Huyện Lai Vung là một trong những địa phương của tỉnh Đồng Tháp có nhiều nghề truyền thống. Thời gian qua, ngành chức năng của huyện Lai Vung nỗ lực bảo tồn, phát triển các nghề truyền thống theo hướng hài hòa giữa gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống với cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, thích ứng nền kinh tế thị trường.

Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, Lai Vung là vùng đất nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, thiên nhiên ban tặng nguồn nước ngọt quanh năm với lượng phù sa dồi dào nên từ lâu đã trở thành vùng cây lành, trái ngọt. Quýt hồng và nem là 2 loại đặc sản gắn bó với Lai Vung, được du khách gần xa biết đến. Trong điều kiện đặc thù vùng quê sông ngòi chằng chịt, người dân đã thích nghi và sáng tạo, làm ra những chiếc xuồng, ghe để vận chuyển hàng hóa, những chiếc lờ, lọp để đánh bắt cá, tôm…

Đến nay, huyện Lai Vung có 6 nghề truyền thống được công nhận, gồm: Nghề làm nem Lai Vung; nghề đóng xuống, ghe xã Long Hậu; nghề trồng hoa giấy; nghề đan lờ, lọp; nghề đan cần xé; nghề đan bội. Trong đó, nghề đóng xuồng, ghe xã Long Hậu và nghề làm nem Lai Vung đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ngoài ra, huyện còn một số nghề truyền thống khác cũng có tiềm năng phát triển như nghề sản xuất nấm rơm (các xã Tân Hòa, Vĩnh Thới, Hòa Long), sản xuất cốm gạo, cốm bắp (xã Tân Thành), bánh tráng (xã Tân Phước)…

Sự phát triển mạnh mẽ của xã hội và khoa học công nghệ đã ảnh hưởng đến nhiều làng nghề thủ công truyền thống. Điển hình nghề đan lờ, lọp (dụng cụ dùng để bắt cá, tôm) đang bị thu hẹp thị trường tiêu thụ vì những năm qua, nước lũ về trễ và ít, nguồn lợi thủy sản sụt giảm. Hay làng nghề đóng xuồng, ghe rạch Bà Đài (xã Long Hậu) ra đời và tồn tại hơn 100 năm qua đang đối mặt nhiều khó khăn bởi giao thông đường bộ phát triển, xuồng, ghe gỗ bị cạnh tranh bởi xuồng, ghe bằng chất liệu composite. Tình hình tiêu thụ xuồng, ghe, lờ, lọp khó khăn nên không ít hộ đành bỏ nghề truyền thống của địa phương.

Trước trình hình trên, các cấp, ngành trong huyện Lai Vung nỗ lực giữ gìn và phát huy nghề truyền thống. Địa phương quan tâm tuyên truyền, giới thiệu về làng nghề truyền thống và sản phẩm của các làng nghề; phổ biến kịp thời cơ chế, chính sách về phát triển ngành nghề nông thôn; hỗ trợ xây dựng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng cho các sản phẩm của làng nghề. Cùng với đó, phát triển một số điểm tham quan vườn quýt hồng và vườn cây ăn quả để thu hút khách du lịch kết hợp bày bán sản phẩm của làng nghề truyền thống địa phương; tổ chức Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống.
Huyện Lai Vung tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các hộ làm nghề truyền thống nâng cao chất lượng sản phẩm để tham gia Chương trình OCOP. Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của nghề, nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất nem Lai Vung không ngừng đầu tư máy móc cũng như cơ sở vật chất cải thiện chất lượng sản phẩm, chú trọng thiết kế bao bì, nhãn mác.

Một số cơ sở làm nem Lai Vung được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, có mặt trong top những mặt hàng quà tặng đặc sản địa phương.
Chị Đặng Thị Ngọc Thùy, chủ cơ sở sản xuất nem Hoàng Khánh (xã Tân Thành, huyện Lai Vung) cho hay, cơ sở hình thành và phát triển 20 năm nay. Cơ sở cố gắng nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để giữ gìn và phát triển thương hiệu nem Lai Vung. Các công đoạn sản xuất nem thực hiện bằng máy móc, giúp nâng cao năng suất lao động. Cơ sở sản xuất, tiêu thụ từ 5.000 - 6.000 sản phẩm/ngày, dịp lễ, Tết, sản lượng tiêu thụ gấp 2 - 4 lần.
Nghề làm nem Lai Vung hình thành và phát triển hơn 60 năm qua. Tuy trải qua nhiều thăng trầm nhưng nghề truyền thống này vẫn tồn tại và phát triển. Ban đầu, chỉ có một vài hộ làm nem, đến nay, toàn huyện Lai Vung có hơn 20 cơ sở sản xuất nem với nhiều thương hiệu nổi tiếng. Mỗi ngày, các cơ sở làm ra hàng trăm nghìn chiếc nem, cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp với giá trị tổng sản lượng ước đạt hơn 60 tỷ đồng/năm.

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, bản thân những người làm nghề truyền thống ở Lai Vung cũng có sự nghiên cứu, sáng tạo, tìm hướng đi mới cho sản phẩm làng nghề. Nhiều nông dân ở làng nghề hoa giấy Tân Dương sưu tầm, trồng giống hoa giấy mới đáp ứng thị hiếu khách hàng; ghép cành, xử lý cho hoa giấy có từ 5 đến 10 màu. Với đôi bàn tay khéo léo, nhiều người thợ đã cho ra đời những chiếc xuồng, ghe, lờ, lọp, cần xé… với kích thước nhỏ gọn để bán cho du khách làm quà lưu niệm.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tốt (thường gọi Bảy Tốt, ở xã Long Hậu) có 4 đời làm nghề đóng xuồng, ghe. Không thể đứng nhìn làng nghề truyền thống của quê hương dần mai một nên ông Bảy Tốt chuyển sang làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ là những loại xuồng, ghe truyền thống như ghe Bà Đài, ghe tam bản, xuồng ba lá, xuồng Cần Thơ… và những sản phẩm khác theo yêu cầu của khách hàng.

Ông Bảy Tốt cho hay, khách hàng của ông đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong nước và nước ngoài. Giá bán mỗi sản phẩm xuồng, ghe mini từ 400 nghìn đồng đến 6 triệu đồng, tùy mẫu mã, kích thước. Nghề đóng xuồng, ghe thu nhỏ mang lại doanh thu cho ông khoảng 100 triệu đồng/năm và điều ông vui nhất là góp phần gìn giữ làng nghề truyền thống.
Bí thư Huyện ủy Lai Vung Võ Hoàng Cương cho biết, địa phương có định hướng trong tương lai gần sẽ dành không gian phù hợp để hàng tuần tổ chức hoạt động Điểm hội tụ làng nghề. Đây là nơi các làng nghề của địa phương giới thiệu sản phẩm, tìm cơ hội kinh doanh; du khách có thể đến tham quan, mua sắm và trải nghiệm tham gia làm những nghề truyền thống cùng người dân địa phương. Song song đó, huyện đang thực hiện chương trình phát triển du lịch trải nghiệm cộng đồng tại vườn cây ăn quả, vườn hoa, cánh đồng hoa màu gắn với tìm hiểu về các làng nghề. Qua đó, góp phần lan tỏa, giúp người dân và du khách gần xa hiểu hơn về bản sắc, giá trị văn hóa phi vật thể của các làng nghề truyền thống ở huyện Lai Vung.
Nhựt An