Thông tin các quy định trong nhập khẩu nông sản, thực phẩm của EU

Sáng 7/5, Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm, Ủy ban châu Âu (DG-SANTE) phối hợp Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) tổ chức Hội nghị phổ biến các quy định nhập khẩu nông sản, thực phẩm nguồn gốc động thực vật vào thị trường EU.

hoinghiphobienquydinhnongsanxuatkhauvaochauAu.jpg
Toàn cảnh Hội nghị phổ biến các quy định nông sản thực phẩm có nguồn gốc động, thực vật vào thị trường EU - Ảnh: baochinhphu.vn

Gần đây, EU đã đưa ra một số yêu cầu riêng biệt đối với sản phẩm tổng hợp (composite) nhập khẩu. Theo bà Coulon Sylvie, Chuyên gia cao cấp của DG-SANTE, với quy định này thì quy định tỷ lệ phần trăm động vật trong sản phẩm chế biến sẽ không còn hiệu lực. Quy định mới ngặt nghèo hơn để bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn.

Để tuân thủ tốt quy định, bà Coulon Sylvie cho rằng, doanh nghiệp phải hiểu đúng về sản phẩm tổng hợp là gì. Sản phẩm tổng hợp là thực phẩm có chứa sản phẩm có nguồn gốc thực vật và sản phẩm chế biến có nguồn gốc động vật.

Như vậy, sản phẩm động vật chưa qua chế biến; sản phẩm không có thành phần thực vật hoặc sản phẩm có thành phần thực vật nhưng không làm thay đổi đặc tính của sản phẩm có nguồn gốc động vật sẽ không thuộc sản phẩm tổng hợp, bà Coulon Sylvie lưu ý.

Nhấn mạnh về quy định nhập khẩu sản phẩm tổng hợp, bà Coulon Sylvie lưu ý, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm là nguyên liệu là sản phẩm động vật trong sản phẩm tổng hợp phải đến từ các cơ sở được EU phê duyệt và đặt tại các quốc gia được phép xuất khẩu các sản phẩm chế biến có nguồn gốc động vật vào EU.

Bà Coulon Sylvie cho biết, cơ quan đưa ban hành quy định này sẽ có cẩm nang để trả lời các thắc mắc về sản phẩm tổng hợp. Bà Coulon Sylvie cũng nhấn mạnh, nếu doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu sản phẩm tổng hợp vào EU thì có thể gửi email trực tiếp cho bà. Qua đó, bà có thể giải đáp những thắc mắc cụ thể cho doanh nghiệp cũng như tiên lượng những khó khăn doanh nghiệp có thể gặp phải, từ đó giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp khi xuất khẩu sang EU.

Tại hội nghị, DG-SANTE đã giới thiệu chi tiết những quy định liên quan về vệ sinh, an toàn thực phẩm với sản phẩm tổng hợp, sản phẩm không có nguồn gốc động vật; các quy tắc về xuất xứ, cũng như kế hoạch giám sát dư lượng trên sản phẩm tổng hợp, sản phẩm không có nguồn gốc động vật. Kèm theo là các biện pháp kiểm dịch, dựa trên thông lệ quốc tế mà WTO ban hành.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã có hiệu được được gần 4 năm, song vẫn có những bất cập, khó khăn mặc dù hai bên đều có những thông tin tích cực để thúc đẩy thương mại nông sản, thực phẩm giữa hai bên. Đặc biệt là những khó khăn về quy định an toàn thực phẩm cũng như các quy định khác như: môi trường, phát triển bền vững.

Ông Lê Thanh Hòa mong muốn, EU tiếp tục hỗ trợ Văn phòng SPS Việt Nam cập nhật thông tin, quy định liên quan đến an toàn thực phẩm tới các doanh nghiệp khi xuất khẩu sản phẩm vào EU; đồng thời tăng cường năng lực cho hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cũng như mạng lưới kiểm dịch động thực vật của Việt Nam.

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường châu Âu đạt khoảng 5,3 tỷ USD. Đây là thị trường lớn thứ ba của Việt Nam, sau Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Bích Hồng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm