đây (từ năm 2023 về trước) giá dứa bấp bênh và thường có giá dưới 10.000 đồng/trái nên lợi nhuận không nhiều.
Còn từ cuối năm 2023 đến nay, dứa Vĩnh Phú được công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 3 sao, được vào hệ thống siêu thị nên thương lái thu mua với giá khá cao, dao động từ 11.000 - 13.000 đồng/trái, giúp người trồng có lời khoảng 80 triệu-100 triệu đồng/ha/năm”, ông Minh chia sẻ.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn đánh giá, phong trào cải tạo vườn tạp nói riêng, thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng vật nuôi trên địa bàn tỉnh nói chung những năm qua được nông dân các địa phương tích cực tham gia và có sức lan tỏa rộng rãi.
Trong số đó, nhiều mô hình phát triển với quy mô lớn, nông sản đạt chất lượng tốt, sản phẩm OCOP như xoài cát Hòa Lộc ở huyện Hòn Đất, sầu riêng và măng cụt ở huyện Giồng Riềng, Khoai củ ở huyện U Minh Thượng… Qua đó, mang lại hiệu quả kinh tế, tăng giá trị thu nhập, cải thiện đời sống của người dân; đồng thời thực hiện tốt những tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Ông Lê Hữu Toàn cũng cho hay, để các mô hình phát triển bền vững, ngành nông nghiệp tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi, đánh giá khách quan hiệu quả và kịp thời tháo gỡ khó khăn trong sản xuất của người dân như: hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi; nạo vét kênh mương, thủy lợi và kiểm soát tốt nguồn nước đảm bảo phục vụ sản xuất.
Bên cạnh đó, theo dõi và dự báo kịp thời tình hình sâu bệnh trên cây trồng, vật nuôi để thông báo, hỗ trợ nông dân phòng chống hiệu quả… Ngoài ra, ngành phối hợp với các địa phương mời gọi các doanh nghiệp đến hợp tác liên kết sản xuất để nâng cao giá trị sản xuất của người dân.
Văn Sĩ