Hàng nghìn mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được cấp, tạo tiền đề đưa nông sản Việt vươn xa. Song trong quá trình sử dụng, không ít mã số được sử dụng gian lận, nhằm trục lợi, thông quan hàng hóa xuất khẩu. Việc siết chặt trong cấp, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cần sự phối hợp đồng bộ các cơ quan chức năng để bảo vệ hình ảnh, uy tín, thương hiệu nông sản Việt Nam.
Ngày càng nhiều thị trường áp dụng những quy định nghiêm ngặt về vùng sản xuất, cơ sở sơ chế, chế biến nhằm đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Mã số vùng trồng được coi là tấm vé thông hành cho nông sản Việt Nam xuất khẩu sang các quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tại Bến Tre, tỉnh được mệnh danh “thủ phủ” dừa của cả nước với trên 80.000 ha, chiếm 88% diện tích dừa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và gần 42% diện tích dừa cả nước. Cây dừa được xác định là cây trồng chủ lực và nguồn thu nhập của hơn 200.000 hộ dân khu vực nông thôn của tỉnh. Bến Tre đã có 133 mã số vùng trồng dừa với hơn 8.300 ha; có 14 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu dừa tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Mỗi năm, xuất khẩu dừa mang về cho tỉnh Bến Tre hơn 350 triệu USD. Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, ngành nông nghiệp xác định lấy việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất làm nền tảng để phát triển cây dừa. Tỉnh quản lý hiệu quả việc cấp mã số vùng trồng.
Để cấp và quản lý mã số vùng trồng, Bến Tre tăng cường tập huấn nâng cao năng lực về quy định cũng như các giải pháp kỹ thuật liên quan để bảo đảm thực hiện đúng các quy định của nước nhập khẩu cho người dân, doanh nghiệp khi xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.
Hay với sầu riêng, sau khi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, cây trồng này nhanh chóng trở thành cây “tỷ đô”. Tại Tiền Giang có gần 88.400 ha cây ăn trái, trong đó cây sầu riêng là gần 24.590 ha. Tiền Giang có 464 mã số vùng trồng với gần 29.000ha, trong đó sầu riêng chiếm 155 mã số với diện tích gần 7.000 ha; có 323 cơ sở đóng gói, chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc với 316 cơ sở.
Tuy nhiên, sự gia tăng về giá trị xuất khẩu của mặt hàng này cũng kéo theo những nguy cơ khi có những vi phạm trong thương mại. Riêng tại Tiền Giang, đã có 55 mã số vùng trồng và 44 cơ sở đóng gói sầu riêng bị tạm dừng xuất khẩu. Tình trạng vi phạm các quy định về sử dụng mã số gây hoang mang cho nhiều doanh nghiệp, nông dân sản xuất chân chính, ảnh hưởng xấu đến ngành hàng trái cây, nhất là trái sầu riêng.
Ông Trần Hoàng Nhật Nam, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang cho biết, ngành sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số. Đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc liên kết thu mua tại các vùng trồng xuất khẩu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, đặc biệt là trái cây, ngành phối hợp địa phương nâng cao chất lượng, gia tăng số lượng cấp mã số vùng trồng, cơ sở vùng nuôi, cơ sở đóng gói, bao bì. Đến nay, đã cấp 8.052 mã số vùng trồng, 1.596 mã số cơ sở đóng gói; riêng năm 2024, đã cấp 1.194 mã số vùng trồng, 175 mã số nhà đóng gói cho các loại quả tươi: thanh long, xoài, vú sữa, chuối, bưởi, chanh leo, chanh không hạt, nhãn, vải, ớt, thạch đen... Đây là các mã số gắn với các sản phẩm được phép xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU…
Tuy nhiên, cùng với cấp mới, cơ quan chức năng cũng thu hồi 139 mã số vùng trồng, 192 mã số cơ sở đóng gói vì vi phạm các quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm…
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, các đối tượng đã thông qua các hình thức hợp đồng ủy quyền sử dụng mã số với các con dấu, chữ ký giả, tự chế… để lừa đảo doanh nghiệp, qua mặt các cơ quan chức năng nhằm trục lợi, thông quan xuất khẩu. Hành vi gian lận cũng tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đúng quy định. Đồng thời, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của ngành, làm mất niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc và quốc tế.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở đóng gói, xuất khẩu; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các cơ quan chức năng của các nước nhập khẩu để cùng nhau chống lại hành vi gian lận thương mại. Cơ quan chức năng cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, giúp dễ dàng quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hiệp hội kêu gọi các doanh nghiệp, nhà sản xuất sầu riêng hãy cùng chung tay bảo vệ uy tín của các ngành hàng, đặc biệt là cây “tỷ đô”; tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật.
Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, hiện chưa có nghị định, thông tư về cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, cũng như chưa có quy định xử lý vi phạm nên việc chỉ đạo, xử lý vi phạm còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều địa phương chưa xây dựng kế hoạch, chưa bố trí nguồn lực trong thiết lập vùng trồng, cơ sở đóng gói. Bên cạnh đó, việc truy xuất nguồn gốc còn gặp khó khăn, nông dân chưa có thói quen ghi chép đầy đủ thông tin, dẫn đến thiếu hồ sơ...
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung nhấn mạnh, đây là vấn đề cần sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, sở, ngành, cơ quan chức năng để kiểm soát chặt chẽ, giải quyết triệt để, tránh hệ lụy về sau.
Bích Hồng