Sau một ngày diễn ra sôi nổi, chiều 7/12, Hội thi “Tuyên truyền về Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Cà Mau năm 2024” đã chính thức bế mạc. Hội thi thu hút 9 đội dự thi, với hơn 100 thí sinh tham gia. Mỗi đội tham gia 3 phần thi: tiểu phẩm, kiến thức và xử lý tình huống. Giải nhất hội thi đã thuộc về đội đến từ huyện Trần Văn Thời; giải nhì thuộc về 2 đội đến từ huyện Đầm Dơi, Thới Bình… Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao giải diễn viên xuất sắc, đội có kịch bản hay nhất, đội xử lý tình huống hay nhất.
Nghệ sĩ ưu tú, đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, thành viên Ban giám khảo hội thi đánh giá: "Phần thi tiểu phẩm của các đội đã đem đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc. Thông qua đây, những sản phẩm OCOP đã bừng sáng lên bức tranh nông thôn mới đang chuyển mình, người nông dân đã tiếp cận được công nghệ thông tin, quảng bá bán hàng qua mạng, kết nối với toàn cầu. Về kịch bản, mặc dù thời gian rất ngắn nhưng nhiều đội đã dùng hình thức ca múa nhạc tạo ra sức hấp dẫn cho người xem. Sản phẩm OCOP do chính người nông dân sáng tạo ra, họ phải trăn trở, học hỏi, áp dụng khoa học công nghệ, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền để các sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 4 sao, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Tuy nhiên, các tiểu phẩm chỉ mới đề cập đến việc quảng cáo, bán hàng, chưa nói lên được quy trình làm ra sản phẩm để đạt OCOP 3 sao, 4 sao".
Với tiểu phẩm của huyện Trần Văn Thời, ông Nguyễn Tiến Dương chia sẻ, người xem thấy được sự khát khao của chủ thể muốn biến những cây mọc hoang dại trên quê hương thành sản phẩm OCOP, anh dám từ bỏ cuộc sống thành thị để về quê lập nghiệp, khát khao trả nghĩa cho quê hương và mong muốn sản phẩm OCOP vươn ra thế giới.
Ông Nguyễn Văn Quân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, Trưởng Ban tổ chức hội thi nhận định, các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân, thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Qua chương trình OCOP, phát hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị nông sản của tỉnh.
Sau 4 năm thực hiện, chương trình OCOP tỉnh Cà Mau đã lan tỏa mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ, rộng khắp ở nhiều địa phương, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới. Bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặc biệt là sự cố gắng tham gia tích cực của các chủ thể, đến nay, tỉnh Cà Mau đã có 166 sản phẩm OCOP (29 sản phẩm 4 sao, 137 sản phẩm 3 sao) của 81 chủ thể. Có 65 sản phẩm của 27 chủ thể được đưa vào các hệ thống phân phối trong và ngoài tỉnh; 150 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử: madeincamau.com; 57 sản phẩm trên sàn thương mại điện tử: Buudien.vn; có 76 sản phẩm/49 chủ thể tham gia Cổng truy xuất nguồn gốc của tỉnh.
Mặc dù đạt nhiều kết quả phấn khởi, tuy nhiên trong quá trình triển khai chương trình OCOP tại các địa phương cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức, đặc biệt là công tác truyền thông còn hạn chế, nên nhiều chủ thể tiềm năng chưa hiểu rõ và nhận thức đầy đủ về lợi ích khi tham gia chương trình.
Qua Hội thi này sẽ tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức về sản phẩm góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Huỳnh Anh