Cà Mau phát triển mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến

Cà Mau phát triển mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến

Nhằm nâng cao hiệu quả mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến trong thời gian tới, tỉnh Cà Mau chú trọng giải pháp đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức sản xuất, xây dựng các mô hình và vùng nuôi thí điểm, nâng cao chất lượng con giống và vật tư đầu vào, có chính sách hỗ trợ vốn sản xuất phù hợp. Đồng thời, địa phương quan tâm tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác khuyến nông.

Cà Mau phát triển mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến ảnh 1Thu hoạch tôm ở Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Anh - TTXVN

Theo ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, Sở tập trung chỉ đạo rà soát lại các tiêu chí nuôi tôm quảng canh cải tiến để đánh giá hiện trạng và có giải pháp phát triển hiệu quả; chuyển đổi mạnh từ nuôi tôm sú quảng canh, kết hợp sang quảng canh cải tiến, nuôi quảng canh cải tiến 2 giai đoạn.

Đồng thời, định hướng tổ chức sản xuất nông nghiệp gắp với xây dựng chuỗi giá trị thông qua mô hình tổ hợp tác sản xuất, hợp tác xã, câu lạc bộ nuôi tôm, tổ khuyến nông cộng đồng; tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã tiếp cận các nguồn vốn, nguồn lực đất đai, chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ số, xây dựng thương hiệu; hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng dự án đầu tư ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất an toàn, sản xuất sản phẩm hữu cơ, thực hành sản xuất tốt để nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy hoạch nuôi tôm quảng canh cải tiến theo hướng hình thành các vùng nuôi tập trung, phù hợp với điều kiện tự nhiên, môi trường; tăng cường quản lý quy hoạch vùng nuôi, nhất là vùng nuôi tôm - rừng (tôm sinh thái), vùng sản xuất tôm - lúa theo định hướng hữu cơ.

Cùng với đó, tổ chức lại sản xuất, hình thành các vùng nuôi quy mô lớn tập trung, áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận khác nhau đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; thành lập mới và củng cố hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác để làm đầu mối liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, giảm bớt các khâu trung gian...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát cập nhật diện tích, loại hình nuôi tôm có hiệu quả; thường xuyên thông tin cảnh báo về môi trường, dịch bệnh, giá cả thị trường tiêu thụ để người dân chủ động sản xuất; đồng thời, kiểm tra, giám sát việc nhân rộng các loại hình sản xuất có hiệu quả, xác định rõ mô hình nuôi tôm bền vững, có tiềm năng, lơi thế của địa phương. Đồng thời tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, kịp thời nhân rộng các mô hình nuôi tôm có hiệu quả, nhất là xây dựng và nhân rộng mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến 2 giai đoạn, 3 giai đoạn.

Thời gian qua, việc nhân rộng mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến, quảng canh cải tiến 2 giai đoạn trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã góp phần nâng cao đời sống, kinh tế của người dân. Đặc biệt là mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn với năng suất từ 400-600/kg/ha/năm, cá biệt có hộ nuôi đạt năng suất trên 800 kg/ha/năm.

Mô hình này từng bước khẳng định tính hiệu quả, năng suất vượt trội so với nuôi quảng canh truyền thống. Đây là mô hình nuôi được áp dụng cho nhiều vùng nuôi như: vùng chuyên tôm, vùng tôm - lúa, vùng tôm - rừng. Tính đến đầu năm 2023, diện tích nuôi tôm sú quảng canh cải tiến của tỉnh đã đạt trên 176.270 ha, diện tích nuôi tôm sú quảng canh cải tiến 2 giai đoạn, 3 giai đoạn đạt khoảng 67.000 ha. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã xây dựng được 83 mô hình trình diễn về nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi tôm sú quảng canh cải tiến 2 giai đoạn, riêng năm 2023 xây dựng 28 mô hình.

Kim Há

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm