Chiều 10/12, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Phiên xúc tiến thương mại năm 2023 nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm tôm và các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, sản phẩm OCOP Cà Mau; giới thiệu tiềm năng phát triển ngành tôm Cà Mau.
Tại Phiên xúc tiến thương mai, UBND tỉnh Cà Mau thông tin thị trường, đánh giá cơ hội, thách thức của các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, sản phẩm OCOP Cà Mau, đặc biệt là ngành tôm. Đồng thời, tỉnh cam kết tạo cơ hội thuận lợi các nhà đầu tư, doanh nghiệp xúc tiến thương mại để nâng tầm sản phẩm OCOP Cà Mau.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023, được diễn ra từ ngày 10 - 13/12/2023. Đây là sự kiện lễ hội có nhiều hoạt động giao lưu, liên kết phát triển kinh tế, văn hoá, du lịch; trong đó có nhiều hội nghị, hội thảo, các phiên thảo luận chuyên đề ngành tôm và các sản phẩm OCOP.
Theo đó, UBND tỉnh tổ chức phiên xúc tiến thương mại nhằm kết nối doanh nghiệp tỉnh Cà Mau với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, với mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP của Cà Mau có cơ hội hợp tác với doanh nghiệp, hợp tác xã của Cà Mau, các hệ thống phân phối, bán lẻ, nhà mua trong và ngoài nước, các sàn thương mại điện tử trong tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh mong muốn sự hợp tác sẽ là tiền đề để hình thành được chuỗi liên kết sản xuất - phân phối - tiêu thụ bền vững.
Sở Công Thương chủ động vận động, kết nối các bên có quan tâm đến mua và bán các sản phẩm đặc sản của Cà Mau; để các bên có thời gian, chủ động tìm hiểu, khảo sát, trao đổi, thảo luận các vấn đề có liên quan. Phiên xúc tiến thương mại cũng tập trung thảo luận những những khó khăn chung, vấn đề quan trọng, có ý nghĩa thúc đẩy sự hợp tác của tất cả các bên trong cung ứng và tiêu thụ.
Tại Phiên xúc tiến thương mại, các chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nghiệp phân phối trong và ngoài tỉnh Cà Mau đã chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông quảng bá, kết nối tiêu thụ, phân phối sản phẩm OCOP, đồng thời nêu một số khó khăn, điểm yếu của việc tiêu thụ sản phẩm Cà Mau và tình hình xuất khẩu tôm hiện nay; đề xuất các giải pháp tiêu thụ sản phẩm nội địa và xuất khẩu.
Các nhà nhập khẩu, nhà phân phối, bán lẻ cũng đã hỗ trợ tư vấn để doanh nghiệp Cà Mau hoàn thiện sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng với nhu cầu và thị hiếu của thị trường; trao đổi, thông tin với nhau về phương thức, điều kiện mua - bán để cùng nhau nghiên cứu, có tiếng nói chung trong hợp tác, kinh doanh.
Ông Nguyễn Chí Thiện, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau nhận định, những tháng cuối năm 2023 và năm tiếp theo, tình hình thế giới và khu vực được dự báo tiếp tục có những diễn biến rất phức tạp và khó lường về địa chính trị, gây ảnh hưởng đến sự ổn định toàn cầu, làm gián đoạn, đứt gãy các chuỗi cung ứng; nhu cầu tiêu dùng giảm ở nhiều nước, đặc biệt tại các quốc gia là đối tác thương mại lớn của ngành thủy sản Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, nhóm thị trường CPTTP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương). Cạnh tranh trong xuất khẩu ngành hàng thủy sản được dự báo vẫn còn gay gắt. Vì vậy, các doanh nghiệp, thương nhân cần tìm nhiều hướng đi mới, đây là vấn đề tất yếu trong xu thế và tình hình hiện nay.
Tỉnh Cà Mau có 145 sản phẩm OCOP được công nhận; trong đó, có 32 sản phẩm đạt 4 sao, 113 sản phẩm 3 sao (thuộc một số phân nhóm sản phẩm chế biến từ gạo, ngũ cốc, củ, quả, hạt; chế biến từ thịt, thủy sản, mật ong, nông sản; gia vị; đồ uống có cồn,…). Đối với sản phẩm OCOP 4 sao, các chủ thể cơ bản đảm bảo điều kiện năng lực sản xuất, liên kết sản xuất, chứng nhận quản lý chất lượng như ISO, VietGAP, HACCP, nhãn hàng hóa và bao bì, có nguồn truy xuất nguồn gốc hàng hóa rõ ràng. Ngoài ra, tỉnh có 110 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 28 sản phẩm được công nhận cấp khu vực và 15 sản phẩm cấp quốc gia.
Hàng năm, tỉnh Cà Mau hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ thương mại thủy sản lớn trên thế giới, tổ chức các hoạt động kết nối với doanh nghiệp nước ngoài. Xuất khẩu thuỷ sản trung bình 10 năm gần đây trên 1 tỷ USD; trong đó, chủ yếu là tôm. Riêng năm 2022, xuất khẩu thủy sản Cà Mau đạt 1,3 tỷ USD.
Cà Mau đứng đầu cả nước về xuất khẩu tôm chế biến nhiều năm liền. Sản phẩm tôm của tỉnh đã được xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hầu hết sản phẩm tôm Cà Mau đáp ứng các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng của các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, EU, Hàn Quốc, Australia...
Tỉnh Cà Mau tăng cường kết nối, quảng bá sản phẩm OCOP Cà Mau, trước mắt hướng đến cộng đồng người Việt ở các nước để từng bước lan tỏa, giới thiệu sản phẩm Cà Mau đến người tiêu dùng ngoài nước. Một số chủ thể OCOP đã có những bước tiến dài trong việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Qua đó, đã thực hiện hiện liên kết xuất khẩu và xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm như tôm khô, bánh phồng tôm, qua các thị trường Australia, Canada, Hàn Quốc...
Kim Há