Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Kiên Giang, sản xuất nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, tăng trưởng ổn định, nhất là tăng giá trị sản phẩm trên 1 ha đất sản xuất. Cụ thể là trên đất trồng trọt từ hơn 94 triệu đồng/ha năm 2021 tăng lên 110,5 triệu đồng/ha năm 2024; đất nuôi trồng thủy sản từ 130,4 triệu đồng/ha năm 2021 tăng lên 152,5 triệu đồng/ha năm 2024.
Cơ cấu phát triển nông nghiệp bền vững
Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết: Tỉnh thực hiện cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản. Từ đó, giữ ổn định sản lượng lúa, nâng cao chất lượng và giá trị thông qua gia tăng diện tích gieo trồng giống chất lượng cao từng vụ, tổ chức sản xuất theo cánh đồng lớn gắn liên kết tiêu thụ, an toàn thực phẩm, đạt chuẩn VietGAP, GloabalGAP, SRP, hữu cơ… kiểm soát dư lượng gắn mã vùng trồng…
Giai đoạn 2021 - 2024, bình quân mỗi năm tỉnh gieo trồng hơn 713.558 ha, với gieo sạ lúa có chất lượng gạo cao chiếm tỷ lệ 95,4%, sản lượng thu hoạch 4,54 triệu tấn/năm. Diện tích sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn gắn liên kết tiêu thụ nông sản tăng theo từng năm và năm 2024 là 116.499 ha, tăng 55,4% so với năm 2021.
Năm 2024, hơn 27.000 ha sản xuất lúa đạt chuẩn SRP, hữu cơ, GloabalGAP, VietGAP, kiểm soát dư lượng và đang thời kỳ chuyển đổi sản xuất hữu cơ phục vụ xuất khẩu sang các thị trường EU, Mỹ, Nhật.
Mặt khác, diện tích trồng rau màu, cây ăn quả trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định qua các năm, góp phần tăng giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt; trong đó, diện tích chuyên canh cây ăn quả có xu hướng tăng do người dân cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao như: xoài, sầu riêng, cây có múi…
Tiếp đến, tỉnh đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ và ngọt phù hợp từng vùng sinh thái, lựa chọn các đối tượng có giá trị kinh tế cao, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, nuôi thâm canh, nuôi công nghệ cao… trong nuôi tôm, cua biển, sò huyết, cá nuôi lồng trên biển, thủy sản nước ngọt.
Ngành thủy sản tỉnh cũng đang đẩy mạnh phát triển nuôi tôm công nghiệp ở những vùng và tiểu vùng có điều kiện thuận lợi, nhất là vùng Tứ giác Long Xuyên; khuyến khích triển khai nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghiệp 2 giai đoạn, công nghệ cao, hướng dẫn các cơ sở thực hiện nuôi tôm nước lợ áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế theo yêu cầu của thị trường; đầu tư phát triển đổi mới công nghệ, sắp xếp bố trí lại vị trí nuôi cá lồng bè, nuôi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ trên biển hợp lý.
Cùng với đó, tỉnh chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất mô hình luân canh tôm - lúa và nuôi tôm với các mô hình nuôi xen kết hợp tôm - cua, tôm sú - tôm càng xanh, tập trung chủ yếu ở các huyện vùng U Minh Thượng mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng giá trị sản phẩm trên 1 ha đất nuôi trồng thủy sản.
Theo đó, tổng lượt diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh liên tục tăng, năm 2021, từ 270.590 ha, sản lượng 282.120 tấn; trong đó, có 104.126 tấn tôm. Đến năm 2024, tăng lên 324.489 ha, sản lượng 384.170 tấn; trong đó, có 133.180 tấn tôm.
Mặc dù, ngành nông nghiệp tỉnh những năm qua tăng trưởng, nhưng tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp chưa đạt theo kế hoạch. Sản xuất chưa gắn kết được các khâu chế biến sâu, các sản phẩm sản xuất chủ yếu bán thô, chưa qua chế biến nên giá trị thấp; số lượng doanh nghiệp và năng lực của doanh nghiệp thực hiện mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản tuy có tăng theo từng năm nhưng chưa tương xứng với sản lượng sản phẩm nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Mặt khác, việc triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, SRP, hữu cơ… gắn với mã vùng trồng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm tuy năm sau cao hơn năm trước, nhưng vẫn chưa theo kịp nhu cầu của thị trường trong nước và thế giới. Các mô hình canh tác giảm chi phí thích ứng với biến đổi khí hậu chưa nhân rộng nhiều, tỷ lệ áp dụng còn thấp.
Cùng với đó, trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa, thiếu bền vững; liên kết trong sản xuất thủy sản chưa chặt chẽ; quy mô, phạm vi liên kết còn nhỏ, chưa có nhiều hợp tác xã, trang trại điển hình, quy mô lớn, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều để đáp ứng yêu cầu thị trường. Việc huy động doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực thủy sản chưa nhiều… Dịch bệnh gây hại tôm, cá còn xảy ra, chưa xử lý triệt để…
Ngoài ra, tình hình biến đổi khí hậu phức tạp, khô hạn, xâm nhập mặn, mưa bão, áp thấp nhiệt đới… không theo quy luật và dự báo ban đầu; sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển gây thiệt hại lớn đến kết cấu hạ tầng, ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Tập trung nguồn lực phát triển sản xuất
Năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu sản lượng lúa đạt 4,6 triệu, tỷ lệ sản xuất lúa chất lượng gạo cao trên 90% tổng diện tích gieo trồng; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 390.700 tấn, trong đó, tôm nuôi 140.000 tấn.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Kiên Giang cho hay, để đạt mục tiêu này, tỉnh tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân; trong đó, tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng thủy lợi, điều tiết nguồn nước theo từng tiểu vùng, từng mùa vụ đáp ứng yêu cầu sản xuất, góp phần phát huy hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường.
Đồng thời, tỉnh xác định các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực để đầu tư phát triển; tổ chức lại mô hình sản xuất theo phương châm “liên kết trong sản xuất và xã hội hóa nguồn lực đầu tư, tạo quy mô sản phẩm lớn, đồng nhất, giá trị gia tăng cao” trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh.
Thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, tỉnh tham gia 200.000 ha. Trong đó, giai đoạn 1 năm 2024 là 60.000 ha và năm 2025 đạt 100.000 ha; giai đoạn 2 (2026 - 2030) đạt mục tiêu 200.000 ha. Tỉnh triển khai sản xuất tại 12 huyện, thành phố, gồm: Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất, Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận và thành phố Rạch Giá.
Cạnh đó, tỉnh tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chuyên môn cấp cơ sở để có đủ năng lực chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn người dân tổ chức sản xuất đạt hiệu quả cao. Tỉnh tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái, thích ứng với diễn biến của biến đổi khí hậu, sản xuất tập trung tạo ra vùng nguyên liệu hàng hóa lớn, những vùng thực hiện tốt việc liên kết tiêu thụ sản phẩm đã tạo được giá trị tăng cao hơn.
Mặt khác, tỉnh tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật và khuyến nông để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đặc biệt là hướng dẫn, hỗ trợ nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất như: giảm giống gieo sạ, cơ giới hóa, công nghệ cao giảm giá thành sản xuất và tăng lợi nhuận…
Lê Huy Hải