Tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển nuôi tôm siêu thâm canh đạt 5.000 ha; đồng thời, xây dựng chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế cho 30.000 ha diện tích tôm - rừng, sản xuất lúa - tôm đạt 45.000 ha.
Đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh đạt 1,3 tỷ USD và tới năm 2030, tỉnh sẽ củng cố, duy trì vị trí dẫn đầu của cả nước về ngành tôm.
Do vậy, trong quá trình rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất ngư, nông và lâm nghiệp gắn xây dựng các khu nông nghiệp chuyên canh tập trung, tỉnh Cà Mau định hướng rõ việc quy hoạch, phát triển nuôi tôm tập trung với quy mô lớn theo 3 vùng sinh thái.
Theo đó, đối với vùng Bắc Cà Mau, tỉnh định hướng chuyển đổi một số vùng sản xuất chuyên lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa - tôm với diện tích khoảng 5.000 ha, khôi phục diện tích lúa - tôm ở những nơi đủ điều kiện, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỉnh mở rộng phát triển sản xuất tôm - lúa và tôm quảng canh cải tiến ở vùng Nam Cà Mau.
Bên cạnh việc chú trọng đa dạng đối tượng nuôi thủy sản để tận dụng lợi thế của vùng kết hợp phát triển du lịch sinh thái, tỉnh đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản thâm canh, siêu thâm canh gắn với đầu tư các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các huyện Năm Căn, Đầm Dơi, Ngọc Hiển.
Riêng vùng ven biển Cà Mau sẽ tập trung phát triển nuôi thủy sản mà chủ lực là nuôi tôm, cua; phát triển mô hình rừng - tôm sinh thái kết hợp với dịch vụ, du lịch biển trên cơ sở phát huy giá trị Khu Dự trữ sinh quyển, Khu Ramsar thế giới Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.
Cùng với đó, tỉnh Cà Mau ưu tiên nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu và triển khai thực hiện các dự án, công trình thích ứng với biển đổi khí hậu, hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất phục vụ sản xuất, đầu tư hồ chứa nước ngọt và tận dụng hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé thuộc tỉnh Kiên Giang để điều tiết mặn, ngọt.
Đây cũng là giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nhất là phát triển nuôi tôm theo 3 vùng sinh thái ở Cà Mau trong thời gian tới.
Kim Há