Cà phê là loại nông sản đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, đem lại nguồn sinh kế cho người dân, nhất là người dân vùng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng; trong đó, Buôn Ma Thuột được mệnh danh là “Thủ phủ Cà phê của Việt Nam”, vì vậy địa phương “tham vọng” trở thành điểm đến của cà phê thế giới. Đây là thông tin được đại diện UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết trong khuôn khổ chuỗi hoạt động và họp báo công bố thông tin Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025, tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 21/2.

Xúc tiến, quảng bá sản phẩm bản địa
Theo ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, Đắk Lắk đã triển khai đa dạng hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để quảng bá sản phẩm bản địa, gắn kết sự phát triển giữa sản xuất và xuất khẩu, mở rộng thị trường và hợp tác đầu tư… từ đó phát huy tối đa nội lực, tranh thủ nguồn lực bên ngoài, tạo điều kiện cho nền kinh tế địa phương phát triển nhanh có hiệu quả.

Bên cạnh đó, Đắk Lắk không ngừng nỗ lực tạo cơ hội tốt cho nhà quản lý, doanh nghiệp, cùng bạn bè trên thế giới có dịp gặp gỡ, trao đổi hợp tác kinh doanh, góp phần tham gia nhiều lĩnh đầu tư, thương mại, du lịch… bằng việc giới thiệu hình ảnh đặc sắc về văn hóa - con người, các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Đắk Lắk.
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025, với chủ đề “Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới” vừa là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975-10/3/2025), vừa tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê. Thông qua lễ hội, địa phương giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống đặc trưng của đồng bào các dân tộc, không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên - Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại…
Cụ thể, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 sẽ diễn ra từ ngày 9 - 13/3, sẽ có khoảng 17 sự kiện chính thức và đa dạng hoạt động hưởng ứng Lễ hội của các địa phương như chương trình giới thiệu về cà phê với sự ứng dụng công nghệ mới để không ngừng nâng cao chất lượng, sản lượng cà phê trong giai đoạn mới văn hoá thưởng thức cà phê truyền thống, hiện đại qua trình diễn rang xay cà phê, du lịch trải nghiệm cà phê hữu cơ…
Ngoài ra, những điểm nhấn mới của lễ hội năm nay còn có thể kể đến, gồm: Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP; Cuộc thi rang cà phê đặc sản; Hội nghị giao thương quốc tế - Kết nối, nâng tầm Cà phê Việt; Lễ khởi công Nhà máy cà phê năng lượng Trung Nguyên Legend; Hội trại cà phê “Đồng hành, chia sẻ” tại khu di tích lịch sử - văn hóa Đồn điền CADA, huyện Krông Pắc…
Ghi nhận hiện tại địa phương, có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất cả nước, với diện tích khoảng 210.000 ha, sản lượng thu hoạch hàng năm đạt hơn 520.000 tấn, chiếm hơn 30% sản lượng toàn quốc. Cà phê của Đắk Lắk đã xuất khẩu đến hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, vừa đóng góp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vừa nâng cao vị thế ngành cà phê Việt Nam trên trường quốc tế.

Đại diện một số sở ngành Đắk Lắk cho biết, quá trình xây dựng vùng nguyên liệu bền vững của Đắk Lắk đã bắt đầu từ nhiều năm về trước. Đồng thời. với việc trở thành địa phương đầu tiên trên thế giới sở hữu vùng canh tác cà phê 40.000 ha đạt chứng nhận EUDR (Quy định của EU về các sản phẩm không gây phá rừng), Đắk Lắk đang khẳng định vai trò tiên phong trong xu hướng sản xuất xanh và minh bạch.
Doanh nghiệp kết nối sản xuất và xuất khẩu
Với đặc thù về sự đa dạng sắc tộc, khí hậu, thổ nhưỡng phong phú, Đắk Lắk không chỉ sản xuất cà phê chất lượng mà còn đảm bảo người dân hưởng lợi trực tiếp từ chính sách phát triển nông nghiệp bền vững và đã được chứng minh thông qua sự gia tăng thu nhập và mức sống của nông dân trong tỉnh. Song song đó, trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều doanh nghiệp cam kết đồng hành cùng sự phát triển chung của ngành, đưa thương hiệu cà phê Đắk Lắk tiến xa hơn nữa trên bản đồ quốc tế.

Cụ thể, ông Hoàng Danh Hữu, Nhà sáng lập MISS EDE (một thương hiệu cà phê trẻ nhưng đang từng bước khẳng định vị thế của mình trên thị trường trong nước và quốc tế) cho hay, dù mới chỉ có 5 năm phát triển nhưng MISS EDE đã trở thành thương hiệu thứ hai của Đắk Lắk xuất khẩu container đầu tiên phê thành phẩm, có bao bì hoàn chỉnh, sang thị trường Hoa Kỳ. Đây không chỉ là cột mốc quan trọng của doanh nghiệp, mà còn là minh chứng cho chất lượng và tiềm năng của cà phê Đắk Lắk trên bản đồ thế giới.
Dự kiến vào tháng 3/2025, MISS EDE sẽ công bố xuất khẩu container thứ 2 và 3 sang Hoa Kỳ với cà phê được thu hoạch từ vùng canh tác bền vững. Ngoài ra, giới thiệu container cà phê thành phẩm đầu tiên có dán tem QR-Code theo quy định EUDR, đánh dấu bước tiến vào thị trường Thụy Điển. Điều này thể hiện nỗ lực không ngừng của chúng tôi trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất, đưa cà phê Việt Nam tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Còn đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn quốc tế Mỹ Việt (MVG) chia sẻ, đang đẩy mạnh liên kết với nông dân, đầu tư công nghệ và phát triển sản phẩm cà phê bền vững, không chỉ tập trung vào chất lượng sản phẩm mà còn hướng đến giảm thiểu tác động môi trường và mở rộng cơ hội tham gia vào thị trường tín chỉ carbon, góp phần thúc đẩy ngành cà phê Việt Nam phát triển theo hướng xanh hơn.
Mặt khác, trước bối cảnh phát triển cà phê bền vững không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu tất yếu của thị trường quốc tế, MVG đã xây dựng các mô hình liên kết với hộ nông dân trong hỗ trợ trong canh tác, thu hoạch và chế biến cà phê theo tiêu chuẩn bền vững; ứng dụng công nghệ hiện đại theo dõi quy trình sản xuất, đảm bảo không có tình trạng tàn phá rừng và đáp ứng các yêu cầu khắt khe của những thị trường khó tính như EU.
Hiện nay, cà phê Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn khi thị trường quốc tế ngày càng khắt khe về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm và tiêu chuẩn môi trường. Đáng chú ý, từ ngày 31/12/2024, EU sẽ không nhập khẩu các sản phẩm như cà phê, ca cao, gỗ, cao su… nếu có nguồn gốc từ vùng đất từng bị tàn phá rừng. Đồng thời, tác động của biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng và chất lượng cà phê, khiến việc canh tác trở nên bấp bênh.
Các doanh nghiệp chỉ ra rằng, liên kết với nông dân là yếu tố cốt lõi trong chiến lược ổn định giá cả tránh tình trạng nông dân bị ép giá hoặc phụ thuộc vào biến động thị trường. Cùng với đó, hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ cho bà con, giúp họ sản xuất theo mô hình nông nghiệp sạch, bền vững sẽ cho ra những sản phẩm cà phê có thể tiếp cận các thị trường khó tính như EU, Mỹ và Nhật Bản; gia tăng niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và đạt tiêu chuẩn môi trường./.
Mỹ Phương