Những năm gần đây, Bạc Liêu đang chứng kiến sự thay đổi lớn trong ngành nông nghiệp thông qua việc ứng dụng công nghệ số. Đây là một xu hướng chuyển mình mạnh mẽ, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thay đổi diện mạo ngành nông nghiệp ở địa phương này.

Hợp tác xã (HTX) sản xuất - dịch vụ nông nghiệp An Hưng Phát ở xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi có 87 thành viên với trên 90% là đồng bào Khmer. Ông Hồng Chanh Ly, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc hợp tác xã cho biết: "Nhiều thành viên HTX đã biết sử dụng thiết bị thông minh. Các công đoạn gieo sạ, rải phân, phun thuốc… đều do máy bay không người lái đảm nhận, vừa giải phóng sức lao động vừa tiết kiệm chi phí cho nông dân”.

Tại HTX nông nghiệp 8/3 ở xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long, chuyển đổi số không chỉ diễn ra trên những cánh đồng mà còn góp mặt trong cả khâu tiêu thụ. Thành viên HTX hiện đã tham gia sàn thương mại điện tử, mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Ông Huỳnh Trung Thủ, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp 8/3 chia sẻ: “Nhờ có sàn thương mại điện tử mà sản phẩm OCOP 3 sao rau cần nước của HTX được tiêu thụ trên toàn quốc. Việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử đã giúp thành viên HTX thay đổi cách thức quản lý và phương thức bán hàng”.

Nhiều hộ dân sản xuất riêng lẻ ở Bạc Liêu cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi số để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Điển hình như hộ ông Phan Văn Đạt ở ấp Mỹ 1, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long với nghề đan lát thủ công mỹ nghệ. Từ khi tham gia các sàn giao dịch điện tử, mạng xã hội, sản phẩm của gia đình được tiêu thụ nhiều gấp 2 - 3 lần so với trước đây.


Ông Nguyễn Hoàng Thoại, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Bạc Liêu hiện có 61 chủ thể OCOP, thường xuyên quảng bá, giới thiệu 130 sản phẩm lên sàn thương mại điện tử như: Postmart.vn, Lazada, Shopee, Mekongexpo và các mạng xã hội. Để nâng cao hiệu quả chuyển đổi số, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành có liên quan tập huấn, nâng cao kỹ năng số cho nông dân; tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ nông dân thay đổi tư duy sản xuất... Hội Nông dân tỉnh phấn đấu đến năm 2025, 100% cán bộ có tài khoản thanh toán điện tử; 70% hội viên nông dân được tuyên truyền về chuyển đổi số, công nghệ số”.
Tuấn Kiệt