Tỉnh Đồng Tháp đã có hơn 60 điểm tham quan du lịch gắn với nông nghiệp và trải nghiệm làng nghề được thành lập, đi vào hoạt động. Các mô hình du lịch kết hợp với nông nghiệp hoạt động khá hiệu quả, đã giúp kéo dài chuỗi giá trị, gia tăng giá trị nông sản, tạo thêm việc làm ở nông thôn, đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân. Nổi bật là các mô hình ở thành phố Sa Đéc, huyện Tháp Mười và Lai Vung.
Ông Ngộ Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết, phát huy thế mạnh về sen, hiện có khoảng 12 hộ kinh doanh ở Khu Đồng Sen Tháp Mười khai thác loại hình du lịch trải nghiệm: Chèo xuồng ngắm cảnh đồng sen, cảnh thu hoạch; câu cá; thưởng thức ẩm thực đồng quê với nhiều món ăn được chế biến từ sen... Đây là điểm thu hút đông đảo khách du lịch từ Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận vào dịp cuối tuần và các kỳ nghỉ lễ. Trung bình, các điểm tham quan đồng sen đón và phục vụ trên 10.000 lượt khách/tháng. Vào những dịp cao điểm lễ, Tết, trung bình mỗi ngày có trên 1.000 lượt khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm.
Phía Nam sông Tiền, ở huyện Lai Vung cũng là một điểm sáng về sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch bởi nơi đây có lợi thế trái cây đặc sản nổi tiếng khắp cả nước, quýt hồng Lai Vung. Đến Lai Vung vào mùa quýt hồng, du khách không chỉ được hít thở không khí trong lành tươi mát mà còn có thể tự tay hái trái, thưởng thức trái quýt đặc sản cũng như các sản phẩm chế biến từ quýt như nước quýt, mứt vỏ quýt các loại.. Bên cạnh đó, du khách có thể chụp hình lưu niệm cùng bạn bè, người thân tại vườn quýt hồng, cam xoàn, quýt đường; thưởng thức các món ăn đặc sản miền Tây, thưởng thức “Đờn ca tài tử”, hò Đồng Tháp - vốn rất nổi tiếng từ lâu trên đất Lai Vung. Các điểm tham quan vườn quýt hồng từ khi khai trương hoạt động đến nay đã đón tiếp và phục vụ hơn 145.000 lượt khách, tổng thu đạt khoảng 43 tỷ đồng.
Đặc biệt, mô hình tiêu biểu nhất là thành phố Sa Đéc với 12 điểm tham quan trải nghiệm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, trong đó có 6 điểm cộng đồng đủ điều kiện công nhận là điểm du lịch theo Luật Du lịch 2017; 3 điểm du lịch cộng đồng được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao theo bộ tiêu chí du lịch nông thôn... Đây là những điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Ngoài việc được tận hưởng vẻ đẹp, hương sắc các loài hoa, du khách còn được nghe các nghệ nhân, tình nguyện viên giới thiệu đặc điểm, xuất xứ, ý nghĩa và giá trị tinh thần và kinh tế của từng loại hoa kiểng, ngắm nhìn các tiểu cảnh phong phú, đậm chất nghệ thuật kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, sáng tạo và hấp dẫn trên đường hoa Sa Nhiên-Cai Dao. Hàng năm Sa Đéc đón trên 1 triệu lượt du khách, trong đó có hơn 40 nghìn lượt khách quốc tế.
Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh đều có các mô hình du lịch nông nghiệp trải nghiệm đang khai thác, bước đầu mang lại hiệu quả, đặc biệt như: Farmstay Việt Mê Kong ở huyện Tam Nông; Homestay Trần Thị Phiến; Điểm du lịch sinh thái Tiên Định ở huyện Hồng Ngự; Điểm du lịch sinh thái Sunny ở thành phố Cao Lãnh…
Các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư ở các địa phương trong tỉnh đã mạnh dạn phối hợp với các công ty du lịch lữ hành xây dựng những chương trình du lịch khá hấp dẫn như “Trải nghiệm một ngày làm nông dân”, “Trải nghiệm mùa nước nổi của ngư dân vùng Đồng Tháp Mười”, “Mỗi ngày một nghề”, “Đi trong màu xanh của vườn cây trái”…
Nổi bật, Homestay Flower and Fog Hùng Trang (thành phố Sa Đéc) là mô hình homestay đầu tiên ở tỉnh Đồng Tháp. Các hoạt động trải nghiệm nuôi ếch, trồng hoa và chế biến các món ăn đậm chất miền Tây đem đến cho du khách, đặc biệt là khách quốc tế những trải nghiệm khó quên. Homestay thường xuyên được du khách đánh giá cao về chất lượng dịch vụ. Bình quân, mỗi năm có hơn 1.000 lượt khách lưu trú trải nghiệm với doanh thu hơn 1 tỷ đồng.
Ông Trần Thanh Hùng - Chủ cơ sở đồng thời là Chủ nhiệm "Hội quán cùng nhau làm du lịch" cho biết, thành công của homestay cũng như hội quán đã truyền cảm hứng cho các hộ mạnh dạn đầu tư phát triển du lịch.
Tương tự, khu du lịch Happy Land Hùng Thy (thành phố Sa Đéc) là điểm du lịch OCOP 3 sao, có không gian mát mẻ với các loại hoa kiểng đặc sắc. Tại đây, du khách còn được trải nghiệm các trò chơi dân gian thú vị như chèo xuồng, bơi thúng, đi cầu thăng bằng, đu dây qua sông, chạy xe đạp qua cầu khỉ, tát ao bắt cá... Đặc biệt Khu vui chơi giải trí miệt vườn Happy Land Hùng Thy là một trong những địa điểm thu hút các hãng lữ hành, công ty, doanh nghiệp tổ chức hoạt động team building (vui chơi hoặc khóa học tập thể). Bình quân mỗi năm có hơn 20 nghìn khách đến tham quan trải nghiệm.
Tại cơ sở du lịch Việt Mekong Farmstay (huyện Tam Nông) tổ chức làm nông trại nghỉ dưỡng thuận thiên, phát triển trên nền tảng nông nghiệp và văn hóa địa phương với không gian đa sắc màu, đậm nét hoang sơ của cánh đồng hoa súng trắng, sen hồng, cỏ xanh, lúa vàng và lúa trời..., thu hút giới trẻ đến tham quan, trải nghiệm. Ngoài ra, còn có một số điểm du lịch như: Homestay Tư Cá Linh ở huyện Tam Nông; Làng rau nhút thủy sinh ở Cồn Phú Mỹ; Trang trại nhà màng trồng dưa lê của Công ty ECOFAM ở huyện Thanh Bình; Hợp tác xã rau sạch và nông trại lúa hữu cơ Tâm Việt ở huyện Hồng Ngự; Trung tâm sản xuất hoa kiểng ứng dụng công nghệ cao ở thành phố Sa Đéc… đang được tập trung đầu tư để khai thác phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị nông nghiệp và văn hóa truyền thống bản địa.
Du lịch phát triển đã đóng góp tích cực cho nền kinh tế địa phương, giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động, nâng cao thu nhập cho các hộ làm du lịch nông nghiệp từ 1,5-2 lần so với làm nông nghiệp thuần túy. Mối quan hệ giữa phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương ngày càng chặt chẽ. Một số sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với di tích, danh lam thắng cảnh, cùng với nét văn hóa, con người Đồng Tháp hiền hòa, thân thiện, nghĩa tình, di sản văn hóa phi vật thể đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách, góp phần quảng bá hình ảnh Đất Sen Hồng đến với người dân trong nước và bạn bè quốc tế.
Ông Ngộ Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết, mô hình du lịch trải nghiệm giúp người nông dân chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm, mang lại hiệu quả cao cho cả hai ngành Nông nghiệp và Du lịch. Trong vài năm trở lại đây, du lịch nông nghiệp ngày càng trở nên phổ biến và trở thành lĩnh vực đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Bên cạnh việc góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, du lịch nông nghiệp còn hạn chế khuynh hướng ly hương, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, xuất khẩu tại chỗ và xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại.
Nguyễn Văn Trí