Nuôi xen canh thủy sản an toàn sinh học cho lợi nhuận cao tại Kiên Giang

Tại Kiên Giang, qua hơn 3 năm áp dụng mô hình nuôi xen canh thủy sản (tôm sú, tôm thẻ, tôm càng xanh, cua biển) kết hợp với sản xuất một vụ lúa theo quy trình an toàn sinh học của nông dân vùng U Minh Thượng cho thấy hiệu quả kinh tế khá cao và mang tính phát triển bền vững. Lợi nhuận từ 80 - 100 triệu đồng là mức phổ biến của hầu hết nông dân áp dụng mô hình trên.

vna_potal_kien_giang_co_hon_70000_nguoi_tham_gia_hop_tac_xa_nong_nghiep_7115446.jpg
HTX Ngã Bát cung ứng con giống, vật tư nông nghiệp giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho mô hình sản xuất tôm-lúa ở xã Đông Hưng B, huyện An Minh (Kiên Giang). Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN

Hiệu quả kinh tế cao

Là một trong những nông dân đầu tiên áp dụng mô hình nuôi xen canh thủy sản theo quy trình an toàn sinh học của xã Đông Hưng B, huyện An Minh (Kiên Giang), ông Võ Văn No cho biết, gia đình sản xuất trên diện tích 3,5 ha và nuôi xen canh mỗi năm 2 vụ tôm sú, tôm thẻ, tôm càng xanh, cua biển kết hợp với 1 vụ lúa thả xen canh các loài thủy sản trên. Mới đây, gia đình đã tổng kết năm 2024, đồng thời tiến hành xuống giống vụ lúa trên vùng đất lúa - tôm này.

Ông No cho biết, đầu năm 2020 gia đình chuyển từ mô hình nuôi xen canh thủy sản thông thường sang quy trình nuôi an toàn sinh học theo sự khuyến cáo của ngành nông nghiệp huyện. Phương pháp nuôi này khá đơn giản, người nuôi cho tôm, cua biển ăn lúa, ốc, cá mồi và cho ăn dặm thêm một ít thức ăn, đồng thời sử dụng men vi sinh cải tạo môi trường nước và hoàn toàn không dùng thuốc hóa học trong suốt quá trình nuôi.

"Quy trình nuôi an toàn sinh học không chỉ tiết kiệm chi phí còn giúp các loài vật ít xảy ra dịch bệnh, mau lớn và đặc biệt là giá thủy sản bán cũng cao hơn so với mô hình nuôi thông thường như trước đây từ 10.000 - 20.000 đồng/kg tôm, cua. Với 3,5 ha nuôi xen canh tôm sú, tôm thẻ, tôm càng và cua biển, mỗi năm 3 vụ gia đình tôi lợi nhuận khoảng 280 triệu đồng, ngoài ra còn có lãi từ một vụ lúa khoảng 140 triệu đồng, kinh tế và cuộc sống gia đình khá thoải mái", ông No hay.

Theo ông Phan Thanh Tùng, Phó giám đốc Hợp tác xã Ngã Bát (xã Đông Hưng B, huyện An Minh) hợp tác xã được thành lập từ năm 2017 với 8 thành viên, đến năm 2020 mở rộng với 30 thành viên tham gia đến nay. Hợp tác xã hoạt động chủ yếu lĩnh vực cung ứng con giống, vật tư nông nghiệp và tiêu thụ nông sản của nông dân. Hiện tại hợp tác xã làm dịch vụ cho hơn 450 nông dân trong và ngoài xã với diện tích hơn 1.200 ha; trong đó, có hơn 400 ha được nông dân áp dụng mô hình nuôi thủy sản xen canh kết hợp trồng 1 vụ lúa theo quy trình an toàn sinh học.

"Hợp tác xã ký hợp đồng với các đơn vị cung ứng tôm giống, vật tư nông nghiệp với mức giá rẻ hơn so với thị trường từ 10% vì khỏi qua các trung gian và chất lượng sản phẩm được kiểm tra, kiểm nghiệm nghiêm ngặt, đúng quy định để đảm bảo cung ứng, giúp nông dân sản xuất đạt hiệu quả. Cùng với đó, hợp tác xã cũng phối hợp với ngành chuyên môn tập huấn, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật cải tạo vuông nuôi, bảo vệ, chăm sóc tôm, cua, lúa đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu để cung ứng cho các doanh nghiệp với giá cao hơn mô hình sản xuất thông thường từ 5-10%", ông Tùng chia sẻ.

Xã Đông Hòa, huyện An Minh, là địa phương có nhiều nông dân áp dụng mô hình nuôi xen canh tôm sú, tôm thẻ, tôm càng xanh với cua biển theo quy trình an toàn sinh học với tổng diện tích hơn 1.200 ha. Ông Phạm Văn Tâm, một trong những nông dân áp dụng hiệu quả mô hình nuôi này cho biết, qua gần 4 năm áp dụng nuôi theo quy trình an toàn sinh học cho thấy hiệu quả kinh tế mang lại khá cao và mang tính bền vững, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

"Giá thức ăn cho tôm những năm gần đây liên tục tăng cao, đồng thời thời tiết nắng mưa thất thường, nhiệt độ chênh lệch rất lớn ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước dễ gây thiệt hại cho tôm, cua. Vậy nên ngành nông nghiệp tỉnh triển khai quy trình nuôi tôm, cua an toàn sinh học là hướng đi đúng đắn. Tại gia đình tôi, gần 4 năm áp dụng mô hình nuôi này không cần thay nước, đỡ tốn chi phí cải tạo vuông nuôi, không dùng thuốc thủy sản, thức ăn, chỉ cho ăn bằng lúa, cá phi, ốc, cua đinh, đây là những nguyên liệu có sẵn trong vuông giúp nông dân tiết kiệm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận", ông Tâm nói.

Phát triển chuỗi liên kết để nâng cao giá trị sản phẩm

Theo ông Nguyễn Thanh Điền, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh, huyện có diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 47.000 ha. Trong số đó, sản xuất theo mô hình tôm - lúa 39.000 ha, diện tích canh tác tôm lấp lại vụ lúa trên 25.000, nuôi chuyên thủy sản hơn 7.000 ha. Sản lượng tôm sú, tôm thẻ và tôm càng xanh thu hoạch được từ đầu năm 2024 đến nay gần 30.000 tấn, đạt trên 75% kế hoạch năm.

Đến nay, huyện đã triển khai mô hình nuôi xen tôm sú, tôm thẻ, tôm càng, cua biển kết hợp 1 vụ lúa theo quy trình an toàn sinh học đến tất cả các xã, thị trấn trong huyện. Điểm đặc biệt của quy trình nuôi này chính là sử dụng chế phẩm sinh học (còn gọi là men vi sinh) có công dụng cung cấp khoáng chất vào môi trường ao nuôi thủy sản hoặc có thể trộn với thức ăn giúp tăng sức đề kháng cho các loại thủy sản, đồng thời tạo thức ăn tự nhiên trong ao nuôi.

"Việc triển khai thành công quy trình nuôi xen tôm sú, tôm thẻ, tôm càng xanh, cua biển kết hợp với trồng lúa theo quy trình an toàn sinh học làm cơ sở cho định hướng việc phát triển nuôi đa dạng các đối tượng trên vùng quy hoạch tôm – lúa, nuôi trồng thủy sản theo quy mô lớn, tập trung; gắn kết thị trường tiêu thụ, phát huy hiệu quả lợi thế của địa phương, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái", ông Điền cho hay.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, 8 tháng năm 2024 tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh hơn 280.000 ha, đạt trên 95% kế hoạch năm 2024. Trong số đó, tôm nước lợ hơn 140.000 ha, đạt trên 100% kế hoạch, gồm tôm - lúa, tôm quảng canh cải tiến và nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản 8 tháng hơn 200.000 tấn, đạt trên 65% kế hoạch năm 2024.

Để ngành nuôi trồng thủy sản của tỉnh phát triển bền vững, theo ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, ngành nông nghiệp tỉnh tập trung tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ con giống, vật tư đầu vào, nuôi thương phẩm đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm tôm và lúa.

"Định hướng của tỉnh trong nuôi trồng thủy sản là phát triển mạnh sản xuất tôm - lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi trồng thủy sản an toàn sinh học, nuôi thủy sản hữu cơ, nuôi sinh thái… theo yêu cầu thị trường xuất khẩu, sử dụng mã vạch, mã số truy xuất nguồn gốc sản phẩm nuôi trồng, vùng nuôi tôm. Song song với đó là xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, chỉ dẫn địa lý sản phẩm nuôi đặc trưng từng vùng trên địa bàn tỉnh để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập cho nông dân", Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn nhấn mạnh.

Văn Sĩ

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm