Trong số 18 sản phẩm OCOP của 8 chủ thể vừa được công nhận đạt chuẩn 4 sao vào đầu năm 2025, có 6 sản phẩm mới là tôm khô tách vỏ; bánh phồng hàu của của Hợp tác xã Tân Phát Lợi (ấp Tân Lập, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển), yến chưng đường phèn; tổ yến chưng sẵn dành cho trẻ em; yến chưng đường ăn kiêng; yến tinh chế của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Yến sào Đất Mũi (Số 42 - 44 - 46, đường Tạ Uyên, Khóm 4, Phường 9, thành phố Cà Mau). 12 sản phẩm OCOP 4 sao còn lại vừa được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao được nâng hạng lên 4 sao.
Sau khi công nhận hạng sao cho 18 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao, UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận, sử dụng biểu trưng của chương trình OCOP và thứ hạng sao để in ấn trên bao bì sản phẩm; đồng thời các chủ thể được hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP theo quy định hiện hành.
Liên quan đến việc phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, các chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP tiếp tục tiêu chuẩn hóa, phát triển sản phẩm, khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết, bổ sung, hoàn thiện sản phẩm để tham gia nâng hạng sản phẩm; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.
Cùng với đó là chú trọng phát triển các mô hình vùng nguyên liệu bền vững, liên kết giữa các nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp để đảm bảo nguồn cung ứng ổn định cho sản xuất.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đề nghị ngành chủ quản hướng dẫn các địa phương, chủ thể sử dụng logo OCOP đối với các sản phẩm được công nhận thứ hạng sao theo quy định; thực hiện kiểm tra định kỳ sản phẩm và đề xuất xử lý đối với các chủ thể vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP và các quy định của pháp luật có liên quan.
Tỉnh Cà Mau còn định hướng nâng cao chất lượng sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn xuất khẩu, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng để phục vụ xuất khẩu; tiếp tục sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng mới hoặc kim ngạch xuất khẩu nhỏ từ sản phẩm OCOP, nông lâm thủy sản như: Chuối sấy, gạo, gỗ, các chế phẩm từ đầu vỏ tôm, bột cá, thủy sản khác…và sản phẩm công nghiệp khác.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm ở Cà Mau đang trên đà phát triển mạnh mẽ, đầy hứa hẹn, mở ra nhiều cơ hội trong năm mới Ất Tỵ.
Năm 2025, Cà Mau đặt mục tiêu đánh giá, công nhận mới ít nhất 40 sản phẩm đạt 3 - 4 sao; phấn đấu có ít nhất 20% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 10% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa có sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên...
Đến nay, toàn tỉnh có 191 sản phẩm được công nhận OCOP, gồm 47 sản phẩm 4 sao, 144 sản phẩm 3 sao; trong đó, có 65 sản phẩm của 27 chủ thể được đưa vào kênh phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh; 100% sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử của tỉnh (madeincamau.com) và 57 sản phẩm trên sàn thương mại điện tử Buudien.vn; 80 sản phẩm của 31 chủ thể đã kết nối sàn thương mại điện tử khác như: Lazada Shopee, TiKi, Tiktok Shop…
Có thể nói, năm 2024 là năm sản phẩm OCOP Cà Mau có nhiều phát triển, tăng sức cạnh tranh và khẳng định về chất lượng, thương hiệu sản phẩm OCOP Cà Mau. Doanh thu mang về cho các chủ thể đạt gần 147 tỷ đồng, tăng khoảng 30% so với năm 2023. Hàng nghìn lao động được giải quyết việc làm, có nguồn thu nhập ổn định từ việc tham gia vào công việc sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm OCOP tại địa phương.
Kim Há