Xây dựng và phát huy hiệu quả mã số vùng trồng

Xây dựng và phát huy hiệu quả mã số vùng trồng

Xây dựng mã số vùng trồng là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản góp phần đưa nông sản được xuất khẩu theo đường chính ngạch. Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định đã chủ động, tích cực hướng dẫn người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng để duy trì và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững.

Xây dựng mã số vùng trồng là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản góp phần đưa nông sản được xuất khẩu theo đường chính ngạch. Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định đã chủ động, tích cực hướng dẫn người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng để duy trì và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững.

namdinh1.jpg
Quả ớt xuất khẩu được chăm sóc theo đúng quy trình của vùng trồng trọt an toàn nên chất lượng cao, quả to đều. Ảnh: Công Luật-TTXVN

Để tăng năng suất cây trồng hướng tới phát triển bền vững, những năm qua, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản đã dần hình thành các cánh đồng lớn nhằm áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Năm 2023, xã đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cấp mã số vùng trồng cho 32 ha lúa và 10 ha lạc. Sau khi diện tích lúa và lạc của địa phương được cấp mã số vùng trồng và đưa lên hệ thống sàn thương mại điện tử đã được nhiều người biết đến.

Theo ông Trần Khắc Thiềng, Chủ tịch UBND xã Kim Thái, để được cấp mã số vùng trồng, các diện tích lúa và lạc phải tuân thủ các quy định sản xuất an toàn. Địa phương thường xuyên phối hợp với phòng nông nghiệp huyện, các hợp tác xã trên địa bàn cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, giám sát bà con từ khâu trồng, chăm sóc, sử dụng vật tư nông nghiệp theo đúng quy trình kỹ thuật. Do đó năng suất và chất lượng nông sản cũng cao hơn so với các diện tích khác.

namdinh4.jpg
Diện tích 40 ha trồng ớt tại huyện Ý Yên được doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng xuất khẩu. Ảnh: Công Luật-TTXVN

Chủ tịch UBND xã Kim Thái đánh giá, sau khi được cấp mã số vùng trồng, các nông sản của địa phương sản xuất đã nâng cao được giá trị, hiệu quả. Không những năng suất tăng mà giá bán sản phẩm cũng cao hơn trước. Quan trọng hơn, với nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, các nông sản của địa phương đã mở rộng được thị trường tiêu thụ, không còn phụ thuộc vào 1 đầu mối như trước đây, nhiều doanh nghiệp, đại lý cũng liên hệ với các hợp tác xã trên địa bàn để đặt hàng, mở rộng liên kết.

Xã Nam Hùng, huyện Nam Trực có trên 220ha diện tích trồng khoai tây. Xác định được tầm quan trọng và những lợi ích của việc được cấp mã số vùng trồng, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Nam Hùng đã từng bước xây dựng và phát triển vùng chuyên sản xuất giống khoai tây FL2215, đây là giống khoai cho năng suất, chất lượng cao. Sau nhiều cố gắng, năm 2023, hợp tác xã đã được ngành nông nghiệp Nam Định cấp mã số vùng trồng cho 10,3ha khoai tây.

Ông Nguyễn Văn Hải, thành viên Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Nam Hùng cho hay, nhà ông trồng khoai tây từ lâu đời trên vùng đất màu của quê hương, tuy nhiên ông ít khi thực hiện sản xuất theo một quy trình bài bản với việc ghi chép tỉ mỉ, đầy đủ các thông tin như: việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thời gian sử dụng, lượng sử dụng cho đến thông tin về thời gian thu hoạch, khối lượng thu hoạch…

namdinh2.jpg
Các công nhân của Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Thuận Hoà Phát chăm sóc diện tích ớt xuất khẩu tại xã Yên Nghĩa, huyện Ý Yên. Ảnh: Công Luật-TTXVN

Theo ông Hải, ban đầu người dân không quen, nhưng sau khi được hợp tác xã động viên, tuyên truyền về những lợi ích của việc làm sẽ giúp cơ quan chức năng và người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xác định quy trình sản xuất của nông sản nên người dân cũng làm theo. Thành quả cuối vụ rất bất ngờ, việc tuân thủ các quy trình sản xuất hữu cơ giúp năng suất khoai tây đạt 24 tấn/ha, hơn 4 tấn so với cách làm trước đây.

Ông Bùi Duy Nam, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Nam Hùng cho biết, sau khi được cấp mã số vùng trồng, sản phẩm khoai tây của hợp tác xã có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng được nhiều đơn vị thu mua, đặt hàng. Trên 190 tấn khoai tây sau thu hoạch đã được Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Dương (thành phố Nam Định) thu mua để sản xuất các mặt hàng nông sản sấy. Công ty cũng đã ký hợp đồng liên kết với hợp tác xã, đây chính là cơ hội để hợp tác xã mở rộng sản xuất.

Theo ông Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nam Định, mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt để theo dõi tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng. Các dữ liệu về mã số vùng trồng cập nhật đầy đủ trên cơ sở dữ liệu chung của ngành nông nghiệp, giúp cho người dân và doanh nghiệp tham gia vào sản xuất và tiêu thụ nông sản chuyên nghiệp hơn.

Từ năm 2022 đến nay, hoạt động hỗ trợ xây dựng, cấp mã số vùng trồng đã được ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định chú trọng triển khai. Trong số đó, phối hợp với các cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân, hợp tác xã các bước triển khai thực hiện; tổ chức tiếp nhận, hoàn thiện hồ sơ đăng ký; thành lập các đoàn khảo sát, kiểm tra, đánh giá vùng trồng; tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn các nội dung liên quan đến mã số vùng trồng…

namdinh3.jpg
Công nhân chăm sóc cây ớt theo quy trình vùng trồng an toàn để xuất sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản. Ảnh: Công Luật-TTXVN

Hiện tại, tỉnh Nam Định đã có 91 mã số vùng trồng được cấp với tổng diện tích 1.150 ha; trong đó, vùng trồng lúa là 84 mã số; vùng trồng rau màu 5 mã số; vùng trồng ổi 1 mã số và vùng trồng hoa cúc 1 mã số. Ngành nông nghiệp Nam Định đang tích cực tuyên truyền về ý nghĩa của việc cấp mã số vùng trồng tới các xã, thị trấn, doanh nghiệp, người dân để đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng, phục vụ nhu cầu cung cấp nông sản chất lượng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ông Phan Thành Thư, quản lý Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và xuất nhập khẩu Thuận Hòa Phát cho biết, từ năm 2023 công ty đã xây dựng vùng trồng ớt xuất khẩu quy mô 40 ha tại huyện Ý Yên. Dự kiến tháng 7, công ty sẽ xuất khoảng 1.000 tấn ớt sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản. Hiện, công ty đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, nếu có được mã số vùng trồng, các sản phẩm của công ty sẽ thuận lợi tiếp cận thị trường các nước hơn.

Theo ông Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nam Định cho biết, thời gian tới chi cục sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương rà soát, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh xây dựng vùng trồng đảm bảo yêu cầu về diện tích, chất lượng, quy trình sản xuất. Đồng thời, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng và giữ vững mã số vùng trồng, để nông sản từ các vùng được cấp mã số luôn đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Công Luật

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm