Tỉnh Hậu Giang xác định phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị thích ứng với biến đổi khí. Theo đó, tỉnh tiếp tục đầu tư hợp lý hạ tầng thủy lợi phù hợp với mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu tại các tiểu vùng sinh thái. Nhiều nông dân của tỉnh đang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu là sản xuất lúa sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng. Trên địa bàn tỉnh bắt đầu có nhiều mô hình thuận thiên, thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.
Sau nhiều lần chia tách, sáp nhập thì xã Lương Nghĩa vẫn là một địa bàn vùng sâu, phèn mặn, “xương xẩu” thuộc huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Khu vực ấp 6 của xã là vùng sản xuất nông nghiệp khó khăn nhất vì nằm cặp sông cái Ngan Dừa. Nay khu vực này lại nằm ngoài đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh nên mùa khô thì nhiễm nước mặn, mùa mưa thì ngập, phèn.
Khó khăn bao đời, đến nay người dân nơi đây bắt đầu vươn lên với những mô hình sản xuất nông nghiệp thuận thiên. Cụ thể, người dân được chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang và một số đơn vị hỗ trợ, hướng dẫn nuôi tôm với trồng lúa dựa vào thiên nhiên, hạn chế sử dụng phân thuốc hóa học. Từ mô hình một tôm – một lúa thuận thiên đã nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống nhiều hộ dân, hướng đến xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm nay.
Anh Trần Văn Thịnh ở ấp 6, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, năm nay 27 tuổi cho biết: Ba ao nuôi tôm quảng canh có diện tích 70.000 m2, có hệ thống cống lấy nước, thoát nước thông với sông cái Ngan Dừa. Vụ lúa Đông Xuân 2024 vừa xong thì anh thực hiện cải tạo ao nuôi tôm. Việc vệ sinh gốc rạ, cải tạo ao được anh thực hiện thủ công và thuận theo con nước.
Đó là thu hoạch lúa xong thì anh thu gom rơm rạ sạch ruộng. Rồi anh cho nước mặn vào ngâm cho rã gốc rạ. Sau đó anh rút nước ra phơi khô khoảng thời gian. Rồi anh bơm nước mặn khoảng từ 7 phần nghìn đến 8 phần nghìn vào lại, đồng thời rải vôi bột. Tiếp theo là đo nồng độ mặn, độ PH trong ao nếu đạt là thả tôm giống vào bắt đầu nuôi. Tôm nuôi từ 3 đến 4 tháng hoàn toàn bằng thức ăn tự nhiên trong ao. Đó là là tảo được tạo dưới ao và không cần ăn thức ăn công nghiệp nào.
“Cái quan trọng là phải trông trời, trông mây để canh nước ao nuôi. Vì trời nắng quá, nước ao tôm màu vàng trà, tức là PH trong ao đang giảm cần phải thêm vôi bột vô; hoặc mây mưa nhiều, nước ao nuôi màu xanh cũng phải thêm vôi bột vô ao để ổn định nước” – anh Thịnh nói việc nuôi tôm thuận thiên của mình.
Sau vụ nuôi thuận thiên đầu tiên, tôm sú của anh Thịnh đạt năng suất từ 300 - 400kg/ha. Với giá bán trung bình 170.000 đồng/kg, anh thu được từ 50 - 70 triệu đồng/ha. Do nuôi trong môi trường tự nhiên, thức ăn của tôm chủ yếu là tảo, không dùng bất cứ thức ăn công nghiệp nào, nên trừ chi phí khoảng 15 triệu đồng/ha, anh Thịnh thu được lợi nhuận đáng kể.
“Vùng đất nằm ngoài đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh của xã Lương Nghĩa, đã có khoảng 100ha sản xuất một vụ lúa – một vụ tôm nhiều năm qua. Hầu hết vụ tôm đều sản xuất thuận theo tự nhiên. Cụ thể, những tháng bị xâm nhập mặn, người dân sẽ căn nồng độ mặn mà thả tôm nuôi. Như vụ tôm nuôi năm 2024 này tất cả hộ dân vùng ngoài đê bao của xã đều đạt năng suất cao, do nồng độ mặn ổn định trong khoảng từ 7 phần nghìn đến dưới 16 phần nghìn. Sắp tới, địa phương tiếp tục phối hợp ngành nông nghiệp, các đơn vị để mở rộng tuyên truyền bà con xây dựng các mô hình làm ăn có hiệu quả tại vùng ngoài đê bao. Từ đó, người dân sản xuất nông nghiệp thích ứng hiệu quả biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn hằng năm ở địa phương, xây dựng xã nông thôn mới” - Phó Chủ tịch UBND xã Lương Nghĩa, Nguyễn Văn Ngọc cho biết.
Xong vụ nuôi tôm thuận thiên, việc sản xuất lúa nơi đây, người dân cũng lại “trông trời, trông mây”. Đó là sau vụ tôm, người dân sẽ chờ mưa xuống cho độ mặn trong ao nuôi tôm được rửa sạch là bơm nước ra và sạ lúa. Nhờ các chất phân thải còn lại của vụ tôm mà cây lúa đủ chất phát triển, nên việc bón phân thuốc hóa học cho vụ lúa được hạn chế đáng kể.
Mô hình tôm – lúa thuận thiên đang được kỳ vọng góp phần cho xã Lương Nghĩa đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2024 theo kế hoạch đề ra. Vì mô hình sẽ giải quyết được một số tiêu chí mà xã chưa đạt như thu nhập, tỉ lệ hộ nghèo, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn... Cụ thể, như tại khu vực nuôi tôm ngoài đê bao ở ấp 6 này có 60 hộ dân, khi chưa nuôi tôm thì có đến phân nữa là hộ nghèo. Từ năm 2016 đến nay, khi chuyển đổi mô hình tôm – lúa đã giảm nghèo được 24 hộ, đến nay chỉ còn 6 hộ nghèo.
Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Nông Gia (thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp) Nguyễn Văn Thẳng cho biết, nhận thấy được tiềm năng và lợi thế của nông nghiệp địa phương, hợp tác xã thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn để sản xuất nông nghiệp theo cơ chế tuần hoàn. Từ đó giảm chi phí đầu tư, tăng chất lượng nông phẩm, tăng hiệu quả kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường, định hướng nền nông nghiệp theo chuẩn sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu.
Cụ thể, hợp tác xã triển khai sản xuất trên diện 7ha thành 2 khu trồng cây ăn trái, nấm bào ngư, rau mầm các loại, lúa, nuôi dê và mặt nước nuôi vịt xiêm, nuôi cá, nuôi bò, lợn rừng, giun quế... Với mô hình chăn nuôi, trồng trọt tuần hoàn đã tận dụng thức ăn, phân bón kết hợp hiệu quả, hạn chế sử dụng phân thuốc hóa học.
“Đồng thời, hợp tác xã đẩy mạnh khâu chế biến các sản phẩm từ ngành trồng trọt và chăn nuôi nhằm tăng giá trị sản phẩm và có thể bảo quản lâu hơn, giúp đa dạng hóa sản phẩm. Mục tiêu các sản phẩm chủ lực của hợp tác xã sẽ trở thành sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 4 sao trở lên, góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới hiệu quả”, Giám đốc Nguyễn Văn Thẳng nói.
Theo ông Huỳnh Thành Hữu, Chánh Văn phòng Điều phối các chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh Hậu Giang, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thời gian qua trên địa bàn tỉnh có sự phối hợp thường xuyên, nhịp nhàng của các thành viên kiêm nhiệm từ các sở, ngành tỉnh với Văn phòng Điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, đã giúp cung cấp nhiều thông tin, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho địa phương trong thực hiện.
Thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền về Chương trình tại địa phương để nhận thức đầy đủ hơn về chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ đó giúp nâng cao trách nhiệm, sự tâm huyết của cán bộ, nhân dân trong thực hiện. Nhất là tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các tổ chức kinh tế khu vực nông thôn, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất, sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần xây dựng nông thôn mới hiệu quả.
Đến nay, tỉnh Hậu Giang có 3 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành/đạt chuẩn nông thôn mới, 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 41/51 xã đạt chuẩn (19/19 tiêu chí) nông thôn mới đạt 80,39% (5 xã nông thôn mới kiểu mẫu). Số tiêu chí đạt bình quân toàn tỉnh là 18,2 tiêu chí/xã, số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm là 44/51 xã, đạt 86,27%. Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2024 có 42/51 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, đạt 82,35% và đến năm 2025, số xã nông thôn mới đạt 70%, xã nông thôn mới nâng cao 20% và xã nông thôn mới kiểu mẫu 10%.
Sông Hậu