Bánh tét và mứt là món ăn ngon, không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của người dân miền Tây. Mùi thơm lừng của mứt, của đòn bánh tét nóng hổi như nhắc nhở mọi người về một cái Tết đoàn viên, gia đình cùng thưởng thức món ngon mà ông bà đã lưu truyền qua nhiều đời. Ngày nay, xã hội phát triển, nhiều loại bánh, mứt được sản xuất công nghiệp với mẫu mã đa dạng, nhưng với nhiều gia đình, mứt Tết được làm thủ công vẫn có một hương vị riêng.
Mấy chục năm qua, gia đình bà Trần Thị Sol và Trần Thị Chính (xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) vẫn giữ truyền thống làm bánh, mứt mỗi dịp Tết. Bà Trần Thị Sol chia sẻ, trước đây, vào những ngày cận Tết nguyên đán, các thành viên trong đại gia đình lại rôm rả cùng làm các loại mứt dừa, mứt chuối, bánh quai vạc…để có món ngon dâng lên cúng ông bà và đãi khách. Theo thời gian, các anh, chị, em đều lập gia đình, có người ở xa nên nên việc làm bánh mứt Tết ngày càng vắng người. Mặc dù vậy, hàng năm bà đều cố gắng làm mứt ngày Tết, những người ở gần thì đến cùng làm, ai ở xa thì được tặng riêng một phần bánh mứt thơm thảo.
Trong các loại mứt thì mứt dừa luôn là món mứt được gia đình bà Sol lựa chọn. Với nguyên liệu đơn giản từ những trái dừa trong vườn nhà, qua bàn tay khéo léo chế biến, các thành viên trong gia đình sẽ có những dĩa mứt thơm lừng với vị ngọt thanh, béo ngậy. Bà Sol cho biết, để có được món mứt dừa thơm ngon, trước hết phải lựa chọn được những trái dừa phù hợp. Cơm dừa không quá cứng, không quá mềm được tách ra khỏi vỏ, cắt sợi dài hoặc miếng vừa ăn. Cơm dừa được rửa sạch, rồi đem trần sơ qua nước sôi, để ráo nước và ướp với đường. Sau đó, phần dừa này được đun liu riu, đảo đều tay tới khi đường bám vào miếng dừa tạo thành lớp bột là được. Ngày nay, người dân thường dùng các loại lá dứa, lá cẩm để làm cho mứt dừa có màu sắc bắt mắt và an toàn cho sức khỏe.
Còn bà Trần Thị Chính (em bà Sol) là người chuyên làm bánh quai vạc. Món đồ tạo hình bánh được mẹ truyền lại từ mấy chục năm trước vẫn được bà giữ đến nay. Cứ mỗi dịp Tết đến, bà lại mang ra để làm bánh. Bà Chính chia sẻ: “Bánh quai vạc là món bánh ưa thích của con cháu mỗi khi tụ họp về trong ngày đầu năm mới. Năm nào chị em tui cũng xúm lại làm, trước cúng ông bà, xong thì gia đình dùng. Bánh nhà làm hương vị nó đậm đà hơn mua ở chợ. Hơn hết là để giữ truyền thống, nhắc nhớ cái không khí ngày xuân ngày Tết của gia đình. Khi quây quần làm bánh, chị em kể nhau nghe những vui buồn trong cuộc sống, từ đó tình cảm gia đình gắn kết”...
Ngày Tết ở miền Tây, bánh tét là món không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên. Gói bánh tét ăn Tết trở thành một nét văn hóa thảo thơm từ mỗi nếp nhà. Nhà nào có đông con cháu thì cùng nhau gói bánh, nhà nào thưa vắng người thì rủ thêm hàng xóm đến để chia sẻ. Năm nào cũng vậy, cứ cận Tết là gia đình bà Lượng Ngọc Nuôi (xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ) lại tất bật chuẩn bị nguyên liệu gói bánh tét. Ngoài gói cho gia đình, bà còn dành nhiều đòn bánh tét gửi đến những người thân quen.
Bà Lương Ngọc Nuôi cho biết: Để gói bánh phải chuẩn bị trước mấy ngày, rọc rồi phơi lá chuối, xong đi mua nguyên liệu gói bánh, sơ chế sẵn. Nếp để lên màu đẹp phải ngâm qua đêm. Sáng hôm sau hấp nếp rồi bắt đầu gói bánh. Để bánh ngon thôi không đủ mà phải đẹp, nên khâu buộc bánh cũng quan trọng. Thường thì những người phụ nữ có tuổi trong nhà có kinh nghiệm sẽ làm các khâu sơ chế, chuẩn bị nguyên liệu, gói bánh, đến khâu buộc bánh sẽ giao lại cho chồng hoặc con cháu. Cứ như thế, qua mỗi năm, các con sẽ "thấm" cách làm để có những đòn bánh tét ngọt thơm trong ngày Tết.
Dù có đầy đủ bánh mứt hiện đại nhưng nhiều gia đình vẫn không quên nhắc nhở con cháu về những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được trao truyền và tiếp nối qua nhiều thế hệ. Với các gia đình này, việc gói bánh tét, làm bánh, mứt truyền thống không chỉ để cảm nhận không khí gia đình sum vầy mà còn là cách trao truyền cho con cháu cùng tiếp nối, giữ gìn phong tục tốt đẹp. Đó cũng là cách để hương vị của quê hương luôn "sống" trong các thế hệ mỗi khi Tết đến xuân về.
Lê Thúy Hằng