Dù tạo ra công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hàng ngàn lao động tại khu vực nông thôn nhưng các làng nghề của tỉnh Bạc Liêu đang bị mai một, nhiều làng nghề hoạt động cầm chừng. Trước thực trạng như vậy, tỉnh Bạc Liêu đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp để duy trì và phát triển các làng nghề, trong đó xác định bảo tồn làng nghề phải gắn với phát triển du lịch.

* Làng nghề đang mai một
Ấp Nhà Lầu I ở xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân từ lâu đã nổi tiếng trong và ngoài tỉnh Bạc Liêu với nghề đan thủ công tre, trúc. Ông Lê Văn Thể (người có hơn 50 năm làm nghề đan đát) cho biết, vào những thập niên 50 - 60 của thế kỷ trước, do nhu cầu thực tế của địa phương, cũng như nhiều khu vực lân cận, người dân nơi đây đã tận dụng ưu thế về địa hình thổ nhưỡng để trồng tre, trúc, phát triển nghề đan đát. Sản phẩm được làm ra là những nông cụ, hàng gia dụng phục vụ cho nhu cầu đời sống nhân dân.
Ở thời vàng son, làng nghề đan đát ấp Nhà Lầu I có đến hàng trăm hộ gắn bó với nghề. Thời điểm ấy, trong ấp rộn ràng, nhộn nhịp ngày đêm, già trẻ, gái trai ai ai cũng tất bật với nghề, không chỉ đan cần xé, bà con còn đang rổ, sàng, sề, sọt, thúng... Năm tháng trôi qua, khi nhiều sản phẩm công nghiệp bằng nhựa, inox… ra đời, làng nghề đan đát này lâm cảnh lao đao vì không thể cạnh tranh được về mẫu mã và giá cả. Từ hơn 200 hộ làm nghề đã giảm còn 90 hộ.
Không riêng gì nghề đan đát tre, trúc, nghề rèn cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Có người ví nghề rèn truyền thống mang đậm dấu ấn lao động nông nghiệp vì ẩn chứa trong những giọt mồ hôi mặn chát, bàn tay chai sạm, thô ráp của các thợ rèn là cả một niềm vui được mùa của hàng lớp người đi khai hoang, mở cõi. Do nhiều nguyên nhân mà chủ yếu là trình độ công nghệ hóa ngày càng cao kéo theo cơ giới hóa nông nghiệp làm cho nghề rèn truyền thống dần bị mai một.
Anh Trần Quang Điệp ở ấp Thống Nhất, thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân lớn lên trong một gia đình truyền thống 3 đời làm nghề rèn. Anh Điệp cho biết. sưa làng rèn nơi đây có đến vài chục hộ sống bằng chính nghề rèn, đặc biệt sản phẩm dao Ngan Dừa nức tiếng một thời khắp các vùng miền Tây sông nước. Tuy vậy, đến nay làng rèn này, chỉ còn 4 hộ ngày ngày vẫn miệt mài với việc sản xuất các loại dao lớn, nhỏ. Với anh Điệp, tiếng búa đập, tiếng mài sắt đã trở thành những bản nhạc quen thuộc trong tâm thức.
Chia sẻ về nghề rèn, anh Điệp cho biết: “Trước đây nghề rèn làm ăn rất khá, bởi tất cả vật dụng từ sinh hoạt tới làm ruộng đều cần thợ rèn. Mỗi ngày một lò rèn bỏ túi trên 1 triệu đồng là chuyện rất dễ dàng. Nay nông cụ sản xuất phần lớn đã làm bằng máy móc tinh xảo, giá cả lại cạnh tranh nên nghề rèn thủ công thu hẹp dần. Làm nghề này vừa cực, vừa nóng nực, nặng nhọc, vất vả. Suốt ngày ngồi một chỗ với cây búa, bếp lửa mà thu nhập chẳng được bao nhiêu nên không còn thu hút được người lao động, nhát là những người trẻ”.
Nhìn nhận về sự mai một của các làng nghề, ông Trần Anh Khiêm, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long, nơi có làng ngề đan đát tre, trúc ở ấp Mỹ 1 chia sẻ: “Qua khảo sát, một trong những khó khăn trong lưu giữ và phát triển làng nghề truyền thống hiện nay chính là nhiều làng nghề chỉ tập trung ở khâu sản xuất, chưa chú trọng đến khâu tiếp thị, quảng bá, cũng như chưa nghiên cứu sáng tạo thêm các sản phẩm mới từ thế mạnh của mình. Sản phẩm làm ra lại trải qua nhiều khâu trung gian, làm cho lợi nhuận thu về thấp và không còn hấp dẫn người lao động tham gia. Cùng với đó là trình độ quản lý sản xuất của người lao động ở các làng nghề còn rất hạn chế và chưa có khả năng quản lý tốt các quy trình từ khâu đầu vào đến đầu ra. Lao động qua đào tạo còn thấp và chủ yếu là truyền nghề, chưa phù hợp với tác phong công nghiệp, sản xuất còn phân tán, theo thời vụ và sản phẩm làm ra thiếu những định hướng về thị trường”.

* Vực dậy làng nghề
Tỉnh Bạc Liêu có 10 làng nghề ở các lĩnh vực như: đan đát, mộc, dệt chiếu, rèn, sản xuất muối… được công nhận. Các làng nghề này đã tham gia giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho trên 1.500 hộ gia đình ở nông thôn. Mặc dù vậy, sự phát triển của các làng nghề hiện nay đã không còn bắt kịp nhu cầu phát triển của thời đại. Khảo sát ở các làng nghề truyền thống cho thấy, quy mô các làng nghề ngày càng nhỏ dần và có nguy cơ mất đi khi phần lớn lao động bỏ nghề và xa xứ mưu sinh.
Ông Trần Thanh Mến, Giám đốc Sở Công Thương Bạc Liêu cho biết, đơn bị đang hỗ trợ và khuyến khích các các làng nghề đầu tư đổi mới thiết bị, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó, để tìm được đầu ra cho sản phẩm, các làng nghề cần phải biết kết hợp một cách hợp lý giữa truyền thống và công nghệ hiện đại, áp dụng công nghệ mới vào một số công đoạn của quá trình sản xuất. Đồng thời, vẫn phải kế thừa kinh nghiệm trong quy trình chế tác ở những công đoạn thể hiện sự tinh xảo, nét đặc trưng của sản phẩm. Từ đó có thể sản xuất ra sản phẩm nhanh hơn, mẫu mã phong phú hơn, giá thành rẻ hơn nhưng vẫn giữ được nét tinh xảo, đặc trưng truyền thống.
Theo Giám đốc Sở Công Thương Bạc Liêu, để góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề một cách bền vững cần gắn phát triển du lịch với làng nghề. Việc gắn két này không chỉ giúp mở rộng thị trường, mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy việc phát triển sản xuất các sản phẩm làng nghề, còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong mỗi làng nghề.
Dưới góc độ của cơ quan quản lý về du lịch, ông Lý Vỹ Triều Dương, Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu chia sẻ. thời gian qua, bên cạnh những loại hình du lịch vốn là thế mạnh của Bạc Liêu như du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái... du lịch làng nghề đang trở thành một hướng đi triển vọng để thu hút du khách. Du lịch làng nghề có thể hiểu là loại hình du lịch văn hoá tổng hợp thông qua hình thức đưa du khách tới tham quan, cảm nhận các giá trị văn hóa và mua sắm những hàng hóa đặc trưng của địa phương.
Theo đánh giá, các làng nghề thủ công truyền thống của Bạc Liêu đang là xu hướng được khách du lịch tìm đến, phần là bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ làng nghề qua từng sản phẩm thủ công đặc trưng, phần khác vì đến với làng nghề của Bạc Liêu không chỉ được ngắm cảnh quan của một làng quê đặc trưng vùng đồng bằng Nam bộ với những vườn trúc thơ mộng, thưởng thức cảnh bình yên sống nước, mà còn được tham quan nơi sản xuất, trực tiếp tiếp xúc với thợ thủ công và tham gia làm thử một vài công đoạn sản xuất các sản phẩm. Điều này tạo nên sức hấp dẫn riêng của du lịch làng nghề.
Để khai thác tiềm năng phục vụ hiệu quả du lịch làng nghề, ngành du lịch tỉnh Bạc Liêu đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đến sự khác biệt, tạo nên những sản phẩm đặc thù của địa phương. Theo đó, Bạc Liêu sẽ quan tâm khai thác những đặc trưng về văn hóa, cảnh quan khu vực nông thôn, hình thành các sản phẩm du lịch làng nghề hấp dẫn để du khách có thể tham quan, trải nghiệm.
Ngành du lịch đang hỗ trợ các làng nghề truyền thống, các cơ sở sản xuất hàng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang tính đặc trưng của quê hương Bạc Liêu như: Làng nghề đan đát ấp Mỹ I (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long); làng nghề mộc, nghề dệt chiếu, nghề đan đát (huyện Hồng Dân), nghề làm muối (huyện Đông Hải và huyện Hòa Bình)... góp phần giải quyết công ăn việc làm, thúc đẩy phát triển tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn và phục vụ phát triển du lịch.
Tại làng nghề đan đát ấp Mỹ I ở xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long cùng với việc thực hiện Dự án “Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để xây dựng mô hình làng nghề tre, tầm vông, trúc đan đát theo hướng tập trung”, chính quyền và người dân ở đây tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông vào làng nghề thuận lợi, xây dựng các nhà trưng bày, giới thiệu sản phẩm.
Ngoài ra, chính quyền và người dân đang triển khai đề án củng cố, phát triển làng nghề đan đát truyền thống gắn với phát triển du lịch nông thôn, thông qua việc vận động thành lập Hợp tác làng nghề Trúc Xanh, với 19 thành viên để quản lý, tổ chức sản xuất hoạt động và phát triển làng nghề.
Theo ông Trần Anh Khiêm, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Phú Đông, hướng đi này này tuy mới triển khai nhưng hứa hẹn sẽ tạo nên những đột phá mới cho làng nghề, tạo điều kiện cho người nơi đây phát triển kinh tế gia đình từ việc phát triển du lịch và bán các sản phẩm của làng nghề.
Ngoài sản phẩm chủ đạo của làng nghề hiện nay là cần xé, xã Vĩnh Phú Đông còn vận động các thợ thủ công phát triển thêm một số sản phẩm mới, nhất là một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ gắn với định hướng phát triển du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh công tác quảng bá, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch cộng đồng, góp phần bảo tồn làng nghề gắn với phát triển du lịch.
Tuấn Kiệt