Tuân thủ tiêu chuẩn, chất lượng để thúc đẩy xuất khẩu trái cây Việt Nam

Tuân thủ tiêu chuẩn, chất lượng để thúc đẩy xuất khẩu trái cây Việt Nam

Trái cây là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, nhiều tiềm năng phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, để có thể mở rộng thị trường trái cây hiệu quả, bền vững vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện, đặc biệt là việc tuân thủ, đáp ứng tiêu chuẩn. Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo “Nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn, chất lượng để thúc đẩy xuất khẩu trái cây Việt Nam” do Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) phối hợp với Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 11/9.

Tuân thủ tiêu chuẩn, chất lượng để thúc đẩy xuất khẩu trái cây Việt Nam ảnh 1Tỉnh Sơn La hiện có 300 ha thanh long trồng tập trung chủ yếu tại các huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Yên Châu, Mộc Châu, sản lượng trung bình đạt 5.000 tấn/năm. Sản phẩm thanh long Sơn La đã khẳng định được chất lượng, uy tín với thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài, như Trung Quốc, Nga... Trong ảnh: Một vườn thanh long trồng ở tỉnh miền núi Sơn La. Ảnh: TTXVN phát

Ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trái cây là một trong những ngành nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu nông sản. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trái cây của Việt Nam trong 5 năm trở lại đây đạt khoảng 10-15% mỗi năm. Khối lượng xuất khẩu rau quả tươi hằng năm ước đạt từ 3,3 tới gần 4 triệu tấn (chiếm khoảng 30% tổng sản lượng). Thị trường nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc, tiếp đến là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU...

Xét về cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, thanh long, xoài, mít và chuối là bốn loại trái cây có khối lượng xuất khẩu lớn nhất chiếm khoảng 85% khối lượng xuất khẩu quả tươi. Về kim ngạch, sầu riêng đang là sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất nhóm trái cây tươi (khoảng 1,1 tỷ USD trong 7 tháng, dự kiến đạt 1,7 tỷ USD năm 2023).

Theo ông Lê Văn Thiệt, việc đàm phát mở cửa thị trường đã giúp tăng trưởng khối lượng, đa dạng sản phẩm và thị trường xuất khẩu, đưa Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu trái cây hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á và thế giới. Đồng thời, tạo động lực để người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu có sự đầu tư và cải tiến hệ thống sản xuất, chế biến, đóng gói, vận chuyển bảo đảm cung cấp ra thị trường các sản phẩm chất lượng, an toàn; đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu.

Tuy nhiên, xuất khẩu trái cây vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như hàng rào kỹ thuật, biến động của sinh vật gây hại, yêu cầu các biện pháp kiểm dịch thực vật, cạnh tranh quốc tế, phụ thuộc thị trường. Theo đó, tình trạng không tuân thủ các tiêu chuẩn có chiều hướng gia tăng. Nhận thức của người dân, doanh nghiệp còn theo tư duy buôn chuyến, chưa đầu tư nhiều, còn đối phó, chưa quan tâm đến chất lượng; đạo đức kinh doanh, trách nhiệm cộng đồng còn nhiều hạn chế, liên kết sản xuất – tiêu thụ chưa bền vững; tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng, hấp dẫn.

Mặt khác, cơ sở hạ tầng bảo quản, logistics, hạ tầng về xử lý kiểm dịch thực vật vẫn chưa theo kịp với tốc độ phát triển. Ứng dụng chuyển đổi số còn chậm, chưa đồng bộ, hệ thống phần mềm giám sát sự tuân thủ, truy xuất nguồn gốc. Công nghệ bảo quản và phòng trừ sinh vật gây hại sau thu hoạch chưa có sự phối hợp chặt chẽ, chưa được quan tâm nghiên cứu bài bản.

Do đó, muốn thúc đẩy xuất khẩu trái cây, cần hoàn thiện, nâng cấp hệ sinh thái sẵn sàng xuất khẩu (các phần mềm cơ sở dữ liệu, e-training flatform, website) theo hướng đa dụng, thân thiện với người dùng. Hoàn thiện quy trình sản xuất một số sản phẩm trái cây chủ lực như sầu riêng, bưởi, xoài, chuối,... để phòng trừ triệt để sinh vật gây hại, nâng cao chất lượng sản phẩm, kéo dài thời gian bảo quản. Song song đó, hoàn thiện hướng dẫn thiết lập, kiểm soát và quản lý cơ sở đóng gói, vùng trồng các loại trái cây chủ lực; tiếp tục nghiên cứu biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Tuân thủ tiêu chuẩn, chất lượng để thúc đẩy xuất khẩu trái cây Việt Nam ảnh 2Đồng Tháp đang có diện tích xoài lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long với hơn 13.995 ha, sản lượng trên 185.940 tấn/năm, tập trung nhiều ở thành phố Cao Lãnh, huyện Cao Lãnh, huyện Thanh Bình... trồng nhiều nhất là xoài cát Chu, Hòa Lộc và xoài Đài Loan. Nhiều giải pháp kỹ thuật mới đã được ứng dụng vào sản xuất để giảm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm xoài như: sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, an toàn thực phẩm, theo hướng hữu cơ… Hiện tại, xoài của tỉnh Đồng Tháp ngoài tiếp cận kênh thị trường các chợ truyền thống, chợ đầu mối, kênh phân phối hiện đại trong nước và thị trường ngoài nước như Hà Lan, Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Canada, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... Trong ảnh: Thu hoạch và đóng gói xoài đưa đi tiêu thụ của nhà vườn trồng xoài ở huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp). Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN

Ông Bahramalian Nima, Giám đốc Dự án Chương trình tiêu chuẩn, chất lượng UNIDO thông tin, tổng số trường hợp bị từ chối quả và quả hạch xuất khẩu của Việt Nam sang 5 thị trường lớn (Australia, Trung Quốc, EU-28, Nhật Bản, Mỹ) đã tăng 42% từ 24 trường hợp năm 2010 lên 34 trường hợp vào năm 2020; trong đó, thị trường Mỹ có tỷ lệ bị từ chối lớn nhất (67%), Australia, Trung Quốc và EU có tỷ lệ bị từ chối tương đương nhau (8-13%).

Nguyên nhân chính của các trường hợp bị từ chối của Việt Nam năm 2020 là nhiễm khuẩn (22%) và điều kiện/kiểm soát vệ sinh (18%). Các nguyên nhân khác gồm dư lượng thuốc thú y (13%), ghi nhãn (14%), dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (10%) và phụ gia (7%).

“Việt Nam cần tăng cường năng lực về kỹ thuật đánh giá cũng như kiểm soát an toàn, vệ sinh để tuân thủ quy định quốc tế đối với các nguyên nhân bị từ chối chính đã nêu trên. Theo đó, cần tăng cường hệ thống giám sát an toàn thực phẩm quốc gia và phối hợp với tất cả các bên liên quan huy động biện pháp kiểm soát chính thức. Đồng thời, cần cải thiện năng lực kiểm soát chất lượng của công chức cũng như nông dân bằng cách cung cấp các khóa đào tạo về phân tích rủi ro vệ sinh thực phẩm và học cách áp dụng thực hành sản xuất tốt (GMP) và thực hành vệ sinh Tốt (GHP) trong các chuỗi thực phẩm khác nhau - ông Bahramalian Nima khuyến nghị.

Liên quan đến truy xuất nguồn gốc, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tập trung cải thiện tính minh bạch dọc theo chuỗi thực phẩm để tăng cường phát hiện sự hiện diện của thực phẩm không an toàn. Việt Nam cũng cần phải xác minh việc tuân thủ các thực hành nông nghiệp tốt và phát hiện các hành vi gian lận. Để cải thiện việc quản lý thuốc bảo vệ thực vật, các nhà xuất khẩu thương mại nông sản có thể hợp tác với chuyên gia bảo vệ thực vật nhằm tạo ra và phổ biến công nghệ bảo vệ thực vật hiệu quả hơn.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tế, bà Nguyễn Nam Phương Thảo - Giám đốc Kinh doanh, Công ty Hoàng Phát Fruit cho biết, để đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng của thị trường xuất khẩu, công ty thường xuyên có chương trình đào tạo nông dân, hợp tác xã đang cung cấp nguyên liệu về những yêu cầu mới và mong muốn về chất lượng sản phẩm để kiểm soát nghiêm ngặt quy trình trong toàn chuỗi; đào tạo công nhân nhà máy trong việc kiểm soát tốt hơn nhiệt độ, xử lý nấm bệnh trong quá trình sơ chế. Nhờ đó, nông dân, hợp tác xã cung cấp nguyên liệu đã hiểu rõ hơn về vấn đề kỹ thuật và yêu cầu chất lượng; việc hợp tác được thực hiện lâu dài, đảm bảo yếu tố lợi nhuận và bền vững cho các bên. Chất lượng trái cây tốt hơn, đặc biệt là kiểm soát được nấm bệnh, giảm tỷ lệ từ 10 - 12% xuống 3 - 5%, có lô hàng 0%.

Để cải thiện năng lực đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng của trái cây, bà Nguyễn Nam Phương Thảo kiến nghị cơ quan, đơn vị đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng giống trái cây có khả năng chống bệnh, dễ bảo quản, vận chuyển và phù hợp với từng thị trường tiêu thụ tươi hoặc sản phẩm chế biến. Nhà nước cần đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, cầu cảng, đặc biệt là hệ thống kho mát, logistics hiện đại, đồng bộ để giảm chi phí vận chuyển. Đồng thời, có chính sách thu hút nhà đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp.

Xuân Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm