Phát triển cây dược liệu dưới tán rừng là một trong những chủ trương lớn của tỉnh Lai Châu. Thực hiện chủ trương này, Lai Châu đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân đầu tư, phát triển cây dược liệu. Từ đó, mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống và vươn lên làm giàu, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.
![Người dân xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ chăm sóc vườn đương quy. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN potal-lai-chau-khai-thac-tiem-nang-tu-trong-duoc-lieu-7842850.jpg](https://media.dantocmiennui.vn/images/71db2c24f08203bd7bb8270edceea74e36ce30da71bbd52831d8ed1469015988661b9dc008dae0c7cec146a7335bed7dd2efd984c701b2a9258d87a7981734ebaf5c8db2934cd090d3b84a03f101e9ab9b0875594057567c3fc95c752b04a426aaec2b4361bd921c2900d8e534226f4b/potal-lai-chau-khai-thac-tiem-nang-tu-trong-duoc-lieu-7842850.jpg)
Nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, tỉnh Lai Châu có diện tích tự nhiên rộng, địa hình nhiều nơi núi cao trên 1.200m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ, sông suối nhiều. Đặc biệt, với hơn 2/3 diện tích tự nhiên là rừng, đất lâm nghiệp, thảm thực vật phong phú, Lai Châu được đánh giá có tiềm năng lớn trong phát triển cây dược liệu quý hiếm. Qua nghiên cứu, tỉnh Lai Châu hiện có gần 900 loài dược liệu, trong đó nhiều loài dược liệu có giá trị kinh tế cao như: sâm Lai Châu, lan kim tuyến, thất diệp nhất chi hoa, đương quy. Hiện nay, diện tích trồng dược liệu toàn tỉnh là hơn 17.800 ha gồm các loại cây như: quế, sơn tra, sa nhân, thảo quả, sâm Lai Châu, thất diệp nhất chi hoa, đương quy.
Đối với cây quế, sơn tra, người dân thực hiện trồng theo Đề án của tỉnh phê duyệt. Các loại dược liệu khác, người dân tự đầu tư trồng hoặc tỉnh hỗ trợ theo các chương trình, dự án trồng sa nhân, thất diệp nhất chi hoa, sâm Lai Châu, được trồng ở nhiều địa phương như: Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường… và đang được cơ quan chuyên môn khuyến khích, tạo điều kiện để người dân đẩy mạnh sản xuất theo quy trình canh tác mới, hướng tới sản phẩm đạt chất lượng tốt.
![Lao động địa phương chăm sóc vườn sâm của Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh tại huyện Sìn Hồ. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN potal-lai-chau-khai-thac-tiem-nang-tu-trong-duoc-lieu-7842864.jpg](https://media.dantocmiennui.vn/images/71db2c24f08203bd7bb8270edceea74e36ce30da71bbd52831d8ed1469015988661b9dc008dae0c7cec146a7335bed7dd2efd984c701b2a9258d87a7981734ebaf5c8db2934cd090d3b84a03f101e9abc7c2dc50d9b33921429d3dcf47a1adf8aaec2b4361bd921c2900d8e534226f4b/potal-lai-chau-khai-thac-tiem-nang-tu-trong-duoc-lieu-7842864.jpg)
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lai Châu Vương Thế Mẫn cho hay, trên địa bàn tỉnh có những cây dược liệu quý như: thất diệp nhất chi hoa, sâm Lai Châu, sa nhân tím và nhiều loại cây dược liệu khác. Đây là lợi thế và cũng là sản phẩm cần phải phải triển để đem lại lợi ích cho người dân địa phương. Chính vì vậy, tỉnh chú trọng phát triển sản phẩm OCOP từ dược liệu trên địa bàn và hướng đến xây dựng thương hiệu uy tín, có giá trị đặc biệt đối với sản phẩm từ thảo dược, đồng thời tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm này.
Để khai thác tiềm năng lớn từ cây dược liệu, những năm qua, Lai Châu đã có nhiều giải pháp để bảo tồn và phát triển cây dược liệu. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 38/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 thông qua Đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đặc biệt, Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về phát triển sâm Lai Châu giai đoạn 2024 - 2030, định hướng đến năm 2035 với mục tiêu phát triển vùng trồng sâm Lai Châu trên toàn tỉnh đạt khoảng 3.000 ha, sản lượng khai thác sâm Lai Châu năm 2030 đạt khoảng 30 tấn/năm, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GACP-WHO hoặc tương đương; đến năm 2035, đưa sâm Lai Châu cùng với sâm Việt Nam trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc gia, có giá trị xuất khẩu cao, tiến tới mang thương hiệu quốc tế, tạo nguồn thu quan trọng cho tỉnh.
![Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sìn Hồ hướng dẫn người dân xã Sà Dề Phìn chăm sóc vườn đương quy. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN potal-lai-chau-khai-thac-tiem-nang-tu-trong-duoc-lieu-7842849.jpg](https://media.dantocmiennui.vn/images/71db2c24f08203bd7bb8270edceea74e36ce30da71bbd52831d8ed1469015988661b9dc008dae0c7cec146a7335bed7dd2efd984c701b2a9258d87a7981734ebaf5c8db2934cd090d3b84a03f101e9ab196ca61ed7e814a30a6d761f3926eb98aaec2b4361bd921c2900d8e534226f4b/potal-lai-chau-khai-thac-tiem-nang-tu-trong-duoc-lieu-7842849.jpg)
Trên cơ sở đó, nhiều chính sách được tỉnh ban hành liên quan đến việc hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong giai đoạn từ năm 2020-2025 đối với các loại cây dược liệu: sâm Lai Châu, thất diệp nhất chi hoa, lan kim tuyến. Hỗ trợ bảo tồn, hoàn thiện quy trình, nhân giống dược liệu, vật tư, bao bì nhãn mác sản phẩm; hỗ trợ chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi…
Tỉnh cũng tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị liên quan đến trồng, mở rộng diện tích dược liệu, là cơ sở để tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có thêm thông tin quyết định đầu tư. Triển khai các dự án về xây dựng mô hình trồng, nhân giống sâm Lai Châu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ và đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sâm Lai Châu, thất diệp nhất chi hoa. Công tác quản lý vùng trồng được tăng cường, rà soát và cấp mã số cơ sở trồng sâm Lai Châu cho 6 cơ sở với trên 250.000 cây.
Với mục tiêu khai thác các loài cây dược liệu để sản xuất thành hàng hóa chất lượng cao, các cơ quan chức năng địa phương trong tỉnh đã tập trung hướng dẫn người dân áp dụng quy trình kỹ thuật mới trong sản xuất, thu hái, bao gói, bảo quản để nâng cao chất lượng, mẫu mã khi tiêu thụ. Cùng với đó, lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình 30a, Chương trình xây dựng Nông thôn mới, hỗ trợ phát triển sản xuất, khoa học kỹ thuật… để giúp người dân phát triển cây dược liệu, mang lại thu nhập cao.
Ông Đặng Văn Châu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu cho biết, một số vùng phát triển cây dược liệu như huyện vùng cao Sìn Hồ bước đầu đã hình thành một số sản phẩm từ dược liệu để đưa ra thị trường với tiêu chuẩn đạt OCOP 3 sao như các sản phẩm từ cây Atiso, Giảo cổ lam, chè dây, thuốc phong tê thấp... Cùng với việc hỗ trợ kỹ thuật mới trong sản xuất, các sản phẩm này đang được tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm thị trường đầu ra để người dân yên tâm phát triển sản xuất.
![Người dân xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ chăm sóc vườn đương quy. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN potal-lai-chau-khai-thac-tiem-nang-tu-trong-duoc-lieu-7842855.jpg](https://media.dantocmiennui.vn/images/71db2c24f08203bd7bb8270edceea74e36ce30da71bbd52831d8ed1469015988661b9dc008dae0c7cec146a7335bed7dd2efd984c701b2a9258d87a7981734ebaf5c8db2934cd090d3b84a03f101e9abedd0a4b09a08bb42e84e2dff6ec51926aaec2b4361bd921c2900d8e534226f4b/potal-lai-chau-khai-thac-tiem-nang-tu-trong-duoc-lieu-7842855.jpg)
Là 1 trong 8 vùng dược liệu chính của cả nước, huyện Sìn Hồ hiện có hơn 600 ha trồng cây dược liệu các loại. Loại cây này đang thực sự mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Sìn Hồ xác định dược liệu là một trong những cây trồng chủ lực để đầu tư phát triển thành sản phẩm nông nghiệp hàng hóa đặc sản của địa phương. Từ đó, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn trên địa bàn.
Ông Nguyễn Khắc Tiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sìn Hồ cho biết, đơn vị đã tham mưu cho huyện tăng cường tuyên truyền các chính sách, tiềm năng, lợi thế phát triển cây dược liệu, lồng ghép các nguồn lực thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia để đẩy mạnh phát triển vùng dược liệu. Qua đó, được người dân trên địa bàn ủng hộ, tích cực trồng, chăm sóc vùng dược liệu để khai thác đúng tiềm năng, lợi thế.
Xác định phát triển dược liệu là hướng đi phù hợp nhằm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, khai thác tiềm năng thế mạnh từng vùng, đảm bảo thêm thu nhập ổn định và giảm nghèo bền vững cho người dân, nhất là người dân ở các xã biên giới, nơi có điều kiện thuận lợi và có tỉ lệ che phủ rừng lớn. Từng huyện, xã trên địa bàn tỉnh cũng nghiên cứu mô hình trồng dược liệu phù hợp với từng vùng, từng khu vực để có hướng phát triển bền vững, tạo ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Nhờ đó, đời sống của nhân dân tại các vùng sâu, vùng xa nhất của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế khu vực nông thôn phát triển qua từng năm.
Việt Dũng